Sáng 23/9 ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch, TGĐ Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã trao đổi với báo chí về hành vi dùng gậy chơi golf đánh vào đầu nhân viên phục vụ khiến anh này ngất xỉu.
Theo chia sẻ của ông Sơn, trong ngày 15/9, ông có đến sân golf Tam Đảo cùng hai người bạn để chơi. Trong nhóm 3 người chơi thì có 3 caddie gồm 2 nữ, 1 nam (caddie là nhân viên phục vụ được thuê để kéo, bảo quản những bao đựng gậy đánh golf cho khách chơi trên sân) đi theo để phục vụ khách.
Trong đó caddie của ông Sơn mang số 013, caddie mang số 054 (tên Công, là nam giới) thì đi theo phục vụ bạn ông Sơn là ông Nguyễn Văn Thanh.
|
Ảnh minh họa. |
Đến khoảng 13h, khi đang đánh đến lỗ số 10 thì caddie số 013 của ông Sơn bảo còn khoảng 5 “on” (một thuật ngữ trong khi chơi golf), tuy nhiên, caddie số 054 lại khẳng định là 6 “on”.
Lúc này, ông Sơn cảm thấy hơi khó chịu bởi trong chơi golf, caddie của khách nào thì chỉ báo và phục vụ cho khách đó, chính vì vậy, việc caddie số 054 cứ khẳng định, nói qua nói lại về việc báo lỗ sai của bên ông Sơn khiến người chơi cảm thấy bực.
Chính vì vậy, ông Sơn có cầm cây gậy đánh golf gõ nhẹ vào trán của caddie số 054 với ý định nhắc nhở, trêu đùa như người lớn tuổi chỉ bảo con cháu mình bởi caddie tên Công này chỉ đáng tuổi con của ông Sơn.
Tuy nhiên, khi vừa cầm gậy gõ vào trán caddie thì nhân viên này nằm lăn ra sân. Thấy nhân viên caddie ngã ra, ông Sơn vẫn tưởng là nhân viên này ngã giả vờ, để trêu mình nên ông Sơn còn nói vui “cái thằng này, mày còn trêu chú à”.
Khi thấy nhân viên này có dấu hiệu ngất thật, ông Sơn và mấy người bạn trong nhóm đã bế Công lên xe, chở về khu y tế của sân golf để làm các biện pháp cấp cứu. Ngay sau đó, mọi người đã đưa caddie số 054 này chuyển ra Bệnh viện Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) để điều trị.
Về hành vi cầm gậy golf đánh nhân viên caddie, ông Sơn chia sẻ: Khi gõ gậy có thể tôi đã không làm chủ được lực cũng như không quan sát được vị trí do nhân viên caddie này đội nón, nên khi dùng gậy golf gõ vào đầu với ý trêu đùa, nhắc nhở thì có lẽ đã khiến nhân viên này bị đau, cộng thêm hôm đó trời nắng nên có thể khiến nhân viên này bị choáng, ngất xỉu.
“Ngay sau khi được chuyển ra bệnh viện, tôi có gặp vợ và người chú của nhân viên caddie số 054. Tôi có nói với người chú tên Đường, đại diện cho gia đình là cứ cho tiến hành khám, chụp cắt lớp đối với nhân viên này, hết bao nhiêu tiền thì tôi sẽ chịu. Ngoài ra, nếu như bệnh viện tại đây không đủ điều kiện để chữa trị thì có thể đưa ra ngoài Hà Nội để khám, điều trị. Đồng thời, tôi cũng đã đưa trước cho gia đình 5 triệu để lo thêm các chi phí khác” – ông Sơn kể.
Sau khi sự việc xảy ra, ban điều hành sân golf đã cho mời công an xã, công an huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) để chứng kiến, lập biên bản toàn bộ sự việc. Tuy nhiên, do vết thương chỉ ở bề ngoài, không quá nặng nên gia đình caddie 054 đã làm đơn bãi nại. Trong đơn này có sự xác nhận của caddie 054 và gia đình, đại diện sân golf, người làm chứng và cơ quan công an.
Chia sẻ với phóng viên, ông Sơn cảm thấy rất tiếc khi để xảy ra sự cố khiến cho một caddie bị thương bởi việc này xuất phát hoàn toàn từ vô tình, không cố ý. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên ông Sơn gặp caddie này, không hề có mâu thuẫn hay thù hằn từ trước như dư luận đồn thổi. Đồng thời, sân golf Tam Đảo ông Sơn cũng chỉ đến chơi có vài lần bởi bản thân ông Sơn mới biết chơi golf được vài tháng.
Theo Lao Động