Có thể “đo” hình ảnh VN từ công trình biểu tượng nghìn tỷ?

Google News

(Kiến Thức) - "Hình ảnh quốc gia không nằm ở sự hoành tráng của những công trình nghìn tỷ..., mà phải đo từ dân, từ thực tế cuộc sống của dân", Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bày tỏ.

Hình ảnh đất nước không đo đếm được!
Hình ảnh quốc gia có vai trò như thế nào trong sự phát triển của mỗi nước, thưa ông?
Trước hết, cần phải thống nhất với nhau rằng hình ảnh quốc gia không thể cân đo, đong đếm bằng tiền hay quy đổi thành những giá trị vật chất khác. Đó là một giá trị không gì đo đếm được, có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập với quốc tế như hiện nay. Trong mỗi cuộc thương lượng, đàm phán, hình ảnh quốc gia gây ấn tượng thì chắc chắn sẽ nhận được những thiện chí và sẽ có lợi thế.
Vậy còn với Việt Nam thì vai trò ấy cần được biểu đạt như thế nào?
Chúng ta đang bước vào hội nhập, có xuất phát điểm với rất nhiều khó khăn, hạn chế nên rất cần sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với hình ảnh quốc gia lại càng quan trọng và cần phải được chú trọng. Trên thực tế, chúng ta cũng đã và đang nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các nước. Đó là vì hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế vẫn là hình ảnh đẹp, gây được cảm tình cho họ.
Theo ông thì hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế được xây dựng trên những nền tảng nào?
Thứ nhất, khi nhắc tới Việt Nam là nhắc tới biểu tượng ý chí của cả dân tộc đã hy sinh rất nhiều trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập. Thứ hai, Việt Nam có bề dày lịch sử với hàng nghìn năm phát triển. Thứ ba, chính chiều sâu văn hóa khiến người Việt tương đối cởi mở, vui vẻ khi giao tiếp; kể cả với những người gây đau thương cho dân tộc thì vẫn thân thiện, vị tha. Thứ tư là từ khi hòa bình, dù còn rất nhiều khó khăn, có nhiều sai sót nhưng chúng ta đã từng bước phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, làm cho đời sống của nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội cũng tốt hơn... 
Tuy nhiên, không phải hình ảnh của đất nước mình đã cao đâu. Vì có những việc thực sự chúng ta đã làm tổn thương hình ảnh đất nước.
Cụ thể, đó là những việc gì vậy?
Nhiều đấy. Chẳng hạn như nạn chặt chém khách du lịch, thấy người nước ngoài thì đòi tiền cao hơn người trong nước. Rồi thì ăn xin, chèo kéo khách mua hàng; bày bán thịt thú rừng ngay tại nơi tổ chức lễ hội. Mình cũng chưa tạo lập được tác phong công nghiệp, vẫn còn lề mề, thiếu tính kỷ luật... Những cái đó nhỏ cũng đủ làm ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh của đất nước thì những cái lớn hơn như tai nạn giao thông không giảm, tham nhũng tràn lan... sẽ còn làm tổn thương hình ảnh đất nước hơn.
Ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. 
Người ta đang nhầm lẫn...
Như vậy, cần phải bảo vệ hình ảnh quốc gia bằng mọi giá?
Đúng. Tất cả mọi người cùng phải có ý thức để bảo vệ hình ảnh ấy. Nên nhớ, hình ảnh quốc gia nghe thì có vẻ to tát, nhưng lại được xây dựng trên nền tảng từ những điều rất nhỏ và bị phá vỡ cũng từ những điều rất nhỏ.
Thế nên mới có chuyện khi bàn bạc tiếp tục hay tạm hoãn đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019, người phản đối vì cho rằng tốn kém, người lại kiên quyết bảo vệ việc đăng cai vì nếu hủy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế quốc gia. Hay khi xây dựng công trình nào đó, người ta cũng cố gắng gắn yếu tố hình ảnh quốc gia để "nâng tầm" cho công trình, dù rất nhiều ý kiến phản đối. Dường như, hình ảnh quốc gia đang là tấm bình phong, thưa ông?
Đất nước nào cũng cần có những công trình lớn mang tính biểu tượng. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong lúc nền kinh tế đang eo hẹp thì cần đầu tư cho sự phát triển, phục vụ cho đời sống của nhân dân, ví như quyết định làm hàng loạt cầu treo để người dân không còn cảnh qua sông bằng nilon, hay xây trường học kiên cố để trẻ em không phải học trong trường lớp tạm bợ...
Nhưng như thế thì làm sao Việt Nam có được những công trình biểu tượng, và sẽ ít người biết đến Việt Nam hơn?
Không phải thế. Hình ảnh Việt Nam đã có từ trước rồi chứ không phải chờ đến những công trình nghìn tỷ ra đời thì mới tạo được hình ảnh Việt Nam đâu.
Vậy đâu sẽ là thước đo thuyết phục nhất cho hình ảnh một đất nước, nếu không phải là những công trình biểu tượng cả nghìn tỷ?
Hình ảnh quốc gia không nằm ở sự hoành tráng của những công trình nghìn tỷ, những lễ hội với nhiều kỷ lục được xác lập hay việc đăng cai một giải thi đấu thể thao tầm cỡ châu lục. Hình ảnh quốc gia phải đo từ dân, từ thực tế cuộc sống của dân. Dân là biểu tượng sâu sắc và thuyết phục nhất cho hình ảnh quốc gia, phản chiếu hình ảnh quốc gia rõ nhất. Tiếc là người ta đang có sự nhầm lẫn khái niệm hình ảnh quốc gia. 
Nếu nhìn vào thực tế cuộc sống của dân, theo ông thì hình ảnh Việt Nam đang ở mức nào?
Chưa cao đâu. Nhưng 5 năm nữa, đời sống của dân chắc chắn sẽ cao hơn bây giờ. Và khi ấy, hình ảnh đất nước cũng sẽ tăng.
Cải thiện hình ảnh quốc gia: Cái cần đầu tiên là gì?
Như vậy, bây giờ để cải thiện hình ảnh quốc gia thì cái cần làm đầu tiên là phải thay đổi tư duy về nó?
Đúng. Cần phải đổi mới tư duy, phải để giới chức lãnh đạo từ cấp cơ sở hiểu rằng hình ảnh quốc gia phải gắn liền với dân chúng chứ không phải một cái gì đó to tát như một nhà hát, cây cầu lớn nhất khu vực... 
Nhưng đổi mới tư duy là một việc rất khó?
Dĩ nhiên rồi, đó là một cuộc vật lộn rất gian khổ chứ không phải đơn giản, vì anh thay đổi cả một cách nhìn nhận kia mà. Dù sao thì tôi vẫn tin chúng ta sẽ làm được. Khẩu hiệu "vì dân" đã được nói nhiều, nhưng cần phải có những hành động thiết thực hơn nữa. Phải tạo ra những đột phá, động lực mới.
Ai sẽ là người có trách nhiệm tìm ra những đột phá, động lực mới, thưa ông?
Đó là việc của những người lãnh đạo cấp cao chứ. Đương nhiên, cũng cần sự giúp sức của đội ngũ trí thức.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Thủy (Thực hiện)