Chương trình và SGK phải đáp ứng yêu cầu của mục tiêu giáo dục, hình thành và phát triển mô hình nhân cách, những phẩm chất và năng lực của học sinh. Vấn đề đầu tiên đặt ra cho việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK là phải xác định hệ thống phẩm chất và năng lực cần phát triển ở học sinh Việt Nam trong giai đoạn tới là những phẩm chất, năng lực gì, tại sao lại là các phẩm chất và năng lực ấy, nội hàm của mỗi năng lực, các mức độ của mỗi năng lực ấy đối với từng trình độ, lứa tuổi...
Chương trình, SGK mới phải thiết lập được sự cân đối giữa "dạy học" và "giáo dục". Phải xác định đúng và có cách tiếp cận phù hợp các đặc trưng của từng lĩnh vực giáo dục, môn học, hoạt động trải nghiệm. Thực trạng mất cân đối giữa dạy chữ, dạy người và dạy nghề hiện nay có nguyên nhân chính là do chương trình chưa coi trọng xử lý hài hoà các đặc trưng đó. Chương trình, SGK được thiết kế tương ứng theo hai giai đoạn của giáo dục phổ thông: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Chương trình, SGK phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất giữa dạy học tích hợp và dạy học phân hóa.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Chương trình, SGK phải đáp ứng yêu cầu đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đổi mới như thế nào để thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục tạo đột phá, làm thay đổi cách dạy, cách học, góp phần khắc phục một cách căn bản tình trạng căng thẳng, dạy thêm học thêm tràn lan và gian lận trong thi cử.
Hiện nay, cả nước chỉ có một bộ SGK, chưa phát huy được vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Chương trình mới phải tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn được nhiều SGK có chất lượng. Cần phát triển đội ngũ chuyên nghiệp nghiên cứu và xây dựng chương trình, biên soạn SGK. Vấn đề đặt ra trước mắt là cần có đội ngũ tác giả chương trình, tác giả SGK đáp ứng yêu cầu xây dựng chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Về lâu dài, làm sao có được lực lượng chuyên nghiệp nghiên cứu về phát triển chương trình đáp ứng yêu cầu đổi mới giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong việc biên soạn, phát hành SGK. Mặt trái của cơ chế thị trường có thể làm cho những cuốn SGK tốt không có chỗ đứng trong các nhà trường, ngược lại, người ta lại sử dụng những cuốn sách mà chính bản thân họ cũng không đánh giá cao. Để khắc phục hạn chế này không thể bỏ qua các biện pháp về quản lý và giáo dục.
Hà Bình