Trong phiên họp Quốc hội sáng nay, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình tập trung trả lời các nhóm vấn đề: Trách nhiệm của tóa án nhân dân tối cao trong hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử, giám đốc việc xét xử của tòa án các cấp, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bên cạnh đó là giải pháp để nâng cao chất lượng ngành tòa án, nâng cao chất lượng xét xử, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.
|
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình.
|
Ngay mở đầu phiên chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình, vụ việc án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đã làm nóng hội trường Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) nêu vấn đề: “Hằng năm vẫn có hàng chục nghìn đơn xin đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, điều đó chứng tỏ niềm tin của người dân về công lý chưa cao, vậy chánh án có giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử, lấy lại lòng tin của nhân dân và giải quyết kịp thời đơn giám đốc thẩm, tái thẩm của nhân dân?
Trong phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, ông nhấn mạnh đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Thuyền nêu vấn đề: “Vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan, gây bức xúc trong dư luận, vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu và chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho dân? Liệu có còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu hay không?”
Đại biểu Nguyễn Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) nêu: "Qua vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi đề nghị chánh án, Viện trưởng viện Kiếm sát nhân dân và Bộ trưởng Bộ công an cho biết trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra những vụ án oan trong thời gian qua và giải pháp nào để hạn chế án oan trong thời gian tới?
Thời gian qua có phản ánh về việc một số người bị các điều tra viên ép cung, bức cung và dùng nhục hình nên họ buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện, ba vị đầu ngành có giải pháp gì để giải quyết những sai phạm này?
Tôi và nhiều cử tri đề nghị thêm 2 giải pháp: một là lắp camera giám sát những cuộc hỏi cung; hai là nghiên cứu để giao việc tạm giữ, tạm giam cho một ngành khác không phải là công an để tránh việc cùng một chủ thể vừa có trách nhiệm điều tra lại vừa giam giữ, quản lý người tình nghi nên khó tránh khỏi việc vi phạm, lạm quyền trong giam giữ hay điều tra".
Nói riêng về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Đại biểu Lê Thị Nga có gửi lời đề nghị tới Bộ trưởng Bộ Công an và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, đó là không để cho Công an Bắc Giang điều tra lại vụ này nữa, mà chỉ đạo cơ quan điều tra của Bộ Công an và Viện KSND tối cao điều tra lại. Thứ hai là phải hoàn toàn dựa trên những nhân chứng, hiện thực khách quan, nếu vụ án của ông Chấn không đủ căn cứ để kết luận ông Chấn có tội thì cần minh oan và bồi thường cho ông Chấn. Thứ ba là khẩn trương xác minh điều tra về việc ông Chấn bị bức cung, nhục hình. Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao theo thẩm quyền chỉ đạo rà soát lại tất cả những vụ án mà có đơn thư kêu oan, khiếu nại, đặc biệt là các vụ tử hình, tránh tình trạng khi phát hiện ra oan thì đã muộn.
Trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ án oan sai của ông Chấn, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, cho biết: “Sau khi xét xử, ông Chấn và gia đình cũng có đơn kêu oan vào những năm trước. Gần đây, ngày 4/11/2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định kháng nghị tái thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm. TAND Tối cao đã triệu tập phiên họp xét xử lại bản án. Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của TAND, đã chấp nhận kháng nghị của viện trưởng, hủy án, điều tra lại. Hiện nay, các thủ tục đang được tiến hành để Viện kiểm sát thực hiện việc điều tra lại. Viện kiểm sát sẽ chuyển cơ quan điều tra để điều tra lại.
Vấn đề đăt ra là có oan sai hay không, có ép cung nhục hình hay không? Xin báo cáo là: Mỗi năm các cơ quan tiến hành tố tụng, thụ lý giải quyết trên 100.000 vụ án hình sự. Đây là việc làm khó khăn, vất vả, thậm chí có người hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, công việc có áp lực rất lớn. Nhưng với trách nhiệm được giao, đội ngũ được đào tạo bài bản, họ là những cán bộ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhưng do những nguyên nhân khác nhau, có thể xảy ra oan sai.
Có dư luận cho rằng, vụ án ông Chấn là có ép cung, nhục hình. Việt Nam chúng ta cũng có thực tế là có thể để xảy ra oan sai như các nước trên thế giới. Để xảy ra oan sai là không thể chấp nhận được, nhưng dư luận cần quan tâm, xem xét, nghiên cứu những người có trách nhiệm để xem có xảy ra oan sai hay không.
Theo tôi biết, hiện Bộ trưởng Bộ Công an đang cho tiến hành kiểm điểm vụ ông Chấn. Thực tế, trong quá trình điều tra có sự tham gia của Viện Kiểm sát từ đầu, từ khâu tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, kiểm soát xét xử. Nếu có ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp vi phạm phải chịu trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Đối với tòa án thì xét xử dựa tên tài liệu, chứng cứ thì thụ lý và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc phát hiện ép cung hay không là rất khó, việc này phải có yêu cầu của bị can, luật sư, Viện Kiểm sát yêu cầu xem xét. Nhưng nếu để xảy ra oan sai thì tòa án vẫn phải chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ ngành tòa án, nhất là các chức danh tư pháp để không xảy ra tình rạng oan cung, ép cung, nhục hình.
Đó là tôi nói nếu có. Trong trường hợp cụ thể này thì còn cần chứng minh một cách khách quan chứ không thể khẳng định ngay, bất cứ cán bộ nào có vi phạm đều phải bị xử lý theo mức độ vi phạm. Nếu không phải như thế thì chúng ta không thể kết luận vội vàng vì còn liên quan đến tinh thần, ý chí tiến công tội phạm. Nếu không sẽ làm nhụt ý chí, tin thần tiến công của những người đang làm những công việc khó khăn, gian khổ”.
Về đề nghị rà soát lại các vụ án oan của Đại biểu Lê Thị Nga, ông Trương Hòa Bình nói: “Chúng tôi đang cho chỉ đạo rà soát lại các vụ việc, nhất là các vụ có hình thức xử cao nhất như tử hình hoặc các vụ việc có tình tiết tái thẩm. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, chúng tôi sẽ đặt tinh thần trách nhiệm cao nhất”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) đưa ra chất vấn: “Trách nhiệm của Chánh án trong những vụ án tuyên sai, không đúng nội dung, người dân bị oan sai là như thế nào? Những vụ án tồn đọng đó có được khắc phục hay không? Cụ thể là 6 trường hợp án ở Quảng bình tồn đọng, thời gian nào mới được giải quyết?”
Chánh án TAND Tối cao cho biết: “Về giải quyết hiện tượng án tuyên không rõ, hiện nay với nỗ lực của các ngành tòa án, kiểm sát và thi hành án, chúng tôi đã xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành ở địa phương, hàng năm rà soát xem có bản án nào tuyên không rõ, phải xem xét lại và giải thích, có trách nhiệm kháng nghị để tuyên cho rõ bản án. Thời gian tới, chắc chắn tình tạng án tuyên không rõ sẽ cải thiện. Về đơn thư tồn đọng có hay không, tôi đã trình bày trong đợt trước nên xin không nhắc lại. Về 6 vụ án cụ thể đại biểu nêu, chúng tôi sẽ tích cực xem xét và trả lời đại biểu Phương”.
Một đại biểu hỏi về vụ án Lê Bá Mai giết người, hiếp dâm, với nhiều dấu hiệu oan sai, lúc tòa tuyên có tội, lúc lại tuyên không có tội. “Với trách nhiệm của mình, chánh án có quyền tái thẩm lại vụ án này không?”.
Chánh án Trương Hòa Bình cho hay: “Như đại biểu trình bày, vụ án đã có sơ thẩm, phúc thẩm, kiến nghị xử lại. Vừa rồi, cách đây vài tháng tòa án đã xét xử lại vụ này và tuyên án Lê Bá Mai phạm tội. Đây là quyết định của ngành tòa án, Chánh án tôn trọng quyết định của hội đồng xét xử. Bản án đã có hiệu lực nhưng nếu có đơn kêu oan theo đúng trình tự, chúng tôi sẽ thận trọng, khách quan để xem xét lại vụ án này với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.
Minh Hiếu