"Chúng ta nói nhiều về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) rồi nhưng thực sự cho đến nay cũng chưa làm được gì nhiều. Khoan hãy bàn đến sách giáo khoa thế nào, ai biên soạn, kinh phí từ đâu, mà hãy đầu tư làm một khung chương trình thật chuẩn, chứ đừng để chương trình lạc hậu và tùy tiện như hiện nay", TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ với phóng viên Kiến Thức.
Đi học khắp nơi, về phải làm được chứ
- Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có nêu một trong các nội dung là thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông và nhiều bộ SGK. Tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cũng đã thảo luận về chủ trương đổi mới này. Quan điểm đổi mới giáo dục của ông như thế nào?
- Quốc hội chưa thông qua đề án này vì yêu cầu phải làm kỹ chương trình mới theo định hướng đổi mới, trong đó hướng dẫn đầy đủ các yêu cầu về nội dung và trình độ đạt được. Trên cơ sở đó thì giáo viên có thể lựa chọn bất kỳ bộ SGK nào để dạy, học sinh có quyền chọn các loại sách để tham khảo, thậm chí giáo viên tự đưa ra các tài liệu mình nghiên cứu để giảng dạy cũng không sao. Trước đây người ta cứ quan niệm SGK là chính, là kim chỉ nam, căn cứ vào nó để dạy, để thi. Như thế là không đúng, không phù hợp với thực tiễn.
- Nhưng không có SGK thì làm sao giáo viên đi cho đúng "lề", thi thế nào để đánh giá đúng trình độ cơ bản, tổng quát của học sinh?
- Đề thi dựa trên yêu cầu của chương trình, còn học sinh tiếp thu kiến thức đó qua nguồn tài liệu nào thì là vai trò của người thầy. Khi đó SGK chỉ là tài liệu tham khảo chứ không phải là tài liệu bắt buộc. Tôi cho rằng đây là quan niệm rất đúng, đó mới chính là đổi mới. Bộ GD&ĐT cũng không nên đặt vấn đề làm SGK ngay mà nên tập trung vào chương trình trước.
- Nghĩa là phải viết lại hoàn toàn chương trình chúng ta đang dùng?
- Đúng, phải làm lại hoàn toàn. Muốn dạy tích hợp thế nào, muốn hướng nghiệp ra làm sao, muốn phát triển năng lực học sinh thế nào... thì phải thể hiện rất cụ thể trong chương trình đó. Chúng ta chờ tất cả những đổi mới trong chương trình, chứ SGK chỉ là cụ thể chương trình thôi. Chương trình phản ánh toàn bộ yêu cầu và kiến thức nói chung.
- Nhưng dư luận lo lắng rằng liệu chúng ta có làm được một bộ chương trình chuẩn như ông nói?
- Phải làm được chứ. Cán bộ được cử đi học khắp nơi, tập huấn khắp nơi thì phải làm được chứ. Tôi được biết là Bộ GD&ĐT cũng đang chuẩn bị làm rồi.
|
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. |
Đừng mong đổi mới khi chưa có người tài
- Để xây dựng được một chương trình chuẩn như mong muốn thì chúng ta phải khắc phục những điều gì còn tồn tại của nền giáo dục thưa ông?
- Chúng ta đang làm giáo dục với các điều kiện quá dễ dãi, nói đúng hơn là đã tách việc xây dựng chương trình với việc thực hiện chương trình. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý không được đào tạo một cách bài bản theo đúng các chuẩn mực phải có. Các trường sư phạm đào tạo giáo viên không theo những chuẩn mực chặt chẽ để sinh viên ra trường có thể thực hiện yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông.
Trong khi đó, giáo viên tại các trường đang có một bộ phận không nhỏ bảo thủ, không nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới. Chính sách của Nhà nước về tiền lương, phụ cấp thâm niên tuy có thay đổi nhưng không bù đắp đủ để giáo viên hết mình vì sự nghiệp giáo dục, không thu hút được nhiều người có năng lực vào giáo dục...
- Nói vậy thì rõ là đội ngũ giáo viên mới chính là xương sống của đổi mới, không phải là chương trình hay SGK?
- Đúng thế, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy thôi, lại là vấn đề con người.
- Ngoài ra thì còn yếu tố nào ảnh hưởng đến đổi mới thưa ông?
- Đổi mới phải từ thực tiễn, chứ không phải bằng mệnh lệnh. Nhiều khi chúng ta đổi mới theo kiểu chỉ đạo thực hiện hành chính, chú ý Chỉ thị, Nghị quyết theo ý chí nguyện vọng cấp trên dội xuống, còn cơ sở thực hiện được hay không, thực hiện được bao nhiêu phần của các yêu cầu đổi mới thì vẫn chưa làm rõ được. Rồi khâu kiểm tra, đánh giá trình độ học sinh bị buông lỏng, không chỉ đạo khoa học ngay từ đầu nên để xảy ra nhiều biểu hiện tiêu cực trong giáo dục tự do phát triển, bệnh thành tích đã lôi kéo ngành giáo dục ra xa khỏi mục tiêu chất lượng.
- Bước đầu đổi mới khâu kiểm tra đánh giá là chúng ta đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ chức một kỳ thi quốc gia. Đổi mới phải làm dần dần chứ ạ?
- Tôi phải nói luôn là nếu cả 12 năm chúng ta làm không nghiêm túc thì tới giờ G bấm nút làm sao mà đòi hỏi chất lượng tốt được. Đó đâu phải là tinh thần của giáo dục. Liệu có một kỳ thi thực chất, chọn được người thực tài hay công bằng giữa các vùng miền hay không? Rồi một tình trạng nữa là hiện nay, ngành giáo dục mới chỉ chú ý đến số học sinh giỏi thi quốc gia, quốc tế, còn học sinh yếu kém chiếm số đông thì lại thả nổi. Những tiêu cực ở người học không được tập trung giải quyết, dẫn tới "bệnh dịch" học sinh thờ ơ với việc học, không có thói quen học, không sáng tạo...
Giáo viên giỏi sẽ biết chọn gì để dạy
- Yêu cầu về trình độ với giáo viên cao như vậy, theo ông thì đội ngũ giáo viên hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa?
- Có một thực tế là từ khi chúng ta thay đổi chương trình từ năm 2000 trở lại đây thì trường nào cũng kêu về số giáo viên ra trường mà đáp ứng được yêu cầu đổi mới là rất thấp, điều đó cho thấy ở các trường sư phạm vẫn nặng về kiến thức cơ bản, nặng về lý thuyết. Tôi thấy ngay như môn tâm lý học trong khoa sư phạm cũng bị rút thời gian học đi, vậy thì làm sao có phương pháp giảng dạy tốt được? Điều đáng tiếc là Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tôi cũng đi dự, nghe thì rất hay, nhưng không hiểu sao không biến nó thành những điều thật cụ thể.
- Giáo viên giỏi hay không cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đâu chỉ là chủ quan của giáo viên đó?
- Nhưng phải bằng mọi cách, chúng ta phải tạo ra những thế hệ nhà giáo có tay nghề làm việc hết sức chuyên nghiệp, đủ năng lực đáp ứng đổi mới giáo dục chứ không phải là một thế hệ những ông thầy "ngoan ngoãn" mà không thay đổi được học trò. Theo tôi phải bồi dưỡng lại 100% đội ngũ về mặt tay nghề, cách bồi dưỡng cũng phải thay đổi, dùng người giỏi để bồi dưỡng, không phải chỉ bồi dưỡng lí thuyết.
- Giáo viên vẫn than vãn rằng thu nhập của họ không đủ sống?
- Hơn nữa, cơ chế cũng cần thay đổi, giáo viên giỏi phải dạy trực tiếp 50% thời gian ở cơ sở, 50% thời gian cho việc đào tạo bồi dưỡng tay nghề giáo viên của ngành. Theo đó, phải được phụ cấp giáo viên cốt cán, kinh phí đi học nâng cao trình độ, dự hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong ngoài nước, ưu đãi khen thưởng những giáo viên làm tốt công tác bồi dưỡng. Cần có đầu tư thêm cho các trường sư phạm và buộc các trường sư phạm phải thay đổi, chứ không thể sản phẩm nào cũng đưa ra xã hội như vậy.
- Theo đề án đổi mới, sẽ có một chương trình và nhiều bộ SGK trong đó Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm biên soạn 1 bộ, còn lại các tổ chức cá nhân có quyền đăng ký biên soạn, ông đánh giá giải pháp này thế nào?
- Tôi cho rằng, phải có một đội ngũ giáo viên giỏi từ phổ thông tham gia viết SGK, chứ không chỉ có các giáo sư đầu ngành là có thể làm được việc đó. Việc có ít hay nhiều bộ SGK thực ra không quan trọng lắm đâu. Khi chúng ta đã xây dựng xong một chương trình chuẩn thì giáo viên có quyền lựa chọn bất cứ loại sách nào để giảng dạy, miễn là đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Giáo viên giỏi sẽ tự biết phải truyền đạt kiến thức nào cho học sinh chứ không phải nhăm nhăm trông chờ vào cuốn SGK.
- Xin cảm ơn ông!
Người thầy phải thực sự thay đổi, chương trình, SGK có thể kém nhưng ông thầy giỏi vẫn có thể xử lí được. Không ai thay thế ông thầy được, nói thực sự thay đổi là chúng ta muốn đồng bộ người thầy giỏi chứ không chỉ khoe một vài người giỏi là xong, cũng như hiện nay chúng ta cần một nền giáo dục chứ không phải cần vài em đi thi quốc tế. Chúng ta phải có một nền giáo dục để đảm bảo cho con người đi vào cuộc sống. Trong khi xã hội đang kém phát triển phải đẩy giáo dục lên trước, giáo dục phải đi trước để đẩy xã hội chứ không phải xã hội chi phối giáo dục.
Tô Hội (Thực hiện)