Giám đốc Mai Linh “nói nhảm” kiều nữ Hải Dương, bị xử ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - "Nếu Giám đốc Mai Linh không đưa ra được các bằng chứng cho lời nói của mình, kiều nữ Hải Dương có thể gửi đơn tố cáo ông này tội vụ khống theo điều 122 BLHS".

Sau khi có những phát ngôn trên báo giới về kiều nữ Hải Dương Phạm Thị Thanh Ngọc liên quan tới thông tin cưỡng dâm hàng loạt tài xế taxi, mới đây trả lời Kiến Thức, ông Đỗ Viết Tuấn - Giám đốc TNHH Mai Linh Hải Dương lại cho biết: “Tôi muốn nói những thông tin ấy chỉ là dạng tin đồn. Bản thân tôi cũng chưa từng nhận được đơn thư của nhân viên. Ngay cả thông tin tờ báo Người Đưa Tin đăng bài về kiều nữ Ngọc, có ý kiến tôi là không đúng, vì tôi chưa từng trả lời tờ báo này, tôi chỉ trả lời duy nhất báo Infonet để khẳng định những thông tin báo chí đăng tải là dạng tin đồn. Ngay cả công an hỏi, tôi cũng khẳng định như vậy”.
Tuy nhiên, dư luận vẫn đang băn khoăn và không biết hiểu thế nào cho đúng về một tình tiết mà ông Tuấn từng cung cấp: "Trước đây hơn 1 năm, tổng đài của công ty thường nhận được điện thoại của khách hàng xưng tên là N., ở Điện Biên Phủ gọi đến, yêu cầu xe taxi đến đón, mới đầu thì các lái xe có đến đón khách hàng, tuy nhiên sau hơn 1 năm nay, khi khách hàng này gọi điện lên tổng đài để gọi xe taxi nhưng không có lái xe nào dám đến địa chỉ này đón khách nữa...".
 Thông tin 80% tài xế taxi bị kiều nữ cưỡng hiếp lại xuất phát từ chính tin truyền miệng của các tài xế.
Hiện, câu hỏi được ra: Với kiểu trả lời báo chí như vậy, trách nhiệm của Giám đốc Mai Linh Hải Dương ra sao? Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Trần Viết Hưng, Phó GĐ Công ty luật Trường Sa nhận định: "Nếu ông Đỗ Viết Tuấn có nói với báo chí về nội dung "Trước đây hơn 1 năm tổng đài của công ty thường nhận được điện thoại của khách hàng xưng tên là N., ở Điện Biên Phủ gọi..., mới đầu thì các lái xe có đến đón khách hàng... nay không có lái xe nào dám đến địa chỉ này đón khách nữa" thì bà Phạm Thị Thanh Ngọc có thể gửi đơn yêu cầu ông Tuấn cung cấp chứng cứ đó có đúng không? Nếu ông Tuấn không cung cấp, bà Ngọc có thể gửi đơn đề nghị lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu ông Tuấn cung cấp bằng chứng để chứng minh lời ông Tuấn nói có đúng sự thực không? Ví dụ như: Có đúng hơn 1 năm trước có người xưng là bà Ngọc nhiều lần gọi đến Công ty Taxi Mai Linh để đi không và có đúng là có nhiều lái xe taxi không đến địa chỉ trên đón bà Ngọc khi có yêu cầu của trung tâm điều hành của hãng taxi Mai Linh? Nếu ông Tuấn không đưa ra được các bằng chứng cụ thể để chứng minh lời nói của mình thì bà Ngọc có thể gửi đơn tố cáo ông Tuấn tội vụ khống theo điều 122 Bộ luật hình sự".
"Vu khống, được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự bịa đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác. Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng cách nói trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác như qua phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động...", Luật sư Hưng cho hay.
Trong một diễn biến tương đồng, theo Luật sư Hưng, nếu cơ quan chức năng điều tra làm rõ những thông tin đó là bịa đặt, thì những tài xế taxi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".
Chưa xét đến pháp lý, chỉ riêng về mặt đạo đức, những lái xe loan tin ấy cũng đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm người nếu thông tin họ loan truyền là vu khống bịa đặt. Nếu thông tin lái xe cung cấp là đúng, dư luận đánh giá họ yếu kém khi 80% lái xe taxi không chống đỡ nổi một người phụ nữ yếu mềm để rồi bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, đến lúc này, những lái xe taxi từng cho là nạn nhân của kiều nữ, vẫn im lặng, không ai dám lên tiếng.
Điều 122 - Bộ luật Hình quy định về tội vu khống như sau:
1- Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức.
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
c) Đối với nhiều người.
d) Đối với ông bà, cha mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình.
đ) Đối với người thi hành công vụ.
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Minh Vương