Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trao đổi với phóng viên trước khi Quốc hội bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ vào tuần này.
“Đẻ” ra ghế sẽ “đẻ” ra nhiều thứ
Nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng “lạm phát” cấp phó hiện nay. Theo ông đây có phải là vấn đề cần phải đưa ra và làm rõ khi Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nội vụ lần này?
Thực trạng tăng cấp phó hiện nay dường như đã trở thành một phong trào. Bên này có 5-7 cấp phó thì bên kia cũng phải được như vậy. Đẻ ra ghế thì sẽ đẻ ra thư ký, rồi xe cộ, quyền lợi...
Không chỉ có vậy, việc nhiều cấp phó còn gây phiền hà trong giải quyết công việc. Nếu trước đây chỉ có 3 phó thì họ chỉ đạo trực tiếp, còn khi đã có 5-6 phó rồi sẽ phải đi theo một loạt cấp trung gian nữa, gây mất thời gian, kém hiệu lực, hiệu quả rồi chi phí lại cứ tăng lên.
Điều đó còn kéo theo lòng tin của dân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đến đây ông này nói thế này, nhưng sang kia ông kia lại nói thế kia, rất phiền hà. Mỗi việc đó lẽ ra phải tập trung vào một đầu mối thôi, nhưng bây giờ lại đến 4 – 5 ông giải quyết, làm người khác phải “chạy” đã đành lại còn không được việc.
Vậy Bộ Nội vụ có vai trò gì trong việc này và theo ông mỗi đơn vị chỉ nên có tối đa bao nhiêu cấp phó?
Theo tôi cấp phó chỉ nên tối đa 4 thôi. Tuy nhiên công tác cán bộ thường có sự thống nhất từ trên xuống, nên Bộ Nội vụ ít vai trò trong việc này.
|
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng Bộ trưởng Thăng nên xây dựng cơ chế chứ không nên đi giải quyết từng công việc cụ thể. |
Bộ trưởng không nên giải quyết việc vụn vặt
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng là một trong 4 tư lệnh ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về "cái chất" Bộ trưởng của ông Đinh La Thăng?
Cách làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng được, có thể tạo nên một khí thế mới. Bộ trưởng Thăng tuần nào cũng phát biểu và 4 lần chất vấn gần đây ông ấy đều phát biểu cả. Bộ trưởng Thăng nói và làm được, một số việc làm của ông ấy trong lúc kỳ họp đang diễn ra cũng được đánh giá cao.
Còn một số vấn đề đặt ra như xây dựng cơ bản hay tai nạn giao thông, chúng ta phải nhìn nhận đây là công tác của toàn xã hội, của nhiều ngành, nhiều địa phương chứ không chỉ mỗi mình Bộ Giao thông làm được.
Tôi cho rằng, Bộ trưởng Thăng là con người của hành động, là con người đi xốc vác công việc. Lúc này chúng ta đang rất cần một tư lệnh ngành tác chiến và được việc như vậy.
Tuy nhiên theo tôi, Bộ trưởng Đinh La Thăng phải ngồi ở nhà nhiều hơn, chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc cụ thể vụn vặt ấy. Tác phong của Bộ trưởng như vậy là rất tốt, nhưng vị trí Bộ trưởng không phải ở chỗ ấy, mà có thể thông qua bộ máy, thông qua cấp phó hay đốc thúc cấp dưới làm.
Nếu trên bảo dưới không nghe, với tác phong của mình, Bộ trưởng Thăng có thể hạ bệ, cách chức người đó ngay.
Vậy điều cá nhân ông muốn gửi gắm tới Bộ trưởng Đinh La Thăng là gì?
Tôi chỉ góp ý với Bộ trưởng Thăng một điều thôi: Anh làm rất hăng hái rồi, nhưng anh phải tạo ra cơ chế chứ đừng nên đi giải quyết vụ việc cụ thể. Nếu ở đâu người ta cũng kêu Bộ trưởng, không có đường đi, đường xấu, đường xuống cấp người ta lại kêu thì làm sao anh giải quyết hết được? Làm sao anh có thể suốt ngày ra đường chặn bắt xe quá tải được?...
Chúng ta cần phải có nhiều phương pháp để lựa chọn được những phương pháp tốt nhất. Nhưng Bộ trưởng cần phải tạo ra một cơ chế để tự người ta làm, tự người ta khống chế nhau. Chứ nếu chỉ mỗi Bộ trưởng làm thì cũng giống như hòn đá ném ao bèo, chỉ một lúc rồi lại đâu vào đấy ngay.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet