Quảng Ninh: Tập trung cao độ phòng chống bão
Để tiếp tục thực hiện các phương án phòng chống bão, sáng nay 3/8, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã họp khẩn với một số đơn vị để triển khai chống bão.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương Vân Đồn, Hạ Long, Cô Tô, Tiên Yên, Cẩm Phả rà soát triệt để, không để người dân còn ở lại trên lồng bè nuôi trổng thủy sản và các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc kiểm tra công tác phòng chống bão số 5. Ảnh: Báo Quảng Ninh
|
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã tiếp tục kiểm tra các công trình trọng điểm đang được triển khai thi công, các điểm neo đậu trú bão của các tàu thuyền trên địa bàn thành phố Hạ Long và các khu vực nuôi trồng thủy sản của thành phố Cẩm Phả.
Hải Phòng: Không chủ quan trong công tác phòng, chống bão
Tại Hải Phòng, ngày 2/8, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền yêu cầu lãnh đạo các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy tập trung cao, không được chủ quan trong công tác phòng, chống bão số 5, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các xã, thị trấn nếu để xảy ra thiệt hại về người.
Quản lý chặt số tàu thuyền neo đậu tại bến, không cho ra khơi, ra lệnh cấm biển từ tối ngày 2/8; bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Huyện Thủy Nguyên có gần 1500 tàu, thuyền với khoảng 4.400 lao động. Cuối ngày 2/8, có 1.289 phương tiện về neo đậu tại bến Mắt Rồng, bến cống Cả; cống Đông Xuân....số còn lại đã về bến neo đậu tại các địa phương Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn, Cát Bà...
Đồng thời, huyện lên phương án di dân các xã có dân ven đê (Lập Lễ, Phả Lễ, Thủy Triều, An Lư...) với tổng số 666 hộ, hơn 2700 nhân khẩu đến nơi an toàn; chỉ đạo di dời các phương tiện khai thác đất đá, đề phòng sạt lở núi. Huyện thành lập các tiểu ban phòng chống bão số 5, tổ chức lực lượng xung kích hộ đê, lực lượng tìm kiếm cứu nạn và chuẩn bị vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng đề phòng khi có tình huống xấu nhất xảy ra.
|
Bộ đội biên phòng trạm Bạch Đằng bố trí nơi neo đậu cho các tàu thuyền vào bến cá Mắt Rồng. Ảnh: Báo Hải Phòng |
Huyện Kiến Thụy có tổng số tàu cá 232 chiếc, trong đó 38 chiếc vươn khơi, đến cuối ngày 2/8, tất cả các tàu đã vào tránh bão an toàn tại bến Quan Chánh và khu vực cống Cổ Tiểu.
Đối với các hộ nuôi ngao (65 lao động) tại bãi ngoài xã Đại Hợp, đã được thông bão yêu cầu vào bờ tránh bão trước 17 giờ cùng ngày. Huyện chỉ đạo các xã ven sông, biển sẵn sàng phương án sơ tán 50 hộ đang sản xuất tại khu vực ngoài đê quốc gia; không để thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản do bão gây ra.
Các quận Hải An, Ngô Quyền, Hồng Bàng… cũng đang tập trung cao độ trong công tác phòng chống cơn bão số 5.
Thái Bình: Ảnh hưởng bão sớm hơn dự báo
Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão sớm hơn dự báo, từ sớm ngày 3/8, vùng ven biển có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng tâm bão gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ ngày 3/8 có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông. Bão vào đất liền lúc triều cường, nước sông cao vùng ven biển đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành: Tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn, hoàn thành trước 19h ngày 2/8/2013; thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện về Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
Nam Định chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5
Hôm nay (3/8), tại Nam Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 – 200mm, vùng ven biển gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; trong đất liền mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 1 – 3m.
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng kiểm tra trọng điểm kè 16 trên tuyến đê tả sông Đáy thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: Báo Nam Định |
Ngay trong ngày 2/8, tất cả các thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nam Định được chỉ đạo phải xuống các địa bàn được phân công phụ trách để cùng với các huyện chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5; đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân.
Hà Nội: Họp khẩn chỉ đạo phòng chống bão số 5
Chiều 2/8, UBND TP Hà Nội họp khẩn bàn biện pháp phòng chống cơn bão số 5. Cuộc họp đã đưa ra 12 tình huống, gồm ngập úng nội, ngoại thành với khoảng 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng; tình huống vỡ đê hữu Hồng, tả Hồng từng khu vực, vỡ đê khu vực ngoại thành như tả Bùi, tả Tích, hữu Cầu, Mỹ Hà... để các đơn vị liên quan có phương án xử lý.
Theo Sở Công thương, hiện 4 doanh nghiệp lớn của Hà Nội đã dự trữ khối lượng hàng hóa trị giá 96 tỷ đồng để cứu trợ dân khi có mưa lũ, gồm hơn 6 triệu gói mì ăn liền, 3,6 triệu lít nước đóng chai, 253.000 cây nến, 1,8 triệu hộp thực phẩm chế biến, 105 tấn gạo...
Chỉ đạo công tác ứng phó và cứu trợ khi mưa bão, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh công tác chống lụt bão phải khẩn trương, nghiêm túc, quan trọng nhất là dự trữ đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để bảo đảm cuộc sống người dân; các sở, ngành phải ứng trực 24/24h...
Hôm nay (3/8), Đoàn công tác của thành phố Hà Nội sẽ đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão ở một số khu vực trọng yếu trên địa bàn.
Anh Tuấn