Trước những hình ảnh người trộm chó bị đánh chết hay bị thương tích nghiêm trọng, tồn tại ba dòng cảm xúc: Thứ nhất, thờ ơ và vô cảm vì không liên quan đến bản thân mình; thứ hai, đồng tình với người dân khi tự xử người trộm chó, cho rằng đó là kết quả xứng đáng mà người trộm chó phải gánh chịu; thứ ba, lên án mạnh mẽ những người dân đã tự xử kẻ trộm.
Mỗi nhóm người với sự khác biệt về thái độ như trên đại diện cho những nhóm quan điểm về giá trị, đạo đức. Tuy nhiên, dưới quan điểm của cá nhân, hiện tượng này theo tôi là một biểu hiện của sự mất niềm tin của người dân đối với pháp luật, với bộ máy thực thi pháp luật.
|
Một đối tượng trộm chó bị bắt tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Ảnh: M.DUY |
Ý thức tự bảo vệ tài sản là ý thức gần như tự nhiên và bản năng ở mỗi con người, vì vậy khi bị xâm hại (hoặc thấy nguy cơ sẽ bị xâm hại) về tài sản thì con người phải biết tự bảo vệ tài sản của mình. Sự tự bảo vệ này ban đầu có thể là tự trông giữ, tự quản lý; cao hơn nữa là trông chờ sự trông giữ, quản lý từ các thiết chế quản lý xã hội. Đây là biểu hiện của một xã hội văn minh, một xã hội được xây dựng trên cơ sở “sống và làm việc theo pháp luật”. Chuyện người dân tự rình rập, canh chừng những người trộm chó, đánh trọng thương, thậm chí gây tử vong cho người trộm chó phải chăng là đang trở về thời mông muội chưa có khái niệm gì về pháp luật? Với trình độ dân trí hiện nay của người dân Việt Nam và mức độ xã hội hóa về pháp luật, tôi tin rằng những người dân này biết rõ là họ đang làm một việc trái pháp luật khi xâm phạm thân thể người trộm chó nhưng họ vẫn thực hiện. Vì sao và phải làm gì để giảm thiểu hiện tượng này?
Câu trả lời chỉ có thể là niềm tin của người dân bị giảm sút. Họ không tin pháp luật sẽ được áp dụng công bằng, không tin các thiết chế xã hội kiểm soát và xử lý nghiêm khắc, công tâm đối với những trường hợp trộm chó và tình trạng trộm cắp tương tự sẽ không xảy ra.
Suy nghĩ trên có thể xuất phát từ việc cơ quan chức năng ở địa phương chưa kịp thời phát hiện, bắt giữ người trộm chó hoặc xử lý chưa thấu đáo. Chó là vật nuôi gần gũi của con người, không đơn thuần là tài sản thông thường cho nên không thể xử lý kẻ trộm ở hành vi trộm cắp tài sản và chỉ xử phạt hành chính khi định giá con chó chưa đủ 2 triệu đồng. Hơn nữa, với sự chống trả nguy hiểm của kẻ trộm, người dân chưa nhận được sự bảo vệ từ các cơ quan chức năng, không tin rằng họ sẽ được bảo vệ. Họ cho rằng không còn cách nào khác là phải tấn công - một cách thức tự bảo vệ tài sản và tính mạng của mình trước khi trông chờ sự bảo vệ từ các cơ quan chức năng.
Vì vậy, một trong những biện pháp giảm thiểu những trường hợp đau lòng này, các cơ quan chức năng phải tăng cường, kịp thời phát hiện những vụ trộm chó, có những biện pháp xử lý nghiêm khắc người vi phạm. Bên cạnh đó, pháp luật hình sự cần bổ sung những quy định xử lý phù hợp đối với tài sản bị xâm hại là vật nuôi, thú cưng. Khi tài sản được bảo vệ, niềm tin của người dân vào pháp luật được củng cố thì mới mong những hiện tượng này sẽ không còn tồn tại.
Theo Báo PLO