Bảo mẫu và “quan phụ mẫu“: Ai bạo lực hơn ai?

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày qua, dư luận như “sôi” lên khi liên tục chứng kiến những vụ bạo lực ở hai đối tượng đều có một chung một chữ “mẫu” là bảo mẫu và quan phụ mẫu. 

Hồi tháng 9/2013, nhân vụ ẩu đả giữa tài xế xe tải và tài xế taxi trên đường Hồng Hà, đoạn ngay trước sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trong một bài viết, đã nêu câu hỏi thu hút sự chú ý của dư luận: “Có thật người Việt hung hãn không?”.
Vấn đề mà ông Phạm Xuân Nguyên đặt ra khiến chúng ta phải suy ngẫm. Ứng xử bằng bạo lực dường như đang trở nên phổ biến, đôi khi đơn giản chỉ là một câu văng tục hay một cú rú ga nẹt pô xe máy khiến cho ai nấy giật mình. Người ta sẵn sàng lăn xả vào nhau chỉ vì một câu nói, một cái nhìn không vừa ý nhưng cũng có khi bạo lực nảy sinh mà không vì một cái gì cả.
Chỉ vì trẻ không chịu ăn, bảo mẫu Thiên Lý đã dùng tay ấn, nhận đầu trẻ để đe dọa. 
Tại sao con người lại ứng xử thô bạo như vậy giữa cái thời được cho là văn minh, tiến bộ nhất của nhân loại ? Phải chăng, văn hóa ứng xử trọng tình truyền thống của người Việt không còn thích hợp với cuộc sống hiện đại ?
Tôi muốn tìm cho mình một sự lí giải nhưng thật không dễ. Khi tôi đang viết những dòng này thì trên mặt báo đã nhan nhản tin bảo vệ trụ sở tòa án nọ vừa hành hung nhà báo đến tác nghiệp. Bạo lực vẫn quay cuồng trong vòng xoáy của nó, không từ một đối tượng nào trong xã hội.
Nơi tưởng như yên bình nhất, thân thiện nhất là trường học mà bạo lực vẫn tìm mọi cách len chân vào, thậm chí còn đang có xu hướng gia tăng. Bất ngờ nhất là ngay cả học sinh nữ, đối tượng được cho là chân yếu tay mềm, cũng sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mỗi khi muốn “nói chuyện” với bạn.
Trong gia đình, bạo lực đang làm đảo lộn những giá trị đạo đức của ông cha, một khi vợ chồng không còn đầu gối tay ấp và con cháu đánh mất chữ “hiếu” đối với đấng sinh thành.
Và những ngày qua, dư luận như “sôi” lên khi liên tục chứng kiến những vụ bạo lực gây chấn động xã hội ở hai đối tượng đều có một chung một chữ “mẫu” là bảo mẫu và quan phụ mẫu (theo cách gọi ngày xưa của ông cha ta). Hành động bạo lực của họ bị phanh phui gần đây đã làm hoen ố những danh xưng đẹp đẽ ấy.
Bảo mẫu hay “ác mẫu”?
Gây chấn động dư luận thời gian gần đây là vụ hành hạ trẻ mầm non của hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý ở trường mầm non Phương Anh - Thủ Đức.
Xem clip mà báo chí đăng tải, người vô cảm nhất cũng không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước hành động tàn nhẫn của những người mang danh bảo mẫu nhưng lại đội lốt quỷ dữ kia. Được biết Lê Thị Đông Phương (sinh năm 1982) đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Mầm non, Nguyễn Lê Thiên Lý thì còn rất trẻ (sinh năm 1994). Có ai ngờ những người phụ nữ này lại hành xử độc ác như vậy đối với những bé đáng tuổi con, tuổi cháu mình ?
Một tháng trước, cũng tại Thủ Đức, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995) dùng chân đạp lên ngực và bụng cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) làm cháu tử vong do bị bầm tụ máu dưới da, dập phổi, rách túi máu vùng đáy tim, rách gan…
Bảo mẫu này theo hàng xóm cho biết vốn hiền lành vui vẻ, còn được gọi là “bảo mẫu Tiên”. Chẳng hiểu phép mầu nào đã biến “nàng tiên” của các cháu thành ra dữ dằn đến thế ?
Ngược dòng thời gian, tháng 11/2007 dư luận phẫn uất với hành vi bạo hành trẻ em của bảo mẫu Lê Thị Lê Vy (SN 1977, tại Bình Thuận) khi cô này thản nhiên hành hạ dẫn đến cái chết thương tâm của cháu Đỗ Ngọc Bảo Trân (18 tháng tuổi) tại trường mầm non tư thục Thiên Thơ (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).
Đầu năm 2008, dư luận cũng một phen phẫn nộ khi xem đoạn clip ghi lại cảnh ngược đãi trẻ em của bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Trong đoạn clip này, bà Hoa cũng chẳng khác gì các bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý, hành hạ, gây thương tích cho hai trẻ chỉ mới từ 15 tháng đến 2 tuổi.
Quan phụ mẫu hay “quan thú”?
Dư luận chưa nguôi vụ 6 cán bộ trật tự đô thị và 3 bảo vệ dân phố ở phường 25 quận Bình Thạnh đánh hội đồng, dí roi điện, còng tay người bán hàng rong thì ngày 16/12/2013, một vị quan chức khác, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, cầm cây đánh vào đầu dân là ông Huỳnh Xuân Phước (63 tuổi, ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa), làm nạn nhân bất tỉnh.
 Chánh thanh tra Sở Y tế Kon Tum (mũ đỏ) đã cầm cuốc bổ vào đầu một phụ nữ trong một vụ tranh chấp đất đai. 
Chỉ vì lời qua tiếng lại khi phát dọn cây ven đường làm đường giao thông nông thôn mà ông Bảo đánh mất cái vị thế công bộc của dân để rồi hành động chẳng khác gì một tay “anh chị”.
Hình như ông Bảo học được chiêu của ông Nguyễn Đức Hoàng - Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum. Trong một vụ xô xát giữa người nhà mẹ vợ với hàng xóm, ông Hoàng đã lấy cuốc bổ vào đầu một người phụ nữ làm bà này ngất xỉu ngay tại chỗ, máu me đầy mặt.
Trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo của các ông chẳng biết giỏi giang đến mức nào nhưng trình độ sử dụng gậy gộc của các vị thì… quả là tuyệt chiêu!
Ngày 12/11, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã kí Quyết định kỷ luật giáng cấp đối với 1 trung úy và cảnh cáo đối với 4 cán bộ khác của công an huyện La Pa về hành vi đánh người gây chấn thương sọ não chỉ vì mâu thuẫn với một thanh niên trong lúc đi hát karaoke. Trong một phút bốc đồng, những sĩ quan ấy đã quên đi lời dạy của Cụ Hồ mà tự đánh mất danh dự của chính mình.
Còn rất nhiều những vụ việc tương tự, cho thấy cách hành xử không thể chấp nhận được của một số cán bộ, công chức hiện nay đối với người dân.
Từ những vụ việc đau lòng nói trên, dư luận đã đặt ra nhiều vấn đề bức xúc. Liệu có phải người Việt hung hãn hay chỉ vì áp lực cuộc sống mà nhất thời có những hành động mất nhân tính? Làm thế nào để triệt tiêu bạo lực cho cuộc sống được yên bình hơn? Làm thế nào để con người hành xử với nhau có văn hóa, nhân ái và bao dung, để bảo mẫu xứng đáng là mẹ hiền và quan chức không hổ danh “là công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy?
Nguyễn Duy Xuân