“Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa” - đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Đại biểu HĐND TP HCM nêu ra tại phiên thảo luận về chống ngập tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khóa IX, chiều 12/7 khiến hội trường xôn xao.
Dù Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng không đả động gì đến sáng kiến này tuy nhiên, trong thời đại mạng xã hội bao phủ rộng khắp, ngay khi báo chí đăng tải, dư luận đã có nhiều ý kiến, trong đó hầu như không có ý kiến nào ủng hộ đề xuất của Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân mà đều phản ứng, thậm chí chỉ trích khá gay gắt vì cho rằng không khả thi.
Sau đó, trao đổi với báo chí,Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân lý giải đề xuất lu nước chống ngập không phải bà tự suy diễn ra mà đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra. Theo đó, JICA cho rằng, nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình trong điều kiện của mình xây 1 bể chứa nước 1m3 thì không những góp phần chống ngập mà còn giúp tiết kiệm nước sạch để dùng tưới cây rửa xe... thay nước máy. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác cũng dùng giải pháp này để chống ngâp.
|
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân. |
Tuy nhiên, lời giải thích của bà đại biểu cũng chưa làm nguôi ngoai dư luận. Gỉa như đề xuất được triển khai, mỗi nhà một cái lu, thì cả thành phố đông dân nhất nước này sẽ có khoảng 2 triệu cái lu, mỗi nhà một bể nước thì thành phố cũng có đến gần 2 triệu bể nước. Gần 2 triệu cái lu đặt ở đâu? 2 triệu bể nước đặt ở đâu khi mỗi tấc đất thành phố đều được ví như vàng. Chưa kể đến tại các chung cư cao tầng, các hộ dân để lu ở đâu, xây bể nước ở đâu để chứa nước mưa chống ngập úng?
Một thành phố "triệu lu" ấy có hẳn sẽ giải quyết được bài toán ngập lụt khi thành phố vốn không cần mưa cũng đã ngập vì triều cường, thủy triều xâm nhập qua hệ thông sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông.
Hàng triệu cái lu có thể chống được úng ngập hay không khi vấn đề sụt lún nền đô thị dẫn đến cốt nền xây dựng đô thị thấp, khi có triều cường nên không thể tiêu thoát tự nhiên ra ngoài? Khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước? Và có thể chống ngập hay không khi người dân vẫn thản nhiên lấn chiếm, san lấp, xả rác ra kênh rạch, cửa xả khiến dòng chảy bị thu hẹp tắc nghẽn hệ thống thoát nước, hố ga?
Với những trận mưa lớn, mỗi nhà một cái lu hay mỗi nhà chục lu thậm chí trăm lu có đủ hứng lượng nước khổng lồ? Nếu ai từng sống ở nông thôn, với căn nhà cấp 4, thậm chí nhà tầng thường hay dùng những vật dụng như thau chậu để hứng nước mưa, nhưng đa số chỉ để trữ một lượng nước nhỏ để sử dụng sinh hoạt gia đình chứ lu nước mà để chống ngập úng cho cả một thành phố rộng lớn thì đó có lẽ chỉ có trong phim giả tưởng.
Dù chỉ là giả tưởng thôi cũng có thể dễ dàng nhận thấy, đề xuất trên không khả thi, bởi thực tế, ngập lụt tại TP HCM vẫn là một thực trạng nhức nhối, là bài toán nan giải khi những giải pháp đưa ra, thậm chí đã và đang triển khai chưa phát huy được hiệu quả. Ngập úng vẫn là nỗi ám ảnh của người dân TP HCM khi không chỉ tác động lớn đến đời sống người dân mà còn gây thiệt hại về kinh tế.
Nỗi ám ảnh này đã kéo dài hơn 10 năm qua với nhiều đề xuất được đưa ra, nhiều biện pháp được nghiên cứu triển khai thậm chí có những dự án được đề xuất lên đến vài trăm tỷ đồng như tổ hợp 7 hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave hay lên đến 10.000 tỷ đồng như dự án chống ngập có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu đang được gấp rút hoàn thành. Tuy nhiên, hiện tại, công cuộc chống ngập đến kinh niên của thành phố lớn nhất nước vẫn loay hoay dù nhiều ý tưởng, đề xuất, sáng kiến đã được đưa ra và thực hiện.
Ai cũng biết là một công dân của thành phố “chịu ngập quanh năm” đều đã phải trải qua sự khổ sở do ngập úng và những ai có trách nhiệm đều có thể đưa ra những đề xuất, ý tưởng và đại biểu HĐND Phan Thị Hồng Xuân cũng vậy.
Việc tiến sĩ Hồng Xuân đưa ra những đề xuất rất đáng được hoan nghênh bởi cho thấy bà là người có trách nhiệm với cử tri, người dân Thành phố, cùng góp ý kiến để mong muốn cải thiện được vấn nạn ngập lụt, vốn là nỗi thống khổ của người dân thành phố suốt hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, giá như trước khi đưa ra đề xuất, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân cần nghiên cứu kỹ tính khả thi của đề xuất, đơn cử như việc tiến sĩ mua một cái lu về để tại tầng thượng hay trước cửa nhà xem tính hiệu quả có cao không và cân nhắc đưa ra đề xuất thì có lẽ sẽ không bị cả hội trường xôn xao, lãnh đạo thờ ơ và dư luận phản ứng dữ dội đến vậy.
Thực tế không chỉ đại biểu HĐND Phan Thị Hồng Xuân ngay khi đưa ra đề xuất đã bị phản ứng mà trong suốt thời gian qua, những ý tưởng, đề xuất từ những cá nhân đến các bộ ngành không trở thành thực tiễn, khó khả thi, bị dư luận phản ứng nhiều vô kể. Đáng buồn trong số những đề xuất không khả thi ấy lại được đưa ra trong những cuộc họp quan trọng bàn về những vấn đề quan trọng của địa phương, thậm chí của quốc gia.
Những đề xuất như “ngoài hành tinh” ấy đều bị dư luận phản ứng, các cơ quan chức năng sau khi nghiên cứu bác bỏ tưởng rằng sẽ không xuất hiện thêm nữa khi các đại biểu dân cử, đại diện ban ngành, tỉnh thành đã có những kinh nghiệm để đưa ra những đề xuất thiết thực hơn nữa. Tiếc rằng, vẫn còn đề xuất cái lu hứng nước mưa chống ngập úng được đưa ra khiến người dân thêm hụt hẫng sau hơn 10 năm đằng đẵng đợi chờ những giải pháp thiết thực, hiệu quả được đưa ra và triển khai.
Cái lu theo đề xuất chống ngập của Đại biểu “Tiến sĩ” có thể sẽ không được lắng nghe, nghiên cứu để triển khai trong thực tế nhưng từ chuyện cái lu cũng là cơ hội để các cơ quan nhà nước có giải pháp mạnh mẽ và thiết thực hơn để giải quyết những bức xúc của người dân một cách ráo riết, và cũng để bớt đi những đề xuất kiểu “trên trời”như thế.
Thiên Nga