Chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm
Theo báo cáo của ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), vừa gửi Bộ GTVT, đến nay vẫn còn một số nội dung VEC chưa thống nhất với Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, VEC đã họp nội bộ để chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm cho các dự án đang và sẽ triển khai, đồng thời ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư, trong đó yêu cầu các phòng ban trực thuộc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến quản lý, thực hiện dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
|
Việc lún, nứt trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từng gây ra phản ứng trong dư luận.
|
VEC cũng đã gửi văn bản tới các nhà thầu, tư vấn giám sát và ban quản lý dự án thông báo về các tồn tại nêu trong báo cáo kiểm toán và yêu cầu các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và hoàn thành khắc phục các tồn tại; Trung tâm Thí nghiệm kiểm định chất lượng cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm định thành phần hạt, độ chặt, cao độ, chiều dày các lớp móng, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Những công việc này phải hoàn thành trước ngày 10/5.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC, nói: “Lỗi của tổng công ty trong việc này không lớn nên chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm thôi”.
Ông Việt cho rằng nặng nhất trong kết luận kiểm toán nằm ở các hạng mục thi công giếng cát (không có trong quy định) khi kiểm toán cho rằng đây là hạng mục hoàn toàn khác so với khái niệm cọc cát (theo Quyết định số 24/2005 của Bộ Xây dựng).
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Tuấn thừa nhận thời điểm triển khai thiết kế, dự toán các gói thầu trong hệ thống định mức dự toán xây dựng cơ bản không có định mức thi công giếng cát, chỉ có cọc cát (mã hiệu AC.24000) ban hành kèm Quyết định 24/2005. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu với hạng mục cọc cát. VEC đã làm việc với Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) nhưng đến nay chưa làm rõ được cơ sở của việc xây dựng và ban hành định mức thi công cọc cát theo Quyết định 24/2005.
Lún, nứt là khó tránh (!?)
Một số lái xe thường xuyên lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phản ánh nhiều vị trí trên đường khá gồ ghề, uốn lượn. Trong kết luận kiểm toán cũng chỉ rõ những vấn đề này.
Đặc biệt, tại gói thầu số 4 có tới 20/34 điểm cao độ mặt đường thấp hơn cao độ hoàn công từ 5,5 - 15,9 cm; ở gói thầu số 6 là 15/32 điểm và thấp hơn cao độ hoàn công từ 4,2 - 16,9 cm. Kiểm toán Nhà nước khẳng định công tác quản lý chất lượng công trình tại hiện trường còn nhiều thiếu sót, hồ sơ quản lý chất lượng không phù hợp so thực tế thi công.
Ông Việt thừa nhận tại một số vị trí trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vẫn đang có hiện tượng lún, cần xử lý. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề lún trên đường cao tốc thông thường cần khoảng 10 năm sau ngày thông xe. Hơn nữa, tại các vị trí đầu cầu (tiếp giáp giữa cầu và đường) thì việc lún, nứt là điều khó tránh khỏi bởi áp lực mà các xe dồn xuống mặt đường khá lớn.
Đáng chú ý, theo quy định về vận hành đường cao tốc hiện nay, bắt buộc các tuyến phải có lớp tạo nhám mặt đường để tăng ma sát cho phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào hoạt động và thu phí, đường cao tốc này vẫn chưa có lớp tạo nhám. Theo ông Việt, chi phí để thực hiện không hề nhỏ nên VEC đang huy động từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện.
Làm đường cao tốc với tư duy cũ
PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn đường bộ ĐH GTVT Hà Nội, nói tiêu chuẩn về đường cao tốc của Việt Nam cũng y như thế giới nhưng chất lượng thua xa. Làm đường cao tốc nhưng vẫn chỗ cao chỗ thấp, vẫn phải hạn chế tốc độ của xe lưu thông và cái chính là cung cách quản lý, thực hiện không khác mấy so với làm đường ô tô thông thường thì sẽ rất khó để có những con đường cao tốc đạt chuẩn.
Theo Người Lao Động