Lãnh đạo nghiêm, ai dám đưa quà?
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh vừa có công văn yêu cầu các cấp ủy, đảng, chính quyền nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên, đồng thời không dùng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trái quy định. Việc cấm đi quà Tết cấp trên đương nhiên dư luận đồng tình. Nhưng liệu có cấm được, thưa ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương?
Chuyện quà Tết biến tướng thành hối lộ hầu như ai cũng biết. Có người phải thắt lưng buộc bụng để có chút quà biếu lãnh đạo. Thậm chí, mình không có Tết cũng vẫn cố để có quà Tết cho cấp trên. Rồi có những người ghi lại tên ai đến nhà mình biếu quà, trị giá quà bao nhiêu. Những thứ đó đang phản lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Việc Ban Bí thư ra quyết định như vậy là rất đúng, rất hợp và cần thiết. Nếu không có chuyện lợi dụng quà biếu để tham nhũng trá hình thì Trung ương đã không ra công văn này rồi. Văn bản này mang tính nhắc nhở răn đe hơn là cấm. Vì đúng là cấm triệt để thì khó lắm.
Thực tế, tình trạng này cũng không phải là mới?
Đúng là thế. Chuyện nói mãi rồi. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên ta có những quy định kiểu này. Vui chơi ngày Tết phải lành mạnh, giữ gìn văn hóa chung. Nhưng tại sao không thực hiện được? Là bởi những người lãnh đạo, quản lý không gương mẫu. Nếu không có lòng tham thì hẳn là họ đã nói thẳng, đã nhắc nhở cấp dưới và quyết liệt không nhận quà. Như thế thì ai dám đưa quà?
Có ý kiến cho rằng, việc tặng quà cho sếp còn thể hiện "năng lực" của nhân viên?
Nhiều khi ngay cả cái việc ưu ái, bổ nhiệm, cất nhắc này nọ... cũng bị dựa vào những thứ khó tin như việc người đó có "biết điều" hay không, có dễ bảo hay không, có hết mình vì lãnh đạo hay không. Thế nên cấp dưới ra sức lấy lòng cấp trên để mong được nhận sự ưu ái. Đến mức người nhà lãnh đạo lập cả sổ theo dõi người nào đến chơi, tặng quà, thì đó là sự thoái hóa, hủ bại của văn hóa.
|
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Xin lãnh đạo hãy hãy can đảm với lòng tham!
Theo ông thì làm thế nào để kiểm soát được quà biếu của lãnh đạo?
Có thể thanh tra không biết, kiểm tra không biết, nhưng nhân dân biết hết. Nhà nào mà xe cộ nườm nượp kéo vào thì người ta biết ngay chứ. Tất nhiên là bây giờ người ta biến tướng bằng nhiều cách lắm. Chẳng cần phải đến tận nhà thì người ta mới biếu được quà.
Ở các nước phát triển, người ta kiểm soát điều này rất là tốt. Nhưng ở Việt Nam thì khó, chỉ mong vào sự tự giác của mỗi người. Nếu người lãnh đạo, quản lý mà không quyết liệt, để lòng tham lấn át, thì có cấm thế nào cũng khó. Cấm cách này người ta lại có cách khác. Thế nên xin các vị lãnh đạo hãy tự giác, hãy có tư cách! Hãy nhìn nhận mọi thứ nhân văn và hãy can đảm với lòng tham của chính mình.
Nếu nhân viên đến nhà sếp mà bị từ chối quà, nó sẽ không phải là cái gì hay ho?
Gì chứ từ chối quà thì dễ lắm. Vấn đề là lòng tham thôi. Một hai lần quyết liệt không nhận thì chắc không ai dám đến đưa quà đâu. Đã đến lúc các đồng chí lãnh đạo phải đi xuống chúc Tết, chứ đừng bắt nhân viên đi lên. Hãy đến thăm các gia đình khó khăn, những công nhân mong manh Tết, những cháu bé không có nổi tấm chăn ấm. Hãy đem Tết đến cho những người không có Tết. Làm như vậy sẽ khiến nhân viên cảm phục, kính nể. Đừng chăm chăm nhận quà Tết hay ngồi đó chỉ tay đếm mặt ai đến biếu quà mình. Muốn làm lãnh đạo tốt thì đừng làm như thế.
Đã có ai làm được những điều này?
Đã có nhiều người làm được như thế rồi đấy, nhưng làm thế đã xuể chưa, đã nhiều chưa, thì hẳn là chưa đủ. Giờ tất cả các cơ quan ban ngành đồng loạt thực hiện cấp dưới không đi Tết cấp trên mà chỉ có ngược lại, cấp trên đi cấp dưới thì tham nhũng sẽ phải lùi bước một phần nào đó. Người không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Nhưng làm gì có ai đi biếu quà mà lại khai ra mình đi biếu và cũng chưa ai bị xử lý vì nhận quà Tết?
Đúng là trước giờ tôi chưa thấy ai bị xử lý vì nhận quà Tết, chỉ có một vài vụ việc tham nhũng hy hữu thì không nói. Còn khi đã xác định biếu quà Tết là người ta đã nghĩ đến cái "tình" với nhau trong đó, ngoài cái chữ vụ lợi ta vừa bàn. Thế nên việc cấm cấp dưới đi Tết cấp trên là rất tốt, đáng hoan nghênh, nhưng nó cũng lại chỉ có tác dụng với người nghiêm chỉnh, tử tế. Còn với kẻ tham lam thì vẫn chưa thể trừng trị được.
Chẳng có tiền vẫn phải mua quà biếu sếp
Với truyền thống vốn có của ta thì có dễ thay đổi điều đó không?
Theo tôi thực ra không có gì là quá ghê gớm cả. Thay đổi lòng tham thì khó, nhưng khi lòng tham bị điều chỉnh bằng các chế tài nghiêm thì nó sẽ phải bị tiết chế. Mọi người đừng tự mình biến lễ Tết thành dịp để cống nạp. Nhiều người khổ lắm, tiền chẳng có mà ăn, nhưng vẫn phải bằng mọi giá để mua bằng được quà gì tươm tươm biếu sếp. Sợ không có quà thì mất lòng cấp trên. Tết có khi là nỗi ám ánh lớn của những người đó.
Tôi tự hỏi, phải chăng chỉ có lãnh đạo mới sính quà Tết?
Thực ra ở vị trí nào người ta cũng có thể thực hiện được nếu họ muốn. Một chuyên viên bình thường làm nhiệm vụ theo dõi đất đai chẳng hạn, chẳng có chức vụ gì nhưng tôi là người báo cáo việc lên cấp trên, dân muốn làm được việc, muốn nhanh, thì phải quà cáp cho chuyên viên. Khi đã đứng trong bộ máy công quyền thì ai cũng có điều kiện để tham nhũng, tất nhiên ở mỗi người, mỗi cấp, mỗi nơi là khác nhau.
Nói như ông thì chẳng có giải pháp nào loại hết được những người tham nhũng vì lòng tham?
Đúng là thế, không thể nào làm được điều đó. Chỉ có thể trông chờ vào lương tâm và sự tự giác mà thôi. Khi nào còn quyền lực thì khi đó còn tham nhũng.
Thực tế hằng năm cũng có những người trả lại quà biếu Tết?
Có nhiều người trả lại chứ, nhưng đến nay thì chưa có thống kê nào. Giờ có quy định này của Trung ương, cấp dưới cũng nên lấy cớ đó để không đem quà Tết đến cấp trên nữa
Xin cảm ơn ông!
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân được đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Ban Bí thư nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội. Không tổ chức để các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, chúc Tết địa phương.
Tô Hội (Thực hiện)