Tại Thừa Thiên Huế, bão số 8 gây mưa rất to trên toàn tỉnh, làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở trên Quốc lộ 49. Cùng với việc khẩn trương kêu gọi tàu tìm nơi tránh trú bão số 8, Thừa Thiên Huế cũng chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở núi do mưa to. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã điều động hàng trăm chiến sĩ xuống các địa bàn xung yếu giúp dân chằng chống nhà cửa, sử dụng ca nô tổ chức hướng dẫn các phương tiện vào khu vực neo đậu an toàn, đồng thời không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt.
Các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã sẵn sàng các phương án sơ tán dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm vùng sạt lở ven biển.
|
Các địa phương ở miền Trung đang cấp tập triển khai công tác phòng chống bão. Ảnh: Báo Đà Nẵng. |
Những ngày qua, do mưa to và sóng lớn, khu vực bờ biển Hải Dương, thị xã Hương Trà, đang sạt lở 150 m đe dọa hàng chục hộ dân, chính quyền địa phương và nhân dân tích cực kè bao cát, chống sạt lở.
Tại Quảng Nam, mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến giao thông về các huyện miền núi. Ngành giao thông tỉnh này tổ chức lực lượng, phương tiện túc trực để kịp thời giải tỏa các điểm sạt lở gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ông Trương Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & đào tạo Quảng Nam cho biết, từ chiều nay đến hết ngày 19/9, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh này sẽ nghỉ học.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam đã lập Sở chỉ huy tiền phương tại các huyện Đại Lộc và Núi Thành, liên hệ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Dự báo bão số 8 sẽ đổ bộ vào Quảng Nam từ trưa 19/9. Chính quyền Quảng Nam lo ngại, nếu lũ báo động 2 mà lúc đó thủy điện A Vương xả lũ với mức 3.000-4.000 m3/s, chắc chắn sẽ lụt lớn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và của như năm 2009. Hiện giờ thủy điện A Vương đón nước với lưu lượng 1.052 m3/s, không vận hành phát điện.
Từ ngày mai (19/9), tất cả các tuyến đò ngang tại Quảng Nam sẽ bị cấm hoạt động.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, sáng 18/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tổ chức họp khẩn để triển khai các biện pháp đối phó với bão số 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên trong ngày 18 và 19/9, tại tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to, với lượng mưa trên 150 mm. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, trên các vùng biển hiện còn khoảng 773 phương tiện với trên 7.000 lao động. Trong đó, có tàu cá của ông Nguyễn Chí Thạnh, huyện Lý Sơn có 15 lao động, đang ở khu vực vùng biển Hoàng Sa vẫn chưa liên lạc được. Các Đài canh của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và huyện Lý Sơn đang tìm mọi cách để liên lạc với chủ phương tiện nhằm hướng dẫn tránh, trú bão an toàn.
Ông Dương Văn Tô, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi yêu cầu huyện Bình Sơn cần có kế hoạch để ứng phó tình trạng sạt lở đối với công trình kè An Cường, xã Bình Hải. Triển khai ngay phương án di dời dân tại xóm 1, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, với các huyện đồng bằng phải có phương án sơ tán các hộ dân vùng xung yếu. Ông Tô cũng yêu cầu triển khai các phương án ứng phó sự cố vỡ hồ, đập, nhất là các hồ chứa hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Còn tại Bình Định, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bình Định đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng các huyện, thành phố theo dõi sát phòng chống, đối phó cơn bão số 8.
Theo đó, Ban Quản lý các hồ, đập thường xuyên trực bão 24/24 các công trình theo đúng quy định. Hiện tất cả tàu cá Bình Định hoạt động trên biển đều đã nhận được tin về cơn bão số 8 và di chuyển ra khỏi vị trí tâm bão và thường xuyên giữ liên lạc với gia đình.
Các địa phương chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ đã vàng chín trên đồng, tránh tình trạng ngã đổ và ngập úng. Kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, giằng néo ghe thuyền cẩn thận tránh va đập; kêu gọi người dân giằng néo nhà cửa an toàn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 8 gây ra.