EVN đầu tư ngoài ngành khủng cỡ nào?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù thua lỗ như vậy, đáng ra EVN phải làm hết sức mình để cắt giảm thua lỗ, bù lại những thiệt hại cho Nhà nước trong việc chuyển giao EVN Telecom nhưng EVN không thực hiện....

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lấy ý kiến. Theo đó, EVN có thể không được đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Dự thảo có quy định nêu rõ: EVN không được góp vốn, phát hành trái phiếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, EVN cũng không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp 2 và các cấp tiếp theo, các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hoá các đơn vị của EVN.
Vốn đầu tư ngoài ngành vượt xa vốn điều lệ
Trước đó, dù đã bị tuýt còi vì đầu tư ngoài ngành từ nhiều năm nay, song số tiền mà EVN đổ vào các lĩnh vực không phải điện vẫn ngày càng tăng mạnh.
Theo kết luận thanh tra tại EVN do Thanh tra Chính phủ công bố sáng 10/1, EVN đã có một số sai phạm về vấn đề quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
EVN dau tu ngoai nganh khung co nao?
EVN đầu tư vào nhiều ngành không liên quan tới điện.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành của EVN đã lên tới trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có hơn 76.000 tỷ đồng. Như vậy, giá trị đầu tư ngoài ngành của EVN đã vượt hơn 45.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ, trái với quy định của Bộ Tài chính về việc đầu tư ra ngoài ngành chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, EVN thực hiện đầu tư vào tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hơn 1.900 tỷ đồng, vượt tỷ lệ cho phép của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Với thực tế đó, tính đến năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của công ty mẹ EVN là hơn 2,7 lần, còn hệ số giữa nợ phải trả và vốn sở hữu của Công ty mẹ EVN hơn 3,2 lần.
Tại thời điểm thanh tra, Công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN chưa nộp về quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tiền phí dịch vụ môi trường hơn 500 tỷ đồng theo quy định. Đến khi có kết luận thanh tra, EVN mới chịu nộp.
Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành, làm tăng chi phí sản xuất định năm 2011 hơn 223,9 tỷ đồng. Thế nhưng, Công ty mẹ EVN vẫn mua 2 xe ô tô sang Toyota Land Cruise vượt quy định 3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Việc kinh doanh thua lỗ này còn tập trung tại 7 công ty 100% vốn của EVN gồm các tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, TP.HCM; Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Cần Thơ, với số tiền lỗ hơn 3.648 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ xác định EVN đầu tư cả nghìn tỉ đồng vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nhưng vượt tỉ lệ vốn góp theo quy định như tại Công ty Tài chính cổ phần điện lực, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình...
Đối với các đơn vị thành viên của EVN, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, xác định vi phạm không kém gì công ty mẹ khi đầu tư tràn lan ra ngoài và thua lỗ nghiêm trọng. Điển hình là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) không bảo toàn được vốn nhà nước do phải thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao. Theo đó, tính đến hết năm 2011 đơn vị này lỗ 3.145 tỉ đồng.
Mặc dù thua lỗ nặng nề nhưng NPT còn bị các tổng công ty điện lực chậm trễ trong việc thanh toán nợ sau khi bàn giao lưới điện 110kV cho các tổng công ty với giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Tương tự như NPT, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng không bảo toàn được vốn trong năm 2011 do thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao, vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm hơn 328 tỉ đồng. Các tổng công ty khác như Điện lực miền Nam cũng được giao kế hoạch lỗ trong sản xuất kinh doanh lên đến hơn 1.200 tỉ đồng. Ngoài ra, hầu hết các tổng công ty được kiểm tra đều đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với số tiền hàng trăm tỉ đồng…
Đối với việc đầu tư vào EVN Telecom, đến thời điểm bàn giao tài sản cho Viettel, EVN đã đầu tư vào công ty này hơn 2.425 tỉ đồng và EVN Telecom đã lỗ đến gần 3.000 tỉ đồng dẫn đến việc mất vốn nhà nước toàn bộ số tiền đã đầu tư. Nguyên nhân thua lỗ được xác định do lãnh đạo EVN và EVN Telecom đã có khuyết điểm trong việc tổ chức nghiên cứu đánh giá, lựa chọn công nghệ, mô hình tổ chức kinh doanh chưa phù hợp, các tổng công ty điện lực vừa kinh doanh điện vừa kinh doanh viễn thông nên không chuyên nghiệp.
Mặc dù thua lỗ như vậy, đáng ra EVN phải làm hết sức mình để cắt giảm thua lỗ, bù lại những thiệt hại cho Nhà nước trong việc chuyển giao EVN Telecom nhưng EVN không thực hiện như vậy mà còn thỏa thuận không thu phí trong vòng 30 năm đối với toàn bộ hệ thống cáp viễn thông chuyển giao sang Viettel, các tuyến cáp của Viettel đã, đang và sẽ triển khai trong toàn bộ hệ thống cột điện của EVN trong hiện tại và tương lai. Thỏa thuận này đã tạo điều kiện cho Viettel giảm được giá thành dịch vụ viễn thông, tăng doanh thu tương ứng trên 354 tỉ đồng/năm (hơn 10.628 tỉ đồng trong 30 năm).
Cũng trong việc thực hiện việc chuyển giao EVN Telecom, tính đến thời điểm thanh tra (tháng 7-2012), Viettel chưa chi trả cho EVN khoản công nợ theo các cam kết của hợp đồng đã ký với số tiền hơn 11 nghìn tỉ đồng. Theo thoả thuận này thì Viettel phải chi trả trong 5 năm, vào ngày 31-3 hàng năm.
Minh Hiếu (Tổng hợp)