Đã 5 ngày trôi qua kể từ khi nhận được tin dữ đứa con trai duy nhất của mình cùng 5 đồng nghiệp gặp nạn chết thảm, trong ngôi nhà của ông Mai Văn Trường ở ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn ủ rủ nhuốm màu tang thương.
“Anh giám đốc nghèo hiếu thảo nhất xóm”
“Chẳng những hiếu thảo với cha mẹ, hết mực thương yêu vợ con mà còn là người thanh niên hiền lành, sống có tình có nghĩa”. Đó là nhận xét của những người dân sống gần bến phà Vàm Cống khi nói về anh Mai Hữu Tôn (31 tuổi, Giám đốc Nhà máy tinh luyện dầu cá, thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) tại cụm Công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò) cùng 5 đồng nghiệp bị tai nạn lao động (TNLĐ) tử vong trong bồn mỡ cá tại nhà máy nói trên vào sáng ngày 4/9.
|
Di ảnh anh Mai Hữu Tôn. |
Ngồi thẫn thờ trước di ảnh con, đôi mắt ông Mai Văn Trường (cha anh Tôn) sâu trũng, gương mặt phờ phạc sau nhiều đêm thức trắng. Phía góc nhà, bà Ngô Thị Khanh (vợ ông Trường) ủ rũ bất động. Trong khi đó, vợ anh Tôn như xác không hồn sau biến cố quá lớn khiến đứa con gái vừa lên ba đã sớm sống cảnh mồ côi cha.
Bà Lý Thị Mơ, một người hàng xóm của ông Trường nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Thằng Tôn là tấm gương mà bậc làm cha mẹ ở xóm ven sông Hậu này đem ra để dạy con cái về lòng hiếu thảo. Chúng tôi ngỡ rằng vợ chồng ông Trường đã thoát kiếp khổ khi có được đứa con như vậy sớm thành công trong sự nghiệp. Nào dè…”
Nhắc đến con, ông Trường đau đớn kể lại: Hơn 30 năm sống ở bến phà Vàm Cống, vợ chồng ông làm tất cả để nuôi 2 đứa con ăn học. Đáp lại nỗi khổ cực của cha mẹ, Tôn và em gái luôn học giỏi và là những học sinh tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp. Ngày đứa con trai đầu lòng một lúc thi đỗ 3 trường đại học (Tôn chọn học trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) niềm vui xen lẫn nỗi lo đè nặng lên vai đôi vợ chồng nghèo vốn cả đời làm thuê mướn. Cũng vì vậy mà đứa em của Tôn đã sớm nghỉ học đi làm để phụ giúp cha mẹ “đầu tư” cho anh hai ăn học.
Biết được hoàn cảnh gia đình, sang năm thứ 2 đại học, Tôn đã đi làm đủ thứ việc để tự kiếm tiền trang trải việc học. Rồi Tôn tốt nghiệp loại giỏi khi ra trường, nhiều đơn vị ở Sài Gòn mở rộng cửa đón chàng kỹ sư tài năng với mức lương tương xứng. Tuy nhiên, sau khi lấy vợ là cô bạn học chung trường đại học quê ở Tiền Giang, nghĩ đến cha mẹ tuổi xế chiều cô quạnh khi đứa em gái theo chồng, Tôn đã quyết trở về quê dù thu nhập không bằng ở thành phố nhưng đổi lại anh có cơ hội được ở gần chăm sóc cha, mẹ.
Căn nhà nhỏ đơn sơ ven bờ sông Hậu của vợ chồng ông Trường kể từ ngày con về ở và đi làm gần nhà luôn rộn ràng hạnh phúc. Niềm vui vô bờ càng nhân lên gấp bội khi đứa con gái đầu lòng của vợ chồng anh Tôn là bé Mai Nhã Uyên ra đời.
Khi con vừa tròn 3 tuổi, Tôn được đề bạt lên chức giám đốc. Anh muốn cha nghỉ ngơi vì tuổi đã già nhưng ông Trường chưa chịu. Tôn hứa cố làm để dành tiền mua cho cha chiếc xe 3 bánh thay chiếc xe kéo cũ kỹ đang bị địa phương cấm lưu hành.
|
Mẹ anh Tôn nghẹn ngào trước sự ra đi của đứa con hiếu thảo, mẫu mực thương yêu vợ, con. |
Vậy mà khi chức giám đốc của con cả gia đình chưa kịp ăn mừng thì ông Trường ngã quỵ ở lề đường khi đang đứng chờ khách lúc nghe tin con mình và đồng nghiệp tử nạn.
Mỏi mòn trông, trẻ thơ ôm di ảnh cha trong giấc ngủ
Khi chúng tôi có mặt ở nhà ông Trường, bé Uyên vẫn hồn nhiên tung tăng chơi đùa. Chốc chốc cháu đứng trước bàn thờ có di ảnh cha ngun ngút khói hương lặng nhìn với ánh mắt thương nhớ vô hạn. Bất chợt cháu hỏi: “Sao cha con đi công tác lâu quá vậy chú. Con cũng không thấy cha gọi điện nói chuyện với con, con nhớ cha con quá chú kêu cha con về đi chú”, khiến chúng tôi cay xòe đôi mắt dỗ dành cháu.
|
Cháu Nhã Uyên vẫn tin rằng cha đi công tác nhưng bé vẫn chưa hiểu rằng suốt cuộc đời nó không bao giờ được gặp cha nữa. |
Ông Trường ngậm ngùi kể: Mấy đêm rồi cứ đến giờ đi ngủ, cháu nội ông lại hỏi hết mẹ đến ông bà nội về cha. Ban đầu cháu cũng ậm ự khi nghe nói cha đi công tác nhưng sau đó có vẻ như nó quá nhớ nên đêm nào cũng ra bàn thờ khóc đòi cho bằng được tấm hình của cha và chỉ chịu đi ngủ khi ôm di ảnh cha vào lòng.
Ai nghe đến cảnh này cũng không khỏi nghẹn ngào chua xót khi hiểu rằng: Với đứa bé 3 tuổi, nó vẫn chưa hiểu rằng đó chỉ là bước đầu trong suốt cuộc đời nó đã vĩnh viễn không bao giờ được gặp cha nữa!
“Cuộc đời tôi có bao giờ nghĩ đến cảnh tre già phải khóc măng non, có bao giờ thấy cảnh đau lòng cháu nội ôm tấm ảnh cha mình trong giấc ngủ?”, ông Trường không nén được dòng nước mắt tâm sự.
Ôm đứa cháu nội vào lòng, bà Khanh nói: “Ngày nào cũng vậy, trước khi đi làm hay về nhà, Tôn và con gái cũng quấn quýt, ôm hôn nhau thắm thiết. Trước ngày Tôn mất, nó còn hứa với con sẽ chở con đi mua lồng đèn chơi Trung thu vậy mà giờ vĩnh viễn cháu nội của tôi sẽ không được cha nó thực hiện lời hứa này nữa.”
|
Những ngày tới, gánh nặng trụ cột gia đình sẽ tiếp tục đè nặng đôi vai của người cha già mà anh Tôn vẫn chưa kịp đền đáp. |
Giờ đây sau suốt gần cả đời người bươn trải lo cho con cái ăn học thành tài, những tưởng vợ chồng ông Trường được an nhàn tuổi già bên con, cháu. Nhưng tai nạn thương tâm đã cướp mất của vợ chồng ông đứa con trai trụ cột gia đình cũng như 5 gia đình khác cũng đau lòng mất con. Ông Trường lo lắng khi gánh nặng cuộc sống ông phải tiếp tục thay con lo cho những người thân.
|
Ông Trường đứng cạnh mộ phần con trai an nghỉ cạnh dòng sông Hậu đang được xây dựng. |
Tuy nhiên điều ông lo nhất là phương tiện mưu sinh của ông đang bị cấm hoạt động trong khi cả gia đình không thể có điều kiện để thay thế chiếc xe khác.
Được biết sau khi tai nạn xảy ra, bước đầu Công ty IDI đã hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân 100 triệu đồng. Đồng thời huyện ủy, UBND huyện Lấp Vò cũng đã tổ chức thăm viếng, hỗ trợ các nạn nhân mỗi người 3 triệu đồng.
Cả 6 nạn nhân đều là kỹ sư Đại học
Theo thông tin chính thức từ Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), cả 6 nạn nhân tử nạn trong vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra lúc 9h10 ngày 4/9 đều là các kỹ sư tốt nghiệp chính quy tại các trường Đại học.
Cụ thể, anh Mai Hữu Tôn có học vị Kỹ sư điện tử trường ĐH Bách Khoa TP.HCM; anh Triệu Bá Trà (39 tuổi, quê Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ) là phó giám đốc Nhà máy tinh luyện dầu cá IDI, Kỹ sư Cơ khí trường Đại học Cần Thơ; Lâm Thanh Phong (35 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp), Kỹ sư công nghệ hữu cơ, hóa dầu ĐH Bách khoa Hà Nội; Trần Tấn Lợi (26 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp), Kỹ sư Công nghệ sinh học; Lê Đình Thái (26 tuổi, quê Thanh Hóa), Kỹ sư xây dựng, cảng đường thủy ĐH Xây dựng và Lê Xuân Thuận, tốt nghiệp Đại học Thanh Hóa ngành Điện công nghiệp.
Vũ Sơn