UBND tỉnh Hải Dương: Không có chuyện xe ủi đất đè lên người dân
Trong vài ngày qua, cộng đồng mạng và dư luận tỉnh Hải Dương xôn xao liên quan đến vụ việc, bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) khi cùng một số người dân ra ngăn cản xe ủi đất vào thi công trong dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền đã bị một đối tượng lái máy ủi đất bánh xích đè lên người vào sáng 10/7. Ngay sau đó, UBND tỉnh Hải Dương đã triệu tập cuộc họp các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp này, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng, ông Nguyễn Trọng Hiển, khẳng định không có việc máy xúc đè lên người dân là bà Lê Thị Châm bởi xe có trọng tải nặng vài tấn chèn qua thì khó có thể sống được. Tuy nhiên, nhiều người dân Cẩm Điền khẳng định, việc bà Châm bị máy ủi bánh xích chèn qua là có thật. Để chứng minh cho việc này, có người dân đã cung cấp cho PV clip ghi nhận lại cảnh bà Châm nằm dưới xe bánh xích và khẳng định đây là clip gốc, không có chuyện lắp ghép hay dàn dựng.
|
Người dân Cẩm Điền bức xúc sau vụ xe bánh xích nằm trên một người phụ nữ. |
Mới đây nhất, trong Báo cáo số 15/BC-UBND của UBND tỉnh Hải Dương do PCT tỉnh, ông Nguyễn Dương Thái gửi Văn phòng Chính Phủ và các bộ, ban ngành khẳng định, không có chuyện xe ủi đất đè lên người.
Công văn nêu rõ: “Trong các ngày từ 30 – 9/7/2015, thường xuyên có nhiều người dân xã Cẩm Điền (từ 30 – 50 người) tự ý vào khu công nghiệp (KCN) trồng cây chuối, ngăn cản tại KCN (xếp đá hộc, đặt chắn đường bằng cây tre, cắm cờ Tổ quốc và biểu ngữ tại cổng KCN, Km35+700 phía Bắc quốc lộ 5) không cho phương tiện vào, kể cả xe của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong tỉnh. Khoảng 16h40 ngày 9/7/2015, khi có hai xe ô tô tải của nhà thầu (Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung; trụ sở: TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) vào KCNm, một số người dân đã ngăn cản.
|
Báo cáo số 15 của UBND tỉnh Hải Dương gửi Văn phòng Chính Phủ và các Bộ, ban ngành.... |
|
Khẳng định không xảy ra việc xe ủi đất đè lên người dân. |
Lực lượng Công an huyện Cẩm Giàng đã can thiệp, không để xảy ra xô xát và không gây ách tắc trên QL 5. Ngay trong tối 9/7, một số người dân đã đào rãnh cắt đường vào KCN tại vị trí cổng giáp Quốc lộ 5. Khoảng 8h, ngày 10/7/2015, một xe ủi bánh xích của nhà thầu di chuyển từ Quốc lộ 5 vào KCN. Khi qua rãnh đào nêu trên, xe ủi này bị số đông người dân ngăn cản nên có xảy ra va chạm. Theo thông tin ban đầu: Bà Lê Thị Châm (trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) bị ngã, có chạm vào xe ủi. Sau đó, bà Châm được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Theo thông tin bước đầu từ phía bệnh viện, bà Châm bị xây sát và chấn thương mẻ xương mỏm ở vai, không nguy hiểm đến tính mạng.
Người lái xe ủi là ông Nguyễn Văn Sinh (quê ở xã Thúy Lâm, H. Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bị nhiều người dân tập trung đánh đập. Ông Sinh sau đó được đưa đến bệnh viện Quân y 7 điều trị. Ông Sinh bị chấn thương ở mặt, vùng đầu, xây xát toàn thân; tạm thời xác định không nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy, không có sự việc xe ủi đất đè lên người.
Công an vào cuộc
Trước thông tin trên, người dân Cẩm Điền vẫn khẳng định, việc bà Lê Thị Châm bị máy ủi bánh xích đè lên như clip đăng tải là chính xác. Người dân cho biết, vào sáng 10/7 có khoảng 40 thanh niên lạ mặt xuất hiện tại khu vực bà con đang lập "chốt" ngăn cản không cho đơn vị thi công. Nhiều người dân đứng trước đầu máy xúc ngăn cản khiến người lái máy xúc không dám tiến lên và mở cửa cabin nhảy xuống dưới. Tuy nhiên sau đó, có một đối tượng nhảy lên máy xúc có những hành vi phản cảm, thanh niên này sau đó vào cabin và yêu cầu người thợ lái máy xúc lên khởi động, hướng dẫn cho người này cách lái máy. Sau đó cả 2 cùng ngồi trên cabin điều khiến chiếc máy xúc, một lát thì người thợ lái chính nhảy xuống còn người kia tiếp tục điều khiển chiếc máy xúc tiến về phía người dân. Lúc đó, không khí vô cùng hỗn loạn, khi máy xúc đang tiến về phía trước thì bà Châm bị ngã xuống đất nên chiếc máy xúc chèn vào.
Để làm rõ việc có hay không bà Châm bị xe bánh xích chèn qua, Công an huyện Cẩm Giàng đã vào cuộc điều tra. Cơ quan điều tra đã đã đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thăm hỏi và lấy được khai của bà Lê Thị Châm. Đơn vị này cũng đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra ban đầu đối với ông Nguyễn Văn Sinh, 42 tuổi (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương, đang nằm điều trị ở Viện Quân y 7, TP.Hải Dương), người được cho đã lái máy xúc chèn lên bà Châm sáng ngày 10/7, tại dự án khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, sau đó bị người dân đánh bị thương. Hiện Công an huyện Cẩm Giàng đang xác minh ông Sinh có phải là người của đơn vị phụ trách thi công dự án, có bằng lái máy xúc và có được giao nhiệm vụ lái máy xúc không.
“Chúng tôi sẽ làm việc với công ty phụ trách việc thi công dự án (Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Thành Trung, trụ sở ở TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đồng thời, xem xét dấu hiệu tội phạm của người này xem có phải đã cố ý lái máy bánh xích đâm vào bà Châm không”, đại diện công an huyện Cẩm Giàng cho biết.
Vì sao dân phản đối thi công dự án trong KCN Cẩm Điền?
Để làm rõ nguyên nhân vì sao người dân tụ tập trước cổng KCN Cẩm Điền để phản đối việc đơn vị đưa máy xúc vào thi công dự án của VSIP, PV Kiến Thức đã có cuộc làm việc với nhiều người dân liên quan.
Đại diện cho các hộ dân, ông Vũ Xuân Phương (70 tuổi, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) phản ánh, từ năm 2008 đến 2015, 91 hộ dân thôn Hoàng Xá bị thu hồi 98.012 m2 bằng 97% ruộng canh tác. Những chính sách hỗ trợ, tiền đền bù cho những hộ dân bị thu hồi đất đến nay người dân chưa được hưởng một đồng tiền, một cân gạo nào. Trong khi đó, diện tích đất ấy đến nay vẫn để có mọc um tùm. Trong 8 năm qua, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn khi có đất mà không được canh tác, không có lương thực khi cả 91 hộ dân đều sống cảnh “gạo chợ, nước sông”.
|
Ông Vũ Xuân Phương trao đổi với PV Kiến Thức. |
“Ngày 14/10/2013, bà Mai Thị Thơ khi đó là Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng tiếp chúng tôi và văn phòng luật sư An Thái đã có ý kiến rằng: “Có thiếu sót trong quyết định thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Bà chủ tịch có hứa rằng sẽ giải quyết dứt điểm quyền lợi và lợi ích của 91 hộ dân nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Khi không biết công ty nào vào san ủi, đổ cát trên diện tích đất ấy nên chúng tôi kéo ra phản đối”, ông Vũ Xuân Phương cho biết.
Trong báo cáo số 15/BC-UBND của UBND tỉnh Hải Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, hiện còn 115 hộ/1420 hộ của xã Cẩm Điền chưa nhận tiền. Trong đó, 59 hộ đã nhận đất nông nghiệp thay cho nhận tiền. 56 hộ có đất trong khu vực 150ha VSIP nhận chuyển nhượng (Các hộ này trước đây không nhận tiền, đề nghị nhận đất nông nghiệp nhưng khi giao đất lại không nhận. Và đến nay trả lời dứt khoát là không nhận, đòi hỏi mức bồi thường 250 triệu/sào Bắc bộ, tương đương với 694.400đ/m2. Ngoài ra còn đòi bồi thường 8 năm không sản xuất nông nghiệp, đòi đất nông nghiệp ở vị trí cũ trong KCN).
Bên cạnh đó, xã Lương Điền có hai ngôi mộ nằm trong KCN nhưng chưa đồng ý phương án di chuyển với lý do đơn giá thấp.
Để triển khai dự án UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành các văn bản giải quyết những tồn tại trong việc GPMB đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân nhưng đến nay nhiều người chưa đồng thuận.
Việc triển khai dự án là cần thiết nhưng phải tuân thủ theo các trình tự và quy định của pháp luật như lời Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã nói: “Tư tưởng là chỉ đạo nhanh nhưng không phải bất chấp mà phải được thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật, không được bỏ tắt khâu nọ, khâu kia. Trước sự việc xảy ra như vậy, lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo làm rõ. Không bao che cho đơn vị nào”. Bên cạnh đó, chính quyền, doanh nghiệp và người dân cũng nên căn cứ vào các quy định của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng để đưa mức bồi thường phù hợp, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài như thời gian qua.
Hải Ninh