Điểm lại những phát ngôn để đời của ông Nguyễn Bá Thanh

Google News

(Kiến Thức) - Tham nhũng xử hết, xử từ lớn đến nhỏ, cán bộ phải biết tập xấu hổ... là một số trong nhiều phát ngôn đáng nhớ của ông Thanh.

Thông tin ông Nguyễn Bá Thanh đang rời Mỹ về Đà Nẵng điều trị bệnh khiến dư luận vô cùng quan tâm. Thời điểm này, những việc làm, những phát ngôn của ông Nguyễn Bá Thanh lại được nhiều người nhắc lại. Kiến Thức xin điểm lại 10 câu nói ấn tượng của vị Trưởng Ban Nội chính TƯ rất được lòng dân này. 
Lãnh đạo nhiều tỉnh thành có tâm lý sợ “vạch áo cho người xem lưng”
Ngày 21/7/2014 tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính TƯ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã chủ trì hội nghị giao ban với Ban Nội chính 15 tỉnh, thành ủy khu vực miền Trung – Tây Nguyên (cụm giao ban số 3) về công tác nội chính và PCTN trong 6 tháng đầu năm 2014.
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, hạn chế trong hoạt động của Ban Nội chính các tỉnh, thành là quan sát chưa toàn diện, chưa tích cực đột phá để tham mưu cho cấp ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực tỉnh ủy, thành ủy và còn chờ đợi sự chỉ đạo. Một số Ban Nội chính các tỉnh, thành chưa quan hệ chặt chẽ với các ngành liên quan như công an, tòa án, thanh tra, kiểm toán nên kết quả đem lại chưa cao. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án liên quan đến tham nhũng còn chậm, còn trả lại điều tra bổ sung... Ông Thanh cũng nói: “Lãnh đạo nhiều địa phương có tâm lý không muốn "vạch áo cho người xem lưng", dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động của Ban Nội chính các tỉnh, thành”.
Tham nhũng xử hết, xử từ lớn đến nhỏ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính T.Ư khi tiếp xúc cử tri tại 11 xã của huyện Hòa Vang, Đà Nẵng ngày 24/9/2013.
Trong buổi tiếp xúc, nội dung được cử tri đưa ra chất vấn ông Nguyễn Bá Thanh nhiều nhất là xử lý tham nhũng, chạy việc. Cử tri đặt câu hỏi: “Vừa rồi thấy chúng ta đã hô hào rất mạnh trong việc xử lý tham nhũng, nhưng vẫn chưa thấy xử lý được vụ nào”. Ông Nguyễn Bá Thanh đáp: “Án tham nhũng đã xử. Thời gian tới sẽ tiến hành xử lý tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn chứ không chỉ có lớn mới đưa ra xử”.
Ông Thanh lấy ví dụ vụ “nhân bản xét nghiệm” tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) và cho rằng sự việc không chỉ gây thất thu đến tiền tỉ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nên vụ án cũng được nhanh chóng khởi tố hàng chục người.
Ông Nguyễn Bá Thanh đang trên đường từ Mỹ về Đà Nẵng điều trị bệnh.  
Người dân cho rằng tham nhũng ở khắp nơi. Dân Hòa Vang còn hỏi thẳng “giá để chạy việc vào làm tại bệnh viện”. Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Nếu biết ai nhận hối lộ để chạy việc thì cứ tố cáo thẳng tới tôi, sẽ được xử lý”.
Đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần
Chiều 23/9/2013, trả lời cử tri quận Sơn Trà (Đà Nẵng), ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần. Bỏ phiếu tín nhiệm cũng có cái chính xác một phần, nhưng có cái ông làm, ông va chạm kiểu này kiểu kia mất lòng phiếu thấp, có cái ông làm mà làm chưa ngon lắm nhưng ông quan hệ tốt, có khi ông lại được phiếu cao cũng chưa biết chừng".
Ăn chặn của người nghèo, xử lý mạnh vào
Ông Nguyễn Bá Thanh từng nói như vậy khi làm việc với Sở LĐTB & XH TP.Đà Nẵng. Trách nhiệm của Sở LĐTB & XH là làm nhiều việc cho dân nghèo, nếu có tham nhũng, chẳng khác gì “chặn của người nghèo”.
"Vừa qua ở Q.Sơn Trà, công an bắt quả tang một trường hợp nhận tiền của người dân nghèo để chạy xin chung cư. Rồi, phát hiện đội ngũ cán bộ văn thư, lưu trữ ở Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng chuyển danh sách người nghèo đã được ký duyệt nhận chung cư cho cò bên ngoài. Rồi các tay cò này đi gặp những người được nhận căn hộ chung cư bắt chung 5 - 10 triệu đồng...".
"Hôm nay có đồng chí Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, tôi nhận báo cáo của các đồng chí nói tiền chưa mất và số tiền cũng không lớn cho nên ý chừng ngó như không muốn xử lý. 5, 10 triệu đối với các đồng chí không lớn, nhưng đối với một người dân nghèo thì quả là cả cơ nghiệp của người ta. Tui đề nghị lãnh đạo Công an Đà Nẵng làm quyết liệt, xử lý nghiêm minh".
Đối với những công chức, viên chức làm sai, ông Thanh đề nghị: "UBND TP phải kỷ luật nặng vào, có Đảng thì kỷ luật về mặt Đảng; về phía chính quyền thì hạ bậc lương, chuyển công tác, nặng thì đáng phải sa thải...". "Giúp thêm cho người nghèo cái gì thì tốt, chứ sao lại làm vậy. Ăn chặn của người nghèo như thế mà cho là chuyện lớn với không lớn", ông Thanh bức xúc.
Tui đi, Đà Nẵng như mất một tiền đạo
Tại buổi tiếp xúc cuối cùng của với tư cách trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) Đà Nẵng hôm 25/4/2013, ông Nguyễn Bá Thanh chia sẻ: "Tui đi, Đà Nẵng như mất một “tiền đạo” nhưng tui tin cán bộ sẽ làm được việc, công việc vẫn xong. Các công trình trọng điểm: Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cáp treo thứ 3 Bà Nà… được khánh thành đúng tiến độ đó thôi”. Đồng thời, ông cũng dặn dò cử tri: “Bà con thấy gì thiệt bức xúc cứ điện thoại cho tui. Mọi người thấy tui đi, cho rằng tui không theo dõi, giám sát ở đây là nhầm”.
Họp gì mà họp miết thế!
Tại buổi làm việc với hơn 100 cán bộ, công chức ngành văn hóa - thể thao và du lịch TP Đà Nẵng chiều 11/1/2013, ông Thanh cho rằng ngành du lịch là một mũi nhọn phát triển của thành phố nhưng hiện còn quá nhiều vấn đề. Ông nói: “Có cứu hộ biển mà để xảy ra nạn chết đuối thì không ai dám đến Đà Nẵng để tắm biển nữa đâu. Mấy anh cứu hộ mệt quá thì cho nghỉ, tuyển anh khác, có quy chế, kỷ luật, phải có người chịu trách nhiệm. Rồi các nơi tắm nước ngọt, mùa hè lại không có chỗ tắm, thiếu nước thì du khách chán ngán ngay. Vì thế, muốn tạo một thương hiệu du lịch Đà Nẵng phải chú ý từng chuyện nhỏ, từ cứu hộ, tắm nước ngọt, giữ xe không chặt chém, tờ hướng dẫn, người tiếp nhận đường dây điện thoại phải giỏi ngoại ngữ...”.
Ông kể ở các nước Malaysia, Thái Lan... khách du lịch phản ảnh chuyện gì thì 5 phút sau cảnh sát có mặt kịp thời. “Còn ở đây, đánh giày, taxi chém như trên trời nhưng khách chẳng biết kêu ai. Là thành phố du lịch nên các khách sạn phải có đường dây nóng cho du khách để có gì họ phản ảnh. UBND TP chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Suốt ngày họp với giao ban, họp gì mà họp miết thế? Họp nhiều nó mụ mị đi. Tôi làm 16 năm nay có họp ban đêm đâu nhưng mà việc vẫn chạy đấy!”.
Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ
Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố khi còn đương chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã gây ấn tượng bất ngờ khi đề cập đến một khái niệm được đánh giá là “khá lạ lẫm” nhưng cũng “rất chí lý và thấm thía”, đó chính là “văn hóa xấu hổ” trong tầng lớp cán bộ. Chuyện xuất phát từ việc một số cán bộ “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” hoặc thậm chí không làm mà vẫn hứa với dân, ông Thanh nói thẳng: “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức”.
Không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém!
Chiều 6/12/2012, phát biểu sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII, ông Nguyễn Bá Thanh khi đó là Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã thẳng thắn:
"Xấu hổ thật! Một bộ máy khổng lồ, một hệ thống chính trị quá hùng hậu mà không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém. Không thể chấp nhận được!
Tôi ở trong Quốc hội, sau này có lẽ cũng phải đấu tranh, nghiên cứu sửa đổi lại luật lệ như thế nào. Cướp mà có vũ khí chống trả là có quyền bắn hạ. Phải làm như hồi mới giải phóng, ăn cướp nhan nhản, phải thành lập các đội săn bắt cướp, tiêu diệt để giữ bình yên cho dân. Chừ nhờn dần rồi!".
Không chấp nhận CSGT nhận hối lộ
Mở đầu cuộc đối thoại đề cập đến cuộc chiến chống mãi lộ trong CSGT năm 2011, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh các biện pháp đã và sẽ được thực hiện để giám sát nghiêm khắc lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Chẳng hạn việc luân chuyển CSGT tại bốn trạm CSGT tại cửa ô Hòa Phước, Hòa Hải, Hòa Nhơn và Kim Liên 3 tháng một lần, lắp đặt camera và đưa xe vi phạm đến trước camera tại bốn trạm trên, bổ sung thêm 100 cán bộ, chiến sĩ cho CSGT, hỗ trợ cán bộ CSGT trực tiếp xuống đường 5 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ cho CSGT trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm với mức tương ứng 10% số tiền xử phạt...
Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi đó cũng nêu một số hiện tượng tiêu cực trong ngành như CSGT ăn chung chi của chủ xe, khi các chủ xe không chung chi thì bị hành cho ra bã… Đồng thời, ông đặc biệt nhấn mạnh: “Sau khi đã tăng tiền hỗ trợ và luân chuyển, nếu CSGT nào tiêu cực, nhận hối lộ, chung chi thì sẽ phải bị rút quân tịch, xử lý đảng và đưa ra khỏi lực lượng. Yêu cầu lãnh đạo chủ chốt quán triệt trong toàn lực lượng CSGT từ TP đến quận, huyện. Ai cũng phải thông chủ trương này”.
Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ
Đây là một trong những phát biểu đáng nhớ của ông Nguyễn Bá Thanh, thể hiện rõ khí phách quyết liệt khi làm quan của ông, trong buổi nói chuyện về Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2011 của Đà Nẵng.
Buổi nói chuyện trên gây được nhiều tiếng vang, tạo được nhiều ấn tượng đối với tất cả những người tham dự khi ông tuyên bố: “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ. Bí thư cấp quận, huyện đến Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, chi hội phụ nữ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của quỹ và vào cuộc quyết liệt!”.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

hiệp phát -

Chưa bao giờ tui chịu ngồi nghe các vị lãnh đạo nói chuyện trên ti vi nhưng riêng ông Thanh nói tui nghe đi nghe lại mấy lần rồi, lâu lắm mới được sướng cái lỗ tai, thỏa lòng hả dạ ghê. Cầu mong ông nhanh khỏe lại. Mến ông.

Duy Nam -

Cám ơn những phát ngôn rất chân thành và thực dụng của ông Nguyễn Bá Thanh. Mong sao tất cả cán bộ Cấp cao từ nóc trở xuống - đều có chung phát ngôn như vậy và Đồng bộ Thực hành... Tôi đợi thêm 10 năm nữa xem sao?

hoang -

mot con nguoi co tam

nnn -

Còn nữa: hốt hết, hốt liền

Hiển thị thêm bình luận