Lo “thọc gậy bánh xe”
Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa cho biết đã ban hành chủ trương thực hiện việc bố trí cán bộ chủ chốt gồm các chức danh Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng công an, Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND các huyện, thành phố không phải là người địa phương. Ông đánh giá thế nào về cách làm này?
Nhiều nước đã làm điều này rồi. Trong thời phong kiến ở Việt Nam, dù các chức quan chủ chốt không phải là người địa phương, nhưng đâu phải là các địa phương đó không có tình trạng cục bộ. Đối với Quảng Ngãi, tôi nghĩ đây là bước thử nghiệm để tìm ra phương pháp quản lý hành chính hiệu quả.
Lãnh đạo là người địa phương thì dễ cục bộ, điều đó có dễ lý giải?
Một người sinh ra và lớn lên ở địa phương mà làm cán bộ tại địa phương mình, có mấy ưu điểm: Thứ nhất, người ta có hiểu biết sâu về địa phương; thứ hai, họ tâm huyết với địa phương; thứ ba, họ có nhiều quan hệ thân tộc, bạn bè ở địa phương. Do đó, họ có những mối quan hệ chặt chẽ từ xã đến huyện, đến tỉnh, thậm chí họ biết từng con người trong từng làng xã. Vì vậy, khi triển khai công việc rất nhanh, rất dễ ủng hộ nhau, dễ “bỏ quá” cho nhau, dễ tin nhau. Khi đã như vậy rồi, công việc rất chạy, nhiều việc khó vẫn giải quyết được.
Thế cái đáng lo là gì thưa ông?
Cái đáng lo và là mặt trái của người địa phương là bản tính cục bộ, chỉ chăm chăm lo cho lợi ích của địa phương mình, không cân đối được lợi ích của toàn xã hội. Chỉ lo cho làng mình, xã mình, bà con mình, gia đình mình, cá nhân mình.
Ông có thể cụ thể hơn?
Những người cục bộ địa phương, trong công việc thì chỉ tin tưởng tuyển dụng và sử dụng bạn bè địa phương thân tín, người thân trong gia đình. Nhất là khi hệ thống thể chế còn nhiều cái nhùng nhằng, khi pháp luật chưa nghiêm thì người đứng đầu luôn có rất nhiều việc phải giải quyết bằng “quan hệ”. Do đó, người không tin tưởng thì không thể giao việc được. Mà giao việc, nếu chưa “chí cốt” với nhau, chưa chắc đã làm được. Nếu cố làm được có khi cũng nảy sinh nhiều chuyện. Làm không tốt thì phải chịu trách nhiệm đã đành, làm tốt thậm chí còn bị thọc gậy bánh xe, cản trở. Nên muốn cho mọi việc êm thấm thì chọn những người thân tín.
|
GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Nhiều nơi nhức nhối
Ông đánh giá thế nào về tình trạng cục bộ ở một số nơi hiện nay?
Tình trạng cục bộ ở các địa phương hiện nay là khá trầm trọng, nhức nhối. Nó còn liên quan đến hệ thống luật pháp về bộ máy hành chính nhà nước, hệ thống vị trí việc làm, đạo đức công vụ...
Những cái này nói mãi rồi thưa ông?
Chúng ta đều nói, đều nghĩ đến những cái đó, nhưng làm thì chưa tới. Cải cách hành chính đã hơn 10 năm mà kết quả chưa được bao nhiêu so với yêu cầu đặt ra. Mà hệ thống công chức, công vụ có nhiều vấn đề chứ không chỉ là cục bộ bản vị.
Vậy phải làm sao đây?
Phải cải cách hành chính triệt để, đặc biệt là xây dựng cho được hệ thống vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí và đạo đức công vụ trong sạch, minh bạch. Còn chỉ thuần túy là thay người địa phương này bằng người địa phương khác dù là một sáng kiến, một biện pháp tốt cũng không giải quyết được gốc của vấn đề.
Rõ ràng ý tưởng này là hay?
Có nhiều việc ta thấy “hay” là làm mà không tính đến cái “dở” của nó nên khi làm một hồi rồi lại bỏ. Tôi xin nói rằng, việc kéo bè kéo cánh, không chỉ xảy ra giữa những người cùng một địa phương, mà chủ yếu nó xảy ra giữa những người có cùng lợi ích. Ta hay nói “lợi ích nhóm”. Cho nên, khi hệ thống thể chế, pháp luật không tốt, thì dù là người địa phương khác chuyển đến, họ vẫn kéo bè kéo cánh, vẫn cục bộ được.
Hình như câu chuyện về tuyển dụng cán bộ cũng nằm trong chủ đề này. Nếu tuyển dụng tốt thì sẽ ít tham nhũng hay cục bộ?
Hệ thống của ta hiện nay nhiều cái chưa rõ. Công việc chưa rõ, cần năng lực gì chưa rõ, cần người nào chưa rõ. Nhiều khi tuyển được người đáp ứng dược khung năng lực rồi, học các trường danh tiếng nước ngoài về hẳn hoi, nhưng không biết giao việc gì, đánh giá ra sao... Cuối cùng, không phát huy được tác dụng, người ta chán, người ta bỏ đi. Không ít công chức chỉ làm đều đều, làm cho hoàn thành nhiệm vụ được “phân công” mà không có trách nhiệm hay không cố gắng phấn đấu, không có môi trường thể hiện năng lực của họ.
Việc này có mối liên hệ gì với bố trí lãnh đạo là người ngoài địa phương?
Bố trí cán bộ địa phương khác làm lãnh đạo cũng thế, nếu không cẩn thận thì cũng sẽ lại như hòn đá ném xuống mặt hồ. Một chút sóng gợn lên, rồi mặt hồ lại phẳng lặng.
Không cục bộ thì lợi ích nhóm
Liệu tình trạng cục bộ có được triệt tiêu khi sử dụng cán bộ lãnh đạo ngoài địa phương?
Nó có thể “làm khó” hơn cho những tư tưởng cục bộ ít nhiều thôi, nếu không có những giải pháp đồng bộ khác đi kèm. Trong một hệ thống công vụ mà công tác phòng chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả thì việc bố trí người địa phương khác cũng khó giải quyết lắm. Quan liêu tham nhũng là một hệ thống có mối quan hệ gắn bó với nhau. Không chỉ trong mà còn ngoài địa phương, từ cơ sở tới trung ương, nó gắn kết với nhau che chắn bảo vệ nhau. Không đơn giản là điều người huyện nay sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác là có thể phá vỡ được liên kết đó.
Ta đã có luật đầy đủ, sao lại khó ạ?
Trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta, hiện chúng ta có khá đầy đủ luật pháp và công cụ, cũng như quyết tâm chính trị. Vấn đề là làm thế nào để thực hiện được pháp luật. Vì ngoài luật còn có lệ, có phong tục tập quán, còn văn hóa... Nhiều khi, những cái này nó vô hiệu hóa luật, bóp méo luật. Không đơn giản, cứ có luật sẽ không tham nhũng nữa hoặc hạn chế tham nhũng.
Nói vậy thì những địa phương đang thực hiện bố trí cán bộ không phải người địa phương, cũng chưa chắc là ở đó không có cục bộ?
Tôi ví dụ Hà Nội và TPHCM cán bộ chủ chốt cấp thành phố và các cấp khác nữa chắc gì đã phải là người của địa phương. Nhưng như thế, cũng không thể khẳng định các địa phương đó là trong sạch, là không có tham nhũng, không có hiện tượng cục bộ.
Tất nhiên thế, và hẳn là nếu không có hệ thống quản trị tốt, phù hợp thì không tiêu cực này sẽ có tiêu cực khác?
Đúng, trong bối cảnh không có hệ thống quản trị tốt, thì không có kiểu cục bộ địa phương thì có thể có kiểu cục bộ khác như cục bộ theo “nhóm lợi ích”.
Xin cảm ơn ông!
Chủ trương đó là một biện pháp tốt nhưng phải cân nhắc, tính toán kỹ, tùy điều kiện cụ thể, tính toán hơn thiệt. Không nên coi chủ trương này tự động trở thành một giải pháp tốt, rồi cứ thế áp dụng. Nếu thế thì nó đơn giản quá. Phải tính các hệ lụy của nó. Đó là các chính sách đi theo đối với việc bố trí cán bộ chủ chốt ngoài địa phương. Từ đi lại, ổn định đời sống, gia đình… Mà những thứ này ta chưa nghĩ tới, chưa làm, chưa có.
Tô Hội (Thực hiện)