Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an ngày 3/9 cho hay vẫn đang tiếp tục làm rõ hành vi của nghi can Trần Văn Thới (39 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM - người cầm đầu đường dây bán logo "xe vua"“Garage Thành Đô”) và Lê Thị Cẩm Vân (ngụ Bình Chánh - người cầm đầu đường dây bán logo “Xe chở hàng”).
Thay đổi logo nhiều lần
Theo nguồn tin của PV, hai đường dây này đã thay đổi nhiều kiểu logo để bán ra cho giới xe tải nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… và hàng ngàn xe kinh doanh vận tải chạy trong nội thành TP.HCM.
Đường dây bán logo “Garage Thành Đô” do Thới cầm đầu bắt đầu phát triển mạnh vào tháng 6/2013. Tuy nhiên theo anh L., chủ một doanh nghiệp (DN) vận tải và là “khách hàng” thường xuyên của garage Thành Đô thì logo này đã thay đổi nhiều lần. Ban đầu là logo “HTX số 5” rồi chuyển sang “68” rồi mới đến “Garage Thành Đô”.
“Những người bán logo khẳng định cứ dán logo lên xe là bảo đảm hiếm khi bị xử phạt, nếu bị phạt sẽ có người bao. Còn việc thay đổi logo là để thương hiệu mạnh hơn và tránh sự bắt chước của những xe không mua logo. Quả thực từ khi tôi mua logo thì xe ít bị CSGT phạt hơn, do đó nhiều người cũng mua theo” - anh L. cho hay.
So với Thới, đường dây của Lê Thị Cẩm Vân bán logo “Xe chở hàng” bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2015 với giá từ 2,2 triệu đến 2,3 triệu đồng/logo/tháng. Xe nào mua logo của Vân dán ở đầu xe thì sẽ được Vân hướng dẫn đi các tuyến đường tránh được CSGT và thanh tra giao thông. Logo “Xe chở hàng” cũng thay đổi liên tục từ “HTX số 5” chuyển sang “Xe chở hàng” đến “Logo mặt trời” rồi “Gạch Cẩm Vân”.
Làm việc cho Vân có nhiều “chân rết”, mỗi người quản lý 200-300 xe tải. Vân còn thuê nhiều đàn em canh lực lượng CSGT, thanh tra giao thông để báo thông tin, mỗi người được Vân trả 3 triệu đồng/tháng. Vân thừa nhận bán logo được bốn tháng nay thu lợi 300 triệu đồng/tháng.
|
Logo 68 là tiền thân của logo “Garage Thành Đô”. (Ảnh do công an cung cấp) |
Đường dây chuyên nghiệp
Một lãnh đạo C45 cho biết: Các đối tượng đã tổ chức thành một đường dây chuyên nghiệp nên mới có thể hoạt động trong thời gian dài mà chưa bị triệt phá. “Hiện tại vụ việc vẫn đang mở rộng điều tra, quan điểm của Bộ Công an sẽ quyết liệt làm rõ, xử lý nghiêm những người có sai phạm liên quan” - vị này cho hay.
Nói về việc các đường dây của Thới và Vân liên tục thay đổi logo, Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết: “Các đối tượng làm vậy nhằm mục đích để lừa đảo chứ từ đầu năm đến nay PC67 đã xử phạt rất nhiều xe quá tải dán logo “Garage Thành Đô”, “Xe chở hàng” và hàng chục logo các loại. Do bị xử phạt gắt gao, biết logo không còn hiệu quả để lừa người mua nên các đường dây này lại thay đổi logo”.
“Trong chín tháng đầu năm, lực lượng chức năng TP.HCM đã xử phạt 1.672 trường hợp ô tô chở quá tải, trong đó có hàng trăm xe dán logo. Việc C45 vào cuộc triệt phá đường dây bán logo khiến chúng tôi rất mừng vì PC67 lâu nay chỉ tập trung xử lý xe quá tải, vi phạm giao thông chứ không có thẩm quyền xử lý các đối tượng bán logo. Hiện PC67 đang tham mưu để kiến nghị Công an TP.HCM đề nghị Bộ GTVT có quy định cụ thể về logo của DN, tránh để các đối tượng xưng danh quen biết CSGT hay lực lượng chức năng bán logo nhằm trục lợi” - Đại tá Trà nhấn mạnh.
Như đã phản ánh, trước đây Thới thường khoe với giới xe tải có mối quan hệ quen biết với CSGT nên tự in logo rồi bán với giá 2,5-3 triệu đồng/logo/xe. Giúp sức cho Thới có nghi can Trần Quốc Thái (bị bắt ngày 27-8). Thái có xe kinh doanh vận tải nên quen biết Thới, sau đó Thái trở thành người bán logo cho Thới. Hiện Thái đang quản lý, thu tiền hơn 200 đầu xe cho Thới, được chia 400.000 đồng/xe. Còn Thới trực tiếp giao logo cho nhiều người khác để bán cho các loại xe. Theo thông tin ban đầu, ước tính với hơn 2.000 xe dùng logo “Garage Thành Đô”, Thới đã thu lợi từ 2,5 đến 3 tỉ đồng/tháng.
Theo Pháp luật TPHCM