Quan to khó gặp!
Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố. Theo đó thì người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong địa bàn chính là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Người phát ngôn phải công bố họ và tên, chức vụ, số điện thoại, thư điện tử công vụ một cách công khai. Ông nhìn nhận việc này thế nào, thưa ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ?
Cung cấp thông tin cho báo chí thực ra là cung cấp thông tin cho dân, tiếp báo chí cũng là tiếp dân. Công khai số điện thoại hoặc thư điện tử là để dân dễ dàng tiếp xúc với lãnh đạo hơn. Bấy lâu nay, mối quan hệ Đảng với dân qua công tác cán bộ có nhiều hạn chế. Cán bộ thường né tránh dân, không muốn gặp dân, không muốn tham gia giải quyết vấn đề bức xúc của dân. Cán bộ không gắn bó với dân thì không thể có bộ máy mạnh được.
Quy định này đưa ra hẳn là nhằm khắc phục được điều đó?
Cán bộ càng ở cấp cao thì càng xa dân, đó là thực tế đang diễn ra. Càng cấp cao thì dân muốn gặp càng khó. Cán bộ này cũng có nhiều dạng. Người phong kiến thì nghĩ rằng phải gây khó dễ như thế thì mới thấy vai trò của mình là quan trọng, phải rất khó mới gặp được thì mình mới quan trọng. Người thì ngại dân, ngại tiếp xúc với dân cũng có. Họ đều nghĩ rằng đã làm quan, đã ngồi ở cái ghế to thì phải thế.
Việc công khai số điện thoại này sẽ khắc phục được cái bệnh quan liêu đó?
Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất hay, công khai những thông tin này thì cán bộ nghe được nhiều nguồn thông tin hơn, nghe được tâm tư nguyện vọng của dân. Đáng lẽ phải mở tất cả các kênh để đón nhận thông tin từ lâu rồi chứ. Việc dân phản ánh góp ý kiến để cán bộ thấy được cái gì phải sửa, cái gì phát huy. Thế thì mối liên hệ cán bộ với dân mới được củng cố chứ. Những phản ánh đấy có thể chưa được giải quyết nhưng họ được nói thì cũng đỡ bức xúc.
Nhưng có số điện thoại nhưng nghe phản ánh xong chỉ để đó thì vô nghĩa?
Tất nhiên chủ trương là tốt nhưng thực hiện thế nào. Phải có một bộ phận thư ký ghi chép lại những phản ánh đó để giải quyết dần dần. Sau đó lãnh đạo trả lời từng vấn đề đó. Chứ như hiện nay, dân hay báo chí đều rất khó gặp cán bộ, đặc biệt là cán bộ trung, cao cấp.
|
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ. |
Đừng đẩy bức xúc của dân lên đỉnh điểm!
Ông có bao giờ gặp khó khăn khi muốn gặp một lãnh đạo nào đó?
Khi tôi còn là cán bộ thì bất cứ lúc nào tôi cũng nghe điện, bất cứ lúc nào cũng thu xếp gặp dân. Nhưng bây giờ nhiều khi tôi liên hệ có việc này việc kia, cán bộ bảo tôi liên hệ qua lái xe chứ cán bộ không có thời gian trực tiếp gặp.
Họ bận quá?
Họ trốn trách nhiệm thôi. Họ cứ nghe nội dung đó xem thế nào, có lợi cho họ thì họ nghe, không có lợi cho họ thì bỏ qua. Bây giờ có tình trạng đó đấy. Cũng phải công nhận là họ bận, nếu nghe hết các cuộc điện thoại đó thì họ không có thời gian. Nhưng nếu có cái tâm, nếu cẩn thận ra thì họ sẽ có một số điện thoại công khai có người phụ trách. Dân phản ánh gì thì người phụ trách đó ghi lại để báo cáo. Cuối ngày phải xem lại những phản ánh đó để trả lời.
Liệu sẽ có những cán bộ không thích công khai những thông tin này vì sợ phiền nhiễu?
Tôi cho rằng cán bộ "máu lạnh" thì mới không thích. Cán bộ "máu lạnh" thì mới thờ ơ với bức xúc của dân. Cán bộ là công bộc của dân, đầy tớ của dân, thế mà không quan tâm đến bức xúc của dân thì là cán bộ chí trá, cán bộ gian dối, vô trách nhiệm.
Số cán bộ này giờ có còn nhiều không?
Cán bộ thờ ơ vô cảm giờ nhiều lắm. Những bức xúc không được giải quyết của dân cũng nhiều. Nhiều thắc mắc của dân mà không biết hỏi ai, nơi cần phải trả lời thì họ lại không trả lời thì biết hỏi ai đây? Còn nhiều bức xúc của dân mà chưa thể giải quyết lắm, mà mấu chốt chính là cán bộ. Có những bức xúc khiến dân oán thán. Việc ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cũng là hệ lụy như thế cả. Bức xúc bị đẩy lên đỉnh điểm thì rất nguy hại.
Nếu chỉ công khai số điện thoại liên hệ về hình thức, còn bức xúc vẫn không được giải quyết thì cũng vô nghĩa?
Thế nên tôi mới nói ông lãnh đạo không nhất thiết phải ngồi ôm khư khư cái điện thoại nhưng phải có bộ phận giúp việc nhắc việc cho mình, ghi lại những bức xúc đó để giải quyết thì việc không khai đó nó mới thực sự có ý nghĩa. Chứ thủ trưởng cuối ngày về mệt quá đi ngủ luôn, thì thôi, phản ánh đó của dân là bằng không rồi.
"Tôi đang họp, bận lắm, khi khác nhé!"
Làm báo, tôi cũng nhiều việc cần liên hệ với những cán bộ giữ nhiều chức vụ, nhưng rất nhiều người né tránh. Mỗi lần như vậy ở góc độ là một người dân, thực sự tôi thấy rất buồn?
Cán bộ cứ thấy số điện thoại lạ thì không nghe, thậm chí số điện thoại quen cũng không nghe. Tôi không cần ghi số điện thoại của anh làm gì, chỉ thêm phiền nhiễu cho tôi mà thôi, tốt nhất là tôi giấu không cho ai biết số điện thoại của tôi. Có người mới chỉ alo biết đầu dây bên kia là dân hỏi thì đã bảo "tôi đang bận lắm, tôi đang họp, khi khác nói nhé". Thế nhưng, nếu cấp trên của họ mà gọi thì họ sẽ đổi giọng ngay: "Báo cáo anh, thưa anh, có em đây, có chuyện gì em sẵn sàng giải quyết.". Bây giờ không ít loại cán bộ ấy!
Sự khác nhau đó là dễ hiểu mà?
Thì đúng thế, cấp trên thì quyền sinh quyền sát, còn dân thì có mang lại lợi lộc gì đâu, chỉ có thêm việc để giải quyết thôi. Chứ đúng ra cán bộ thì phải lắng nghe cả nhiều thông tin ấy. Qua đó mới biết chính sách này, quyết định kia cần phải bổ sung cái này cái khác. Giả sử xảy ra một vụ cháy, nếu là cán bộ có trách nhiệm thì họ sẽ đứng ra tuyên bố sự việc, nhưng khi họ đã trốn tránh thì chắc hẳn là họ có gì đó khuất tất, do họ không quản lý, không kiểm tra, không giám sát... nên mới để xảy ra sự việc. Trốn tránh, chỉ có thể là trốn tránh trách nhiệm mà thôi. Không nói là an toàn nhất, tốt nhất là im lặng thôi.
Vậy phải làm thế nào để cán bộ cởi mở thông tin với dân?
Phải có cơ chế để họ buộc phải nói, buộc phải có phát ngôn trong những tình huống tương tự. Nên tôi hoan nghênh báo chí đã truy đến cùng những vụ việc này. Phải có biện pháp nào để xử lý nặng những cán bộ từ chối trả lời làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng,lòng tin của dân vào cán bộ.
Xin cảm ơn ông!
Trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải làm mạnh cái này, các cơ quan phải giáo dục cán bộ công chức điều này. Cán bộ lắng nghe dân để mà giải quyết các vấn đề khúc mắc của dân. Tôi nghĩ gặp dân thì được hơn là mất. Dân rất bức xúc, rất cần giải quyết thì mới tìm gặp chứ người ta không tự nhiên cất công đi gây rối đâu. Vấn đề là cái tâm của cán bộ trong công việc thế nào. Không ai bắt anh phải thu xếp giờ trưa giờ tối gặp dân, nhưng nếu có cái tâm thì tự khắc cán bộ sẽ giải quyết khúc mắc cho dân thôi.
Tô Hội (Thực hiện)