Cục Hải sự Trung Quốc chiều 18/6 đã ra thông báo sẽ điều giàn khoan thứ hai tới biển Đông. Thông báo trên website này nói giàn "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải số 9) từ ngày 18 tới ngày 20/6 sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông. Toạ độ xuất phát của giàn khoan Nam Hải số 9 này chính là từ đảo Hải Nam trong khi điểm đến của nó là khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải giữa hai bên.
|
Giàn khoan Nam Hải số 9. |
Một điều đáng lưu ý là giàn khoan này được Trung Quốc kéo tới Biển Đông ngay sau khi Uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tới Việt Nam và có các cuộc gặp với Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại các cuộc gặp này, ông Dương Khiết Trì có phát đi thông điệp cam kết ổn định tình hình Biển Đông. Vậy có phải Trung Quốc lại một lần nữa tự tố cáo mình đang “nói một đằng, làm một nẻo”? Chúng ta có thể giải mã những hành động trơ trẽn này của Trung Quốc như thế nào?
Theo TS Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu về Biển Đông, việc Trung Quốc kéo giàn khoan mới - giàn khoan thứ 2 tới sát khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ là thêm một hành động khiêu khích nữa của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn còn rất căng thẳng. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Chúng ta không còn mơ hồ gì về điều này và về ý đồ của Trung Quốc nữa.
Vì sao Trung Quốc lại chọn vị trí cửa Vịnh Bắc Bộ để đặt giàn khoan mới, mà không phải quanh khu vực Hoàng Sa – Trường Sa? Theo TS Nguyễn Nhã, đây là thủ thuật rất thủ đoạn của Trung Quốc. Điểm đến của giàn khoan Nam Hải số 9 là vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông. Đây là khu vực cửa Nam Vịnh Bắc Bộ, là vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải giữa hai bên. Sở dĩ Trung Quốc không dám đưa giàn khoan mới tới vị trí sâu trong thềm lục địa Việt Nam như giàn khoan Hải Dương 981 vì vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 đã bị dư luận quốc tế lên án, chỉ trích rất mạnh mẽ. Vì thế, lần này Trung Quốc phải thận trọng hơn, chỉ đưa giàn khoan vào vùng biển đang tranh chấp, để nhằm biến nó thành chuyện đã rồi và sau đó, biến vùng biển đang tranh chấp thành vùng biển của mình.
|
Vị trí giàn khoan Nam Hải số 9 của Trung Quốc tại Biển Đông (chấm vàng thứ 2 từ trên xuống. Chấm vàng dưới cùng là vị trí hiện tại của giàn khoan Hải Dương 981). |
Bên cạnh đó, khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ là khu vực mà quốc tế ít quan tâm, là chuyện nội bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên Trung Quốc sẽ càng được nước để lấn tới, ngang nhiên làm những điều phi pháp. Việc đặt giàn khoan ở cửa Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc có rất nhiều lợi thế về quân sự, kinh tế... để bảo vệ giàn khoan, vì vị trí này ngay gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Việc đưa giàn khoan Nam Hải số 9 vào vị trí gần cửa Vịnh Bắc Bộ nằm trong kế hoạch, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là chiếm được vùng biển Đông, tức kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982, thời ông Lưu Hoa Thanh. Theo kế hoạch này, họ phải vươn từ chuỗi đảo thứ nhất rồi sang chuỗi đảo thứ hai và từ chuỗi đảo thứ hai và họ vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đe dọa vị trí của Mỹ.
Thực ra thông tin họ kéo giàn khoan thứ 2, thậm chí thứ 3, thứ 4 nữa đến thì đã có từ trước, hoặc chúng ta cũng phán đoán và lường trước được điều đó. Vấn đề bây giờ không phải là cái giàn khoan nữa mà là toàn bộ hành vi xâm lấn, phi pháp của Trung Quốc. Những hành vi đó của Trung Quốc là nằm trong hệ thống, sẽ tiếp tục và liên tục. An ninh của khu vực đang bị đe doạ.
Trước những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế liên tục thời gian qua của Trung Quốc, chúng ta phải phản ứng quyết liệt trên nhiều mặt. Chúng ta phải dùng các biện pháp mang tính hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế, tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình, đồng thời tiến hành nhanh các thủ tục để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Việc khởi kiện này có những thuận lợi nhưng cũng sẽ có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề liên quan đến chủ quyền, khi nào cũng có những điểm yếu và những điểm mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật của Việt Nam và quốc tế từng nghiên cứu đã nói việc khởi kiện có thể giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu. Tóm lại, khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế có lợi hơn là không làm gì. Tất nhiên, chúng ta phải rất khôn ngoan, chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo.
TS Nguyễn Nhã phân tích thêm, không phải chỉ với sự kiện đưa giàn khoan Nam Hải số 9 vào biển Đông, Trung Quốc mới lộ rõ bản chất của một kẻ thâm hiểm, nói một đằng, làm một nẻo. Trước đó, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã thể hiện bản chất xấu xa này của mình. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát đi thông điệp “Trung Quốc cam kết tìm kiếm cách giải quyết hòa bình trong việc tranh chấp với các quốc gia khác về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi và lợi ích hàng hải” thì cũng là lúc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cùng hàng trăm tàu hộ tống đâm húc, tấn công, dùng vòi rồng cực mạnh phun nước vào các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam... Trung Quốc “nói vậy mà không phải vậy”.
"Dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, hơn ai hết hiểu được "bụng dạ" của "ông láng giềng" nham hiểm này. Dòng máu hung hăng của Trung Quốc chưa bao giờ ngừng chảy mà dường như giờ còn mạnh hơn khi Trung Quốc đang lao vào tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông", TS Nguyễn Nhã nhấn mạnh.
Minh Hiếu