“Hà Nội không vội được đâu…”
Sáng 11/9, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng có buổi làm việc với TAND Tối cao. Tại đây, ông Thanh đặt vấn đề phải làm rõ những vướng mắc của các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, biện pháp khắc phục.
Đoàn công tác do ông Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu là một trong bảy đoàn công tác được thành lập theo kế hoạch kiểm tra giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, đề ra từ hồi đầu tháng 8.
|
Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh: "Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế..."
|
Đề cập đến nội dung làm việc của đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao đưa ra những vướng mắc cụ thể trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng. Theo ông Thanh, một trong những vướng mắc lớn trong việc truy tố xét xử án tham nhũng là còn thiếu các chế tài cơ sở pháp lý về giám định.
“Hiện nay khâu giám định tư pháp đang tắc vô cùng, các ngành đã gắng rồi nhưng nó vẫn dở dở ương ương, đến bây giờ đôn đốc các cơ quan rất là khó khăn. Nhiều vụ án giám định không biết bao giờ kết thúc, thích thì làm mấy tháng, không thích thì làm năm nọ qua năm kia cũng không ai làm gì được, đây là những sơ hở phải khắc phục”, ông Thanh nói.
Vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng Tổng bí thư đã kết luận nhưng cuối cùng vẫn chưa chuyển biến và bản thân ông cũng thấy rất sốt ruột. Ông Thanh nói: “Mấy bữa trước thấy kiểu này là tôi oải luôn, kiểu này chắc bay tiêu cả năm 2013. Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế. Năm 2013 còn mấy tháng nữa làm sao mà làm cho kịp”.
Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, tinh thần cuộc làm việc này là phát hiện những bất cập như về quy định pháp luật để Ban Nội chính sẽ phối hợp với các ngành cùng tổng rà soát, qua đó kiến nghị với Bộ Chính trị, có kiến nghị tới Đảng Đoàn Quốc hội sửa luật luôn, để vận hành trơn tru.
Tại đây, Trưởng ban Nội chính T.Ư còn nhấn mạnh: “Tôi thì không am hiểu nhiều về tòa nhưng tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến. Luật pháp mình mơ mơ màng màng thế chứ ở các nước là nghiêm lắm...”.
"Ăn của dân không từ một cái gì"
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/9 cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012” rất nóng bỏng khi nhiều vấn đề bất cập được đem ra mổ xẻ.
|
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:“Bây giờ ăn của dân không từ một cái gì”.
|
Báo cáo giám sát do Ủy ban Các vấn đề xã hội chủ trì cho thấy giai đoạn 2009-2012, tỉ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% lên 66,8%. Như vậy, sau bốn năm thực thi luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012 vẫn còn 18 tỉnh có tỉ lệ tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có bốn tỉnh đạt mức thấp dưới 50% dân số của tỉnh tham gia BHYT (Nam Định 49%, Tây Ninh 49%, Kiên Giang 48% và Bình Phước 46%). Người lao động tham gia BHYT chỉ đạt 50%, trong đó khu vực tư nhân chỉ đạt 20-30%.
Nhân chuyện BHYT, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đề cập nhiều tiêu cực trong xã hội khiến một người “thường xuyên đi cơ sở” như bà “càng đi càng thấy buồn”. Từ chuyện cán bộ MTTQ VN một số xã ở Hà Tĩnh ăn chặn tiền chính sách của người nghèo, rồi chuyện một hiệu trưởng ở miền núi vừa bị khởi tố vì ăn chặn tiền hỗ trợ của các em học sinh dân tộc thiểu số, đến cái liều văcxin tiêm cho một cháu nhưng đã bị chia ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội... Bà Doan bức xúc lên tiếng: “Bây giờ ăn của dân không từ một cái gì”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của ngành Y tế, bà cho biết: “Bức xúc ngành y tích tụ từ trước đến nay, chứ không phải chỉ ở nhiệm kỳ này, cho nên nhiều lúc bộ trưởng cũng bị oan”.
“Nhân bản” xét nghiệm… phải xử bắn chứ đừng có đùa”
Cũng liên quan tới vấn đề BHYT, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lên tiếng: “Tôi đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu nói rằng đi khám chữa bệnh bằng BHYT mà không có tiền là rất mệt, y bác sĩ chích thuốc vào người cũng đau hơn. Thuốc kê cho người bệnh dùng thẻ BHYT cũng không nhiều... Tôi đề nghị làm rõ chuyện này có hay không, y đức trong khám chữa bệnh BHYT là thế nào?”
|
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn: “Làm việc như vậy lẽ ra phải mang ra bắn chứ đừng có đùa”.
|
Ông Sơn nói rất bức xúc khi trong thời đại ngày nay mà vẫn có chuyện xảy ra như “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, nó như một thứ tội ác mà “làm việc như vậy lẽ ra phải mang ra bắn chứ đừng có đùa”.
“Không nên kết luận bức tranh xám quá”
Cũng trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/9, trả lời chất vấn của các vị đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bộc bạch: “Những sự kiện xảy ra vừa rồi gây bức xúc thì một là có tham nhũng, tiêu cực, hai là đạo đức, lương tâm của y bác sĩ”.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Chính sách an sinh xã hội của ta tốt hơn nhiều nước, vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá”.
|
Theo bà Tiến, BHYT là lĩnh vực đặc thù, ở ta lại quản lý rất chồng chéo, phức tạp. Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền, chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ BHYT thuộc Bảo hiểm xã hội quản.
“Như vậy chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ... Còn nhìn nhận bức tranh thế nào, tôi cho rằng chính sách an sinh xã hội của ta tốt hơn nhiều nước, vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá” - bà Tiến nói.
Anh Tuấn (tổng hợp)