Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 26/5 cho rằng: "Quần đảo “Tây Sa” tức Hoàng Sa của Việt Nam, từ lâu là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc ngay từ thời nhà Hán, thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên "là một điều hết sức vô lý và mơ hồ". Các nhà lịch sử và nghiên cứu Việt Nam và thế giới đều khẳng định, trong suốt 2.000 năm qua toàn bộ các cuốn chính sử của Trung Quốc không có cuốn nào đề cập đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.
Theo nhà sử học Vũ Minh Giang, cuốn sách sớm nhất được các học giả Trung Quốc dẫn ra làm căn cứ về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán, cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Họ cũng tự cho rằng, các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và nhất là từ triều Thanh đến nay, Trung Quốc liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.
|
Trung Quốc đang mơ hồ trong cái gọi là chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. |
Phương pháp diễn giải của các tác giả cuốn sách này là không nói rõ bối cảnh lịch sử, trích dẫn cắt xén tư liệu để người đọc khó hình dung được bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh nguyên tác, rồi giải thích ý nghĩa những đoạn trích ấy theo ý mình.
Tài liệu này được dẫn lại ở rất nhiều nơi, đăng trên cả trang thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc với lập luận hai quần đảo này do người dân Trung Quốc phát hiện và đặt tên sớm nhất (từ thời Đông Hán cách nay khoảng 2.000 năm).
Các nhà lịch sử Việt Nam cho rằng, luận lý của một số học giả Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời nhà Hán cách đây khoảng 2.000 năm và được Trung Quốc thực thi chủ quyền suốt từ đó đến nay được rất ít người quan tâm vì tính chất phi lý, phản khoa học và trên thực tế, Trung Quốc ít khi nói tới nhiều. Bởi trong tất cả các bộ chính sử của Trung Quốc đều không đề cập đến Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Thiếu tướng, Giáo sư Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nói: “Về mặt lịch sử, toàn bộ 24 bộ chính sử, mỗi bộ hàng trăm cuốn. Suốt 2.000 – 3.000 năm không có bộ sử nào nói rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của các nhà nước phong kiến Trung Quốc. 6 bộ liên quan đến Việt Nam trên bộ và 7 bộ có liên quan đến biển Đông không có bộ sử nào nói rằng, các triều đại phong kiến Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa cả”.
Các bản đồ cổ của Việt Nam và tài liệu của phương Tây đều xác nhận về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn trong tất cả các bản đồ cổ do chính người Trung Quốc vẽ đều xác định cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Ngoài Hải Nam, không có bất cứ đảo nào khác ở biển Đông.
"Hơn nữa, cấu trúc địa lý của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước đây vốn là các rạn san hô được nuôi dưỡng bởi tài nguyên của 2 hệ thống sông Hồng và sông Mekong mà nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu. Từ sau thế kỷ 15, 16 mới hình thành và đến thế kỷ 17 Việt Nam đã có tài liệu đầy đủ để nói các triều đại phong kiến Việt Nam không chỉ phát hiện đặt tên mà còn là thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
V.Long (ghi theo VTV)