Sự việc bà Châu Thị Thu Nga (ĐBQH TP Hà Nội) bị bắt giam vì những sai phạm về quản lý kinh tế không phải là hiếm hay lần đầu tiên gặp. Đã có những đại biểu Quốc hội bị bãi miễn quyền đại biểu, truy tố trách nhiệm hình sự vì những sai phạm. Rõ ràng, ở góc độ pháp luật, không có người "đứng trên" nó. Và đâu đó, cũng có những người chưa thực sự xứng đáng với cái "mác" địa biểu Quốc hội. Đó là những tâm tư của PGS.TS Bùi Thị An về sự việc của bà Châu Thị Thu Nga.
Đừng vào Quốc hội lấy cái danh
Bà Châu Thị Thu Nga vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt vì những hành vi sai phạm. Mức độ thế nào thì các cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Dư luận thì đặt câu hỏi về chất lượng của đại biểu Quốc hội, vì rõ ràng đây không phải là trường hợp đầu tiên, bà nghĩ sao?
Mới đây nhất, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) bị bãi nhiệm, tôi nghĩ cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của đơn vị giới thiệu, hiệp thương danh sách đại biểu để rút kinh nghiệm. Vì để những ứng viên không đủ chất lượng, có những vấn đề về phẩm chất, năng lực ứng cử, cuối cùng hậu quả xảy ra phải bãi nhiệm như vậy sẽ làm mất uy tín của người giới thiệu.
Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của cả 90 triệu dân mà cũng có những người chưa xứng đáng?
Đúng thế, nên chúng ta phải đặt vấn đề nâng cao chất lượng đại biểu từ các khâu được gọi là "đầu vào", để những sự việc như vậy không là nỗi băn khoăn đến nhức nhối của cử tri nữa.
Nhưng chỉ cần một vụ việc, nó cũng khiến cái gọi là niềm tin ấy bị lung lay?
Những vụ việc đó làm giảm uy tín của đại biểu Quốc hội với dân. Cho nên, tôi đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của người giới thiệu, người giới thiệu phải chịu trách nhiệm đến cùng về ứng viên của mình. Trong thực tiễn, danh sách ứng viên bao gồm cả người ứng cử và người tự ứng cử. Song cử tri thường không thể có đủ thông tin về cá nhân các ứng viên, nhất là người tự ứng cử (như đại biểu Châu Thị Thu Nga). Vì thế, cơ quan giới thiệu, Ủy ban Bầu cử phải cung cấp đủ thông tin để người dân nắm được. Những thông tin của đại biểu là doanh nhân cần làm rõ như số thuế nộp cho nhà nước, những đóng góp thực tế cho xã hội, cho nền kinh tế, kể cả thu nhập và tài sản. Những cái đó nên công khai.
Vừa rồi Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi có bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu bằng cách bổ sung thêm các tiêu chuẩn, đến nay thì các tiêu chuẩn này được bàn thảo như thế nào thưa bà?
Tiêu chuẩn đại biểu phải định lượng rõ, tránh chung chung, nặng về thành phần, cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng. Đừng để hiện tượng vào Quốc hội để lấy thương hiệu, để nổi tiếng thì sẽ không ổn. Anh phải vì sự phát triển của xã hội, vì dân. Cho nên đại biểu ngay từ khi ứng cử, ngoài việc sàng lọc của cơ quan chức năng, tôi cho rằng các ứng viên phải có một chương trình hành động cụ thể.
|
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. |
Cử tri tiếc lá phiếu
Bà Châu Thị Thu Nga cũng là đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng với bà. Từ hôm xảy ra vụ việc, cử tri có gửi thắc mắc hoặc chia sẻ gì đến đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội không thưa bà?
Cử tri họ thấy buồn lắm chứ. Cử tri chính là người cầm lá phiếu để bầu cử đại biểu, xảy ra sự việc này, nhiều người có chia sẻ với tôi rằng có lẽ họ đã bỏ nhầm lá phiếu đó, thật tiếc vì đáng lẽ lá phiếu đó phải dành cho người xứng đáng hơn. Như tôi vừa nói, từ khâu giới thiệu đại biểu đã có những sơ xuất. Cử tri đa phần chỉ tìm hiểu thông tin về đại biểu qua những thông tin được cơ sở cung cấp lên, không có kênh kiểm chứng. Nên nếu chỉ nhìn vào tiểu sử, thành tích... thì khó biết được hết mọi mặt của đại biểu. Điều này chúng ta phải khắc phục dần trong thời gian tới bằng việc thể chế luật.
Việc một đại biểu trong đoàn mắc sai phạm có ảnh hưởng gì đến uy tín của đoàn không?
Có thể nói đó là sự cố không mong muốn đối với đoàn Hà Nội. Cá nhân làm thì cá nhân phải chịu trách nhiệm, nhưng là đại biểu Quốc hội thì có đặc thù riêng. Đại biểu đại diện cho dân, đoàn đại biểu Quốc hội là tiếng nói nguyện vọng của người dân ở một địa phương nhất định. Khi đại biểu có sai phạm thì hẳn là cũng ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của tổ chức.
Bà có thấy buồn trong sự việc này?
Tôi buồn và cũng đã suy nghĩ mãi về việc đó. Mỗi người có một quan điểm, cách lựa chọn riêng. Cử tri theo dõi rất sát hoạt động của đại biểu, họ biết ai là người có năng lực, dám nói dám làm, ai là người không có. Trong một vườn rau có sâu, bắt sâu thì rau sẽ sạch hơn. Mỗi đại biểu đều ý thức được việc gì cần làm, việc gì không nên làm để giữ gìn uy tín của mình.
Làm rõ đúng người, đúng tội
Trong trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga, theo bà thì hình thức xử lý thế nào là phù hợp. Là đại biểu Quốc hội thì có được "nương nhẹ" hơn so với người thường sai phạm?
Hiện giờ chưa thể nói sai phạm của bà Châu Thị Thu Nga ở mức độ nào, phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Sai đâu xử lý đến đó. Trước giờ chúng ta vẫn nói không có "vùng cấm" trong thực thi pháp luật. Đại biểu Quốc hội hay bất cứ người nào vi phạm pháp luật thì đều phải xử lý như nhau cả. Càng là đại biểu Quốc hội thì càng phải xử nghiêm, vì đó là uy tín, là danh dự, niềm tin của người dân. Khi có kết luật chính thức từ phía các cơ quan pháp luật thì chính cử tri, dư luận sẽ có câu trả lời cuối cùng về vụ việc.
Đây không phải là lần đầu tiên một đại biểu Quốc hội bị bãi miễn vì vi phạm pháp luật, theo bà phải làm gì để nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội?
Trong Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ những tiêu chuẩn phải đạt được của đại biểu Quốc hội. Theo tôi thì thời gian tới đây phải xiết chặt hơn các tiêu chí này, rà soát kỹ lưỡng tư cách đại biểu. Nếu có vấn đề thì phải tiến hành điều tra làm rõ ngay.
Theo bà thì vì sao trong số các đại biểu vi phạm, doanh nhân lại chiếm phần lớn?
Cái này thì không thể bình luận được, có thể chỉ là do sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không thể nói đại biểu là doanh nhân thì thế nọ thế kia được.
Với tư cách là một đại biểu, bà tự nhủ mình sẽ làm gì để không gặp phải những trường hợp tương tự như bà Nga?
Tôi nghĩ mỗi đại biểu đều cân nhắc được sức nặng của mỗi lá phiếu cử tri dành cho mình để làm tròn trách nhiệm là đại biểu của nhân dân.
Xin cảm ơn bà!
Vào tối 7/1, Cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam
bà Châu Thị Thu Nga tại số 78 A9+3, phố Hồng Mai, quận hoàng Mai, Hà Nội để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chiều 8/1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị khởi tố bị can của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với bà Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của bà Nga.
Bà Châu Thị Thu Nga sinh năm 1965, quê tại Thừa Thiên - Huế, có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh. Bà Nga là đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội khoá XIII và còn là đại biểu HĐND TP Hà Nội. Ngoài tư cách đại biểu Quốc hội và HĐND bà Nga còn giữ nhiều chức vụ khác như làm việc tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Xây dựng nhà đất (Housing Group); Thành viên Tổ chuyên gia liên ngành - Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà và thị trường Bất động sản; Ủy viên thường vụ BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội...
Tô Hội (Thực hiện)