Di căn của cơ chế xin - cho
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nhìn nhận thế nào về câu chuyện khi dân kêu ca phải vượt suối bằng túi nilon thì cầu được xây, xảy ra vụ bảo mẫu hành hạ dã man trẻ thì nhà chức trách mới đi kiểm tra hoạt động của các nhà trẻ trên địa bàn...?
Cách quản lý này có thể gọi nôm na là “con khóc mẹ mới cho bú”. Nó không có gì mới ở Việt Nam nếu không muốn nói là kiểu quản lý điển hình, phổ biến. Đó là di căn của cơ chế xin – cho đã tồn tại từ hàng chục thập kỷ và đến giờ ta vẫn chưa thể thay đổi được. Dĩ nhiên, việc con khóc mẹ mới cho bú là bình thường. Nhưng một xã hội tiến bộ, phát triển cần phải được tạo lập trên cơ sở con chưa cần khóc thì mẹ đã cho bú một cách khoa học, bền vững, nghiêm chỉnh và bài bản.
Và cách quản lý của ta đang thiếu tất cả những yếu tố ông nêu?
Đúng.
Nhưng dù gì thì nó cũng có tác dụng nhất định, chí ít là còn tốt hơn việc khóc rồi mà vẫn không cho bú chứ?
Vấn đề là, để đi đến một xã hội phát triển, người ta không thể cứ bám riết lấy kiểu quản lý này được. Đó là một bước lùi và nó cho thấy chúng ta đang bước lầm đường chứ không phải là sự lạc hậu, lệch chuẩn nữa. Vì lạc hậu, lệch chuẩn thì còn có thể cải tạo, uốn nắn, nhưng khi đã lầm đường thì phải xác định để quay về vị trí xuất phát. Tiếc là lầm đường đã diễn ra quá dài.
Dại gì mà thay đổi
Thử lý giải nguyên nhân của việc lầm đường này quá dài, theo ông thì do đâu? Vì người ta đã không thể nhận thức được vấn đề hay còn có lý do nào khác?
Tôi tin rằng ai cũng nhận ra phải thay đổi phương thức quản lý sang mô hình con chưa khóc mẹ mới cho bú, tức là phải phân cấp, công khai, minh bạch. Thế nhưng, họ lại vẫn cố duy trì phương thức quản lý xã hội cũ, vì người ta đang mang danh đạo lý rằng kiểu quản lý này sẽ khiến họ nhìn thấy được người nào khó khăn sẽ ra tay giúp đỡ. Nhưng đó chỉ là sự ngụy biện. Bởi nguyên tắc quản lý là phải phân cấp cái nhìn, từ đó dễ dàng quy trách nhiệm, đằng này họ nắm trong tay cả rồi (quyền lực và tiền bạc) thì họ còn nhìn thấy gì nữa ngoài việc làm sao có lợi cho mình nhất. Ở mô hình quản lý phân cấp mới có chỗ cho năng lực quản lý chứ kiểu “con khóc mẹ mới cho bú” thì làm gì có.
Nó sẽ có chỗ cho điều gì nếu không phải là năng lực?
Ấy là sự khôn khéo biết cách quan hệ, biết cách xin xỏ, thậm chí là chạy để xin được một dự án nào đó. Mà như thế đâu cần một anh học rộng tài cao, chỉ cần khôn lỏi là được.
|
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ phát triển cộng đồng. |
Phải xin cái để chia chác lớn hơn
Quay trở lại với câu chuyện kiểu báo chí phản ánh cảnh người dân phải đu dây qua sông thì cầu mới được xây. Phải chăng vì cán bộ còn đang bận trăm công nghìn việc nên khó mà nhận ra?
Tôi không nghĩ thế. Ngay cả cái việc họ bảo không có kinh phí thì tôi cũng không tin. Chúng ta còn nghèo nhưng không đến mức không có tiền để xây được những cây cầu tạm cho người dân đi lại, vì chúng ta đã có những công trình nghìn tỉ đấy thôi.
Vậy ông tin vào điều gì?
Suy cho cùng thì đó là hệ quả của việc ta không quản lý nhà nước theo mô hình phân cấp, kiểu con chưa cần khóc thì mẹ đã cho bú. Địa phương không đưa việc xây cầu cho dân của một làng, một xã nào đó vào danh mục ưu tiên. Thay vào đó, có lẽ họ còn mải đi xin làm lễ hội để có cái mà chia chác lớn hơn.
Đừng nghĩ tới phát triển, nếu…
Trong câu chuyện quản lý “con khóc mẹ mới cho bú” này, theo ông thì ai sẽ là người được lợi hơn cả?
Đầu tiên là những người được thụ hưởng chính sách ấy. Chẳng hạn, người dân phải chui túi nilon để qua suối thì giờ đây đã có hẳn một cây cầu, như vậy người dân được hưởng lợi trước nhất. Và có một cái lợi nữa rất bất thường: Ấy là tên tuổi, chỉ số niềm tin, thiện cảm vào người trực tiếp đưa ra quyết định điều chỉnh tình hình.
Tại sao ông lại cho như thế là bất thường, khi họ làm những việc được lòng dân như thế?
Bất kể việc nào làm cho dân, có lợi cho dân đều tốt và cần được khuyến khích. Thế nhưng, bộ trưởng, thứ trưởng đâu phải là người đi giải quyết những vấn đề của cấp cơ sở. Họ phải làm những việc mang tính vĩ mô, bao quát, xứng tầm hơn chứ. Làm thế khác nào đem dao mổ bò đi giết gà. Đấy phải là việc của địa phương đó mới đúng chứ. Chính cách quản lý của ta đang khiến cho việc quản lý trở nên chồng lấn nên mới có chuyện chỉ khi có quyết định, chỉ đạo từ phía Trung ương thì địa phương mới làm, dù đó là những việc đáng ra cơ sở phải giải quyết.
Trong khi chưa thể từ bỏ được cơ chế xin cho thì theo ông, điều gì chi phối việc những người có trách nhiệm sẽ phải biết đâu là vấn đề cần ưu tiên cho dân sinh ở địa phương đó, rằng xây một cây cầu cấp thiết hơn là xin một cái lễ kỷ niệm?
À, cái này không dễ đâu. Đừng bao giờ ảo tưởng rằng người ta sẽ tự chuyển đổi, tự biết việc làm cái cầu lợi cho dân hơn là xin một cái lễ kỷ niệm. Vì thế, phải bắt họ chuyển đổi thôi. Phải thay đổi toàn diện cả hệ thống sang phương thức quản lý vì dân thực sự chứ không thể trên danh nghĩa vì dân mới mong làm được. Đừng tưởng cán bộ của ta không nhận thức được. Họ nhận thức được cả đấy, nhưng họ đâu có muốn thay đổi, vì vấn đề quyền lực, lợi ích cả thôi.
Cụ thể bằng cách nào, thưa ông?
Phải tạo ra cơ chế giám sát, ép buộc, phản biện... Chẳng hạn, việc tái cơ cấu kinh tế, có Quốc hội can thiệp thì mới làm chứ chờ người dân “khóc” thì khó lắm. Nói chung, đó là một việc lâu dài, chúng ta đang dần thực hiện nhưng kết quả vẫn chưa được rõ nét. Song cần thẳng thắn rằng, nếu không chuyển đổi phương thức quản lý, từ bỏ cơ chế xin cho thì chúng ta đừng bao giờ nghĩ tới câu chuyện phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Vì sao ở ta câu chuyện trách nhiệm khó thực hiện? Ấy là vì có phân cấp cụ thể đâu, cứ quản lý theo kiểu tôi có một đống của đấy, ông cần gì thì xin thì làm sao mà biết trách nhiệm cụ thể ở đâu được.
Lẽ ra, nhiệm vụ của ông là phải đảm bảo đời sống cho người dân, không thể để họ phải đánh cược sức khoẻ, mạng sống của mình bằng những hành vi nguy hiểm vì không có cầu cống, không có đường đi lại. Đằng này, từ nhiệm vụ lại chuyển sang việc ban ơn khi ra quyết định này nọ. Đó là một xã hội không bình thường, rất lủng củng”.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh
Vũ Thủy (Thực hiện)