Ông cũng nhấn mạnh: “Khi nào chúng ta đồng tâm nhất trí đoàn kết thì chúng ta sẽ giữ được nước và ngược lại, nếu chúng ta mất đoàn kết thì sẽ mất nước”.
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc. |
Trung Quốc đang thực hiện "ngoại giao pháo hạm"
- Vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương981 (HD981) trái phép trên vùng biển Việt Nam trong những ngày qua đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Trên phương diện của một người nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá sự việc này như thế nào?
NSH Dương Trung Quốc: Vụ việc phải được xem là nghiêm trọng vì tính trắng trợn của nó. Bằng cách hành xử này, Trung Quốc đã bất chấp mọi luật pháp quốc tế, mọi cam kết với các quốc gia trong khu vực có liên quan đến Biển Đông như ASEAN, trực tiếp là những cam kết với Việt Nam ở các cấp lãnh đạo cao nhất của hai đảng và hai nhà nước. Đánh mất lòng tin trong quan hệ quốc tế sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng.
Hình ảnh một Trung Quốc trỗi dậy hoà bình nay đã thay bằng hình ảnh một quốc gia muốn thực hiên tham vọng bằng mọi cách. Một quốc gia vốn gắn với một nền văn minh lớn luôn nói đến việc đề cao tính quân tử và trọng chữ tín nay đã hành xử ngược lại với những giá trị ấy. Trong chính giới ASEAN đã có nhà lãnh đạo nhắc đến biểu hiện của “chính sách ngoại giao pháo hạm” trong sự kiện này.
- Hiện, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ thái độ hung hăng trên Biển Đông. Ngày 9/5, Trung Quốc đã sử dụng 79 tàu bảo vệ khu vực giàn khoan, trong đó có 3 tàu quân sự, 39 tàu chấp pháp, 14 tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí... Ngoài ra, TQ còn điều hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Ông đánh giá thế nào về hành động bành trướng của Bắc Kinh?
NSH Dương Trung Quốc: Diễn biến trong tương lai chắc sẽ ngày càng phức tạp, vì Trung Quốc luôn muốn tỏ ra rằng mình là nước lớn. Với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, với tiềm lực đầu tư mạnh cho quân sự chắc không đơn giản Trung Quốc sẽ xuống thang. Nhưng nếu tiếp tục hành xử như thế này, Trung Quốc tự đánh mất mình. Hành xử như đối với Việt Nam, Trung Quốc đã không thể hiện trách nhiệm đối với an ninh ở khu vực, không tuân thủ luật pháp và tập quán văn minh của thế giới hiện đại và hẳn sẽ không ít quốc gia tự đặt câu hỏi: sau Việt Nam sẽ đến nước nào. Rõ ràng trong vụ việc này không chỉ lợi ích của Việt Nam bị xâm hại. Và thế giới sẽ càng bất ổn hơn nếu cách hành xử của Trung Quốc không bị chặn lại.
Lo lắng nhưng đoàn kết... sẽ chiến thắng
- Lịch sử giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc VN đã chứng tỏ, chúng ta không đứng yên khi tổ quốc lâm nguy. Chúng ta vẫn thường nói về “lòng dân” trong những câu chuyện tương tự. Ông đủ thời gian để lắng nghe tiếng dân trong những ngày qua, ông thấy điều gì thực sự đang bức bách trong trái tim triệu người. Và theo ông, mỗi người VN cần làm gì ở lúc này?
NSH Dương Trung Quốc: Đúng là nhìn vào hiện tại chúng ta rất lo lắng, nhưng nhìn về quá khứ chúng ta sẽ an lòng vì hiểu rằng, một khi nền độc lập tự chủ của dân tộc bị đe doạ thì sự đoàn kết dân tộc và sức mạnh của nó sẽ tăng lên. Dân tộc ta đã từng phải đương đầu những thế lực hung hãn, đã từng đánh bại các triều đại và chiếm đóng Trung Hoa, cũng như nhiều đế quốc từ nhiều phương tới xâm lược mà chúng ta vẫn giữ vững được nền tự chủ cho tới ngày nay.
Chúng ta cũng thấm thía những thời kỳ dân tộc bị rơi vào thảm cảnh mất nước, bị kẻ xâm lăng đô hộ. Cả hai trạng huống đó đòi hỏi chúng ta phải biết phát huy những bài học lịch sử mà điều sâu sắc nhất đã được đúc kết: khi nào chúng ta đồng tâm nhất trí đoàn kết thì chúng ta sẽ giữ được nước và ngược lại, nếu chúng ta mất đoàn kết thì sẽ mất nước.
Đúng là trên bước đường phát triển, chuyển đổi và hội nhập đã có lúc chúng ta đau lòng thấy những rạn nứt, những tiêu cực và sự tha hoá. Nhưng những ngày vừa qua, khi đất nước lâm nguy, chúng ta đã thấy biểu hiện của sự đồng tâm hiệp lực, củng cố khối đoàn kết để cùng hành động một cách tỉnh táo mà điều quan trọng nhất như ông cha ta đã đúc kết từ thực tiễn của sự nghiệp giữ nước là: trên dưới phải đồng lòng vì nghĩa lớn. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chắc chẳn sẽ lâu dài mà tất cả mới chỉ là bước đầu.
- Nền kinh tế thị trường đã và đang chi phối vào rất nhiều mặt của đời sống người Việt. Theo quan sát của ông, điều đó có làm thay đổi “cục diện tình yêu” đối với dân tộc của người Việt như thế nào?
NSH Dương Trung Quốc: Trả lời câu này xin mọi người hãy biết rằng “kinh tế thị trường” đâu phải là cái gì mới mẻ. Ngay trong thời nước ta còn là thuộc địa thì “cơ chế thị trường” đâu có hạn chế người Việt Nam giàu cũng như nghèo thể hiện lòng yêu nước của mình. Rõ ràng nhất là trong Cách mạng giải phóng dân tộc, ngay sau ngày độc lập, Chủ tịch hồ Chí Minh trong lời kêu gọi yêu nước đã nhắc đến mọi tầng lớp, thành phần xã hội đều có thể biểu thị lòng yêu nước phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tuần Lễ Vàng là một ví dụ... Vấn đề là đừng để những truyền thống ấy bị thui chột vì những toan tính của một bộ phận bị tha hoá bởi những lợi ích ích kỷ, mà nay ta hay gọi là “lợi ích nhóm” mà thời nào cũng có thể có, không cứ chỉ có với “kinh tế thị trường”.
- Vài ngày sau diễn biến trên Biển Đông, thị trường chứng khoán rớt thê thảm so với hơn chục năm qua. Ngay cả những công ty có chỉ số tài chính tốt cũng chứng kiến giá chứng khoán sặc màu đỏ chạm tới sàn. Diễn tiến đó cho thấy, chúng ta ít nhiều thiếu sự bình tĩnh, nhiều người đang bị “ảnh hưởng mạnh” từ sự việc này. Trong khi đó, trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy, kinh tế là một mặt trận sinh tử. Ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?
|
Trung Quốc và Việt Nam đấu vòi rồng trên biển Đông ngày 12/5. Việt Nam giữ vững ý chí và đã bắt Trung Quốc khuất phục. (Ảnh Tuổi Trẻ) |
NSH Dương Trung Quốc: Đây là tình huống hình như chưa có tiền lệ trong lịch sử nước ta, vả lại “chứng khoán” là một lĩnh vực cần có một sự phân tích thấu đáo hơn, cũng đừng nên vội quy chụp.
Chỉ có điều là vận mệnh quốc gia không chỉ bị đe doạ ngoài Biển Đông. Vì sức mạnh bền vững, quyết định chính là trong đất liền. Để kinh tế yếu kém, nhất là bị phụ thuộc vào nước ngoài là một mối nguy cơ tiềm tàng và đáng để chúng ta lo lắng. Cần sớm có sự điều chỉnh để bảo đảm sự an ninh về kinh tế quan trọng không kém an ninh về quân sự và chính trị.
Chúng ta không mong có thêm một Điện Biên Phủ nào nữa
- VN vừa tổ chức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chúng ta lại nhớ về những chiến thắng lẫy lừng trên đất liền một thuở. Chúng ta cũng từng có một Điện Biên Phủ trên không. Nhiều người đặt vấn đề về một chiến thắng Điện Biên Phủ trên biển, ông nghĩ thế nào về giả thuyết này?
NSH Dương Trung Quốc: Ý chí Điện Biên Phủ không chỉ có trong chiến tranh mà cần có ngay cả trong xây dựng hoà bình. Tôi cho bài học lớn nhất của Điện Biên Phủ là ý chí tự chủ, tự quyết định vận mệnh của mình nhưng vẫn biết huy động những nguồn lực của thời đại, nói cách khác là sự ủng hộ của bè bạn trên thế giới khi mục tiêu của chúng ta là chính nghĩa, hợp với lẽ phải.
Và nói cho cùng thì mọi cuộc chiến tranh mà chúng ta đã trải qua chỉ nhằm hướng tới mục tiêu chúng ta mong ước, dám đánh đổi bằng máu là được hoà bình trong độc lập và toàn vẹn lãnh thổ để hoà hiếu với mọi quốc gia. Nói đến Điện Biên Phủ (1954) đừng quên những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam độc lập đã làm hết sức mình để vận động hòa bình, tránh đổ máu (1945-1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tới hơn 4 tháng sang Pháp để vận động hoà bình và khi buộc phải cầm súng, ta đều nhớ tới câu mở đầu của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (20-12-1946): “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng...”.
Chắc chắn hơn ai hết chúng ta không mong có thêm một Điện Biên Phủ nào nữa trong trận chiến dù trên biển hay trên cạn. Giống như Tổ tiên, chúng ta luôn mong hoà hợp với Thiên hạ nói chung, nhất là với Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển”. Nhưng nếu vì hoàn cảnh bắt buộc, chúng ta cũng sẽ làm những gì như Cha Ông ta đã làm.
Hiện, có rất nhiều đoàn thể, cá nhân đã lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Nhưng theo ông, điều chúng ta đang cần nhất là gì?
NSH Dương Trung Quốc: Cần nhất là đoàn kết nhất trí. Vẫn là bài học của lịch sử cần được nhắc lại: Khi nào chúng ta đoàn kết chúng ta giữ được nước, khi nào chúng ta mất đoàn kết, chúng ta sẽ mất nước. Đương nhiên đoàn kết không chỉ là lời nói mà phải là hành động, nhân dân sẽ là nguồn lực mạnh mẽ nhất, nhưng sự gương mẫu và tài năng của những người lãnh đạo là quyết định, là lực lượng chịu trách nhiệm trứơc lịch sử.
Xin ông chia sẻ thêm những quan điểm của mình về sự kiện thời sự đặc biệt này!
NSH Dương Trung Quốc: Nếu dám nhìn thẳng vào hiện tại thì đáng lo lắng, nhưng nếu biết nhìn vào lịch sử thì chúng ta tin tưởng...
Xin cảm ơn NSH Dương Trung Quốc!
Kim Sen (thực hiện)