Liên quan bé trai 1 tuổi Nguyễn Việt Lâm tử vong sau điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngọc, PV Kiến Thức đã tìm gặp bố mẹ cháu là anh Nguyễn Việt Hùng và chị Trương Linh Trang ở số nhà 18/174, phố Mai Anh Tuấn, quận Đống Đa, Hà Nội.
|
Bệnh viện Hồng Ngọc, nơi từng điều trị cho cháu Nguyễn Việt Lâm.
|
Con chết... Bệnh viện Hồng Ngọc thỏa thuận tiền
Anh Nguyễn Việt Hùng chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con, kể: “Khi con trai tôi quá nguy kịch, gia đình yêu cầu chuyển viện sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, tôi vẫn nhớ các bác sỹ có hỏi cháu đang điều trị trong tình trạng như thế nào và dùng thuốc gì thì bác sỹ Bệnh viện Hồng Ngọc đưa cháu sang không trả lời được...".
Theo anh Hùng, bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đã chẩn đoán hoàn toàn khác với bác sỹ Bệnh viện Hồng Ngọc. Các bác sỹ rất tận tình cứu chữa nhưng bé Lâm đã tử vong sau khoảng 13 tiếng chuyển viện.
"Con tôi mất do sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, chuyên môn kém, khám chữa bệnh chưa toàn diện, đánh giá chưa sát, xác định tiên lượng bệnh nhân chưa chính xác, chuyển viện không kịp thời, chủ quan, không nghiêm túc trong thực hiện quy chế chuyên môn, nhất là quy chế hội chẩn, kỹ năng tham vấn bệnh cho trẻ em hạn chế của Bệnh viện Hồng Ngọc”, anh Hùng bức xúc nói.
|
Đơn khiếu nại Bệnh viện Hồng Ngọc của gia đình anh Hùng gửi Báo Kiến Thức.
|
Bố cháu Lâm cho biết: “Sau khi con trai tôi tử vong, Bệnh viện Hồng Ngọc không có bất cứ động thái nào chia buồn cùng gia đình. Họ chỉ đến khi gia đình có đơn khiếu nại. Gia đình đã viết đơn đề nghị Bệnh viện Hồng Ngọc trả lời rõ về cái chết của con tôi. Bệnh viện có văn bản trả lời, nhưng lại ghi sai tên của người làm đơn là mẹ cháu; chưa kể, trong cùng 1 văn bản trả lời mà có nhiều sai sót, kể cả giờ cháu mất cũng không trùng khớp. Điều này thể hiện rõ sự cầu thả, thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng của cả tập thế BV Hồng Ngọc".
Cũng theo anh Hùng, Bệnh viện Hồng Ngọc đã và ngày càng xát muối vào nỗi đau mất con của gia đình khi gọi điện thỏa thuận việc cháu Lâm tử vong bằng tiền. "Khi nghe đại diện Bệnh viện Hồng Ngọc thỏa thuận tiền, tôi quá xót xa và tắt máy luôn. Tôi không chấp nhận được cách hành xử như vậy", anh Hùng nhấn mạnh. Tuy nhiên đây là thông tin từ phía gia đình, hiện phía bệnh viện Hồng Ngọc vẫn chưa lên tiếng xác nhận có thỏa thuận chuyện tiền bạc về cái chết của bé Lâm hay không.
Một cái chết hai kết luận nguyên nhân?!
"Sau khi con tôi tử vong, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận: Nguyên nhân tử vong là do viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng và sốc nhiễm trùng”, anh Hùng nói.
|
Báo cáo gửi gia đình nạn nhân của BV Hồng Ngọc liên tục sai, phải làm 2 lần cùng một nội dung.
|
Tuy nhiên, trong báo cáo trả lời gia đình anh Hùng BV Hồng Ngọc lại cho rằng, cái chết của cháu Nguyễn Việt Lâm là: “Dựa trên hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Hồng Ngọc và đánh giá triệu chứng lâm sàng của các bác sĩ trực trong các ngày trực với khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hồng Ngọc hướng tới nguyên nhân tử vong của cháu Lâm là do sốt phát ban biến chứng viêm cơ tim thể tối cấp, sốc không hồi phục, suy đa phủ tạng trên trẻ có test nhanh cúm A ngày thứ 11”.
Vậy, câu hỏi đang được dư luận đặt ra là tại sao "một cái chết của bé Lâm mà tới hai kết luận"? Bệnh viện Hồng Ngọc sẽ chịu trách nhiệm thế nào về cái chết của bé trai 1 tuổi này?
Giám đốc Bệnh viện Hồng Ngọc: Bé Lâm chết do Bệnh viện tiên lượng dè dặt!
Trong báo cáo của Bệnh viện Hồng Ngọc do ông Cao Độc Lập, Giám đốc ký trả lời gia đình anh Hùng có nêu rõ: Cháu Nguyễn Việt Lâm trong năm 2014 nhiều lần vào nằm viện điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tại khoa Nhi, có lần cháu bị nặng nhưng đã được điều trị ổn định.
Từ ngày 11/2/2015, cháu vào viện điều trị với chẩn đoán viêm long đường hô hấp trên, viêm phế quản phổi, test nhanh cúm A dương tính. Trong 4 ngày điều trị kháng sinh bằng đường tĩnh mạch và thuốc điều trị triệu chứng phối hợp, cháu đã hết sốt 2,5 ngày, ăn uống được, chơi ngoan, tình trạng viêm phế quản phổi ổn định nên gia đình đã xin cho cháu ra viện điều trị ngoại trú vào ngày 14/2/2015.
Sau khi ra viện được 1 ngày, cháu lại có biểu hiện bệnh tái phát với triệu chứng ho, sốt nhẹ 1/2 ngày. Một ngày sau, cháu nhập viện điều trị nội trú với chẩn đoán viêm long đường hô hấp trên, cúm A ngày thứ 4. Sau khi khám, điều trị, theo dõi diễn biến bệnh tiến triển ngừng sốt. Sau 3 ngày điều trị, không thấy biểu hiện nhiễm khuẩn trên lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Chính vì vậy, ngày 18/2/2015, gia đình xin ra viện và được bác sĩ trực chấp nhận.
Tuy nhiên, đến sáng 19/2/2015, cháu lại sốt cao trở lại, phát ban trên da, cháu nhập viện với chẩn đoán viêm mũi họng cấp, sốt phát ban. Trong đợt điều trị này, cháu sốt cao liên tục, nhất là vào ngày 21/2, chưa có biểu hiện triệu chứng viêm phổi trên lâm sang. Nhưng đến ngày 22/2, cháu có biểu hiện lâm sàng nặng lên như thở nhanh, nhịp tim nhanh, mạch quay rõ, bụng chướng, gan to, phù chi...
Theo đề nghị của gia đình, kíp trực đã chuyển cháu vào Bệnh viện Nhi trung ương. Cháu được tiếp nhận vào khoa cấp cứu lúc 14h ngày 22/2. Sau 7h nằm lưu tại khoa cấp cứu, cháu có biểu hiện nặng dần lên và được chuyển sang khoa điều trị tích cực. Vào hồi 21h cùng ngày, cháu được hồi sức cấp cứu tích cực nhưng không qua khỏi và cháu đã tử vong với chẩn đoán suy đa tạng, sốc nhiễm trùng sau 13 giờ chuyển viện. Bệnh viện Hồng Ngọc cũng thừa nhận, đây là trường hợp bệnh nặng, tiến triển bệnh rất nhanh, tiên lượng dè dặt.
BV cũng thấy cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại cần phải thực sự lưu ý trong quá trình điều trị bệnh nhân như: Khám chưa thực sự toàn diện; đánh giá, theo dõi bệnh nhân chưa sát; xác định tiên lượng bệnh nhân thiếu chính xác; chuyển viện chưa kịp thời, còn chủ quan, thiếu nghiêm túc trong thực hiện quy chế chuyên môn, nhất là quy chế hội chẩn; kỹ năng tham vấn bệnh tật trẻ em còn hạn chế.
Tiến Dũng