Từ 8 giờ sáng, Ngô Quang Chướng được đưa đến phòng xử bằng xe lăn và có bác sĩ đi kèm thay vì nằm trên băng ca như lần trước. Ngay trong phần thủ tục, phiên tòa đã nóng lên với phần tranh luận của các luật sư về sức khỏe của bị cáo Chướng.
Đủ hay không đủ sức khỏe để ra tòa?
Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng triệu tập bác sĩ đang điều trị cho Ngô Quang Chướng đến tòa. Dù bị cáo ngồi trên xe lăn, mắt nhắm nghiền nhưng khi được hỏi, bác sĩ khẳng định bị cáo đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa. Còn hai luật sư của bị cáo là luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Lưu Văn Tám nghi ngại về vấn đề sức khỏe của bị cáo trong khi chưa có kết luận của hội đồng y khoa, vì trại tạm giam không có chức năng giám định. Song song đó, luật sư Tám còn dẫn điều luật: Nếu bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo thì phải tạm đình chỉ xét xử.
Ngược lại, vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía gia đình bị hại lại cho rằng phiên tòa có bác sĩ chuyên môn đã nói rõ bị cáo đảm bảo sức khỏe tham dự phiên tòa thì phải xét xử vì bị hại ở xa, việc đi lại rất khó khăn nếu phiên tòa bị hoãn.
Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng bị cáo Chướng không thuộc trường hợp phải bắt buộc giám định sức khỏe theo khoản 3 điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự nên đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
|
Bị cáo Ngô Quang Chướng tại tòa. |
Sau khi hội ý, HĐXX cho biết đã 2 lần vào trại giam làm việc về vấn đề sức khỏe của bị cáo. Bệnh viện Trại tạm giam Chí Hòa có văn bản xác nhận bị cáo bị bệnh sơ gan, đang theo dõi ung thư nhưng tinh thần bị cáo tỉnh táo, có thể ngồi xe lăn để tham dự phiên tòa. Đồng thời để chuẩn bị cho công tác xét xử, tòa cũng đề nghị trại giam đem theo xe lăn cho bị cáo, có bác sĩ tại phiên tòa để chăm sóc sức khỏe cho bị cáo…
Vì vậy, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án.
Án tử hình
Tại phiên xử phúc thẩm hôm nay, Chướng trả lời các câu hỏi của HĐXX một cách rành mạch, tuy bị cáo nói hơi nhỏ. Cụ thể, Chướng khai: Không cố ý giết ông Sỹ, chỉ nhờ Luân đánh cảnh cáo Sỹ. Chướng cũng thừa nhận hành vi của mình là sai trái rất lớn, vì thiếu suy nghĩ đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề. Chướng còn nêu nhiều đóng góp cho xã hội qua các hoạt động từ thiện và nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ để xin HĐXX giảm án cho bị cáo.
Trong khi đó, đại diện cho gia đình bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị tòa tăng hình phạt đối với Chướng vì giết người có tổ chức, vừa giết ông Sỹ xong đã tổ chức ăn mừng…
Sau khi nghe các luật sư và công tố viên tranh luận, HĐXX nhận định bản án sơ thẩm xử phạt Chướng tù chung thân là chưa xem xét hết các tình tiết của vụ án, trong đó Chướng là kẻ chủ mưu, cầm đầu trong việc sát hại ông Sỹ.
Chướng cũng liên tục yêu cầu Luân nhiều lần đe dọa và nhắn tin, phát động, phát lệnh cho Luân ra tay… Từ đó, HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP.HCM, tuyên tử hình đối với Chướng.
Vụ án thuê giang hồ giết cấp phó gây chấn động dư luận
Theo nội dung vụ án, tháng 7.2000, ông Chướng và ông Đặng Xuân Sỹ (53 tuổi) hùn vốn mở Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải. Chướng làm giám đốc, còn ông Sỹ làm phó. Đến năm 2005, ông Sỹ tố cáo Chướng đến các cơ quan chức năng vì phát hiện giám đốc có nhiều sai phạm.
Để trừ khử cấp dưới, Chướng thuê Vũ Văn Luân (Luân “con”) và đàn em “dạy cho ông Sỹ một bài học". Tháng 10/2009, Luân thuê 6 đàn em thân tín thực hiện "lệnh" của Chướng.
Trưa 15/10/2009, phát hiện ông Sỹ chạy xe máy trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), nhóm sát thủ lao tới đâm 2 nhát vào lưng khiến ông Sỹ thiệt mạng trên đường đi cấp cứu.
Xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án tuyên phạt Chướng tù chung thân về tội "giết người". Luân “con” lĩnh án tử hình vì tội "giết người", "bắt giữ người trái pháp luật" và "cưỡng đoạt tài sản". Các đàn em thân tín của Luân nhận từ 14 đến 20 năm tù. Sau đó, bản án này bị chánh án TAND Tối cao hủy, đề nghị xét xử lại theo hướng tăng án đối với Chướng.
Theo Thanh Niên