Câu chuyện tàu ngầm mini tại TP HCM của ông Phan Bội Trân không được sử dụng tại Việt Nam nhưng lại được một công ty kinh doanh du lịch tại Malaysia đặt hàng, cũng như chuyện chiếc máy bay VAM do ông Vimar Nguyễn và Hội Cơ học Việt Nam chế tạo cách đây gần 8 năm nằm bẹp trong nhà kho, vừa được một đối tác ở Campuchia quan tâm, đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Tại sao tàu ngầm, máy bay và các máy móc khác do người Việt Nam sáng chế lại không được cấp giấy phép, không nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong nước nhưng lại được người nước ngoài đặt mua và chuẩn bị xuất khẩu? Vậy rào cản chính ở đây là gì nếu như không phải các cơ quan chức năng không quan tâm?
|
Tàu ngầm mini của ông Phan Bội Trân. |
Để làm rõ vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TS vật lý Nguyễn Văn Khải và Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội.
- Tàu ngầm, máy bay do người Việt Nam sáng chế lại không được cấp giấy phép, không nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong nước nhưng lại được người nước ngoài đặt mua và chuẩn bị xuất khẩu. Ông nhìn nhận sao về vấn đề này?
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. |
Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú: Trên thực tế, qua việc này cho thấy, xã hội chúng ta chưa chú ý đến người tài, không trân trọng những sáng tạo, sáng kiến của người dân. Đáng lẽ khi cá nhân nào đó sáng kiến ra một sản phẩm nào đó như ông Trân chế tạo thành công tàu ngầm mini có thể áp dụng vào thực tế, ông Vimar Nguyễn chế tạo thành công máy bay và còn nhiều cá nhân nữa thì Bộ Khoa học công nghệ và Sở Khoa học công nghệ các tỉnh phải lắng nghe, tìm hiểu, thể hiện sự trân trọng và tìm cách tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính. Nếu các sản phẩm mà áp dụng được vào cuộc sống thực tế thì nên quan tâm. Ví như chuyện ông Lũy di chuyển bao nhiêu ngôi nhà, chùa chiền nhưng cũng không mấy ai để ý đến. Chúng ta đang làm thui chột những sáng kiến đi lên phát triển KHCN khi thờ ơ với những người tài và sáng kiến của họ.
|
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải. |
TS vật lý Nguyễn Văn Khải: Nước ngoài họ đã mua thật chưa, mua như thế nào đã có ai thẩm tra không? Thực tế họ vẫn chưa có hành động gì là thực tế hóa việc mua bán đó. Chúng ta hoan nghênh người dân sáng tạo, cải tiến KHCN nhưng thực tế tất cả những sản phẩm mà người dân chế tạo ra kể cả tàu ngầm, máy bay hay những máy móc khác có sự sáng kiến nhưng không phải là sáng chế hay phát minh, mà đó chỉ là những cải tiến từ các máy móc của nước ngoài. Chúng ta bắt chước người ta nhưng chất lượng kém hơn nên khả năng áp dụng vào thực tế cũng thấp hơn. Còn để có sản phẩm có tầm cao do mình phát minh thì không thể có được. Suốt từ những năm 90 đến nay, tôi đã đi nhiều nơi để xem sáng kiến của người dân, nhưng không có một sản phẩm nào do người dân tự phát minh ra. Ngay cả tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình có hệ thống công nghệ AIP mà nhiều nước trên thế giới không có. Ngay cả tàu ngầm Triều Tiên bán cho Việt Nam cũng không có công nghệ này. Nhưng công nghệ AIP cũng không phải do ông Hòa sáng chế, bản thân ông Hòa cũng thừa nhận công nghệ này là của nước ngoài.
- Có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng như Bộ KHCN, Sở KHCN thường bỏ quên những sáng kiến của người dân trong lĩnh vực KHCN, ông đánh giá thế nào về việc này?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú: Thực tế chứng minh, muốn đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải nghiên cứu khoa học. Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có quỹ nghiên cứu phát triển KHCN nhưng ở nước ta, các cơ quan liên quan lại bắt bẻ, gây khó khăn cho những người sáng chế, sáng tạo KHKT là một sai lầm về KHCN. Hiện nay, chúng ta có đến hàng nghìn tiến sĩ khoa học công nghệ nhưng thực tế số sản phẩm sáng tạo của họ rất ít. Chưa nói đến vấn đề trong số họ có cả những tiến sĩ rởm.
Nguyên nhân chính theo tôi là xuất phát từ thể chế về KHKT rối, nhũng nhiễu và tiêu cực. Đánh giá người tài không đúng, coi nhẹ trí tuệ nhân dân lao động. Trong khi đó, nhiều đề tài khoa học được quan tâm lại không hiệu quả dẫn đến lãng phí.
TS vật lý Nguyễn Văn Khải: Tôi phản đối những ý kiến cho rằng, bộ, ngành hay các cơ quan chức năng không quan tâm đến các sáng chế của người dân. Trên thực tế chúng ta rất quan tâm đầu tư phát triển KHCN, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc thi về lĩnh vực KHCN tìm kiếm tài năng sáng tạo nhưng chúng ta không có sản phẩm nào cả, hoặc có nhưng chất lượng rất thấp. Cả nước rất ít đề tài về lĩnh vực khoa học sáng tạo, ngay cả tạp chí về lĩnh vực này cũng rất ít. Khi có sáng kiến nào của người dân, Bộ KHCN luôn quan tâm, tìm hiểu chứ không thờ ơ. Ví dụ khi biết lò đốt rác của ông Bùi Khắc Kiên ở Thái Bình, Bộ KHCN, Sở KHCN đã mời tôi về giúp, nhưng khi về tận nơi tôi phát hiện lò đốt rác không như ông Kiên nói.
Trân trọng cảm ơn Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải về cuộc trò chuyện này!
Hải Ninh