Quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng nồng ấm
Tờ BBC News đưa tin, điều sợ nhất hiện nay của chính quyền Trung Quốc là Việt Nam ngày càng xích gần Mỹ hơn sau vụ Bắc Kinh leo thang hạ đặt giàn khoan Hải Hương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông khiến cho Việt Nam phải xây dựng một chiến lược lâu dài để đối phó với những hành động hiếu chiến tương tự của Bắc Kinh trong tương lai", giáo sư Carl Thayer của ĐH New South Wales (Australia) nhận định.
Theo vị chuyên gia này, một trong những chiến lược khả thi nhất của Việt Nam là gián tiếp phối hợp cùng với Mỹ thông qua hai đồng minh của Washington là Nhật Bản và Philippines để đối phó với Trung Quốc.
Mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược mới này không phải nhằm tới đối đầu Trung Quốc, mà ngăn chặn điều đó bằng cách xây dựng hoàn cảnh buộc Trung Quốc phải quyết định chấp nhận hiện trạng. Chiến lược này của Việt Nam là khiến Trung Quốc nhận ra nước này đang đối mặt với nhiều rủi ro bởi lẽ các lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ sát cánh cùng các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
|
Mỹ và Việt Nam đang tiến lại gần nhau do sự hung hăng của Trung Quốc? |
Ngoài ra, trong một diễn biến tương đồng, ngày 21/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về căng thẳng trên Biển Đông. Ông Minh đã bày tỏ lập trường của Việt Nam và theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, “ông Kerry đề cao việc Việt Nam kiềm chế và có thiện chí sử dụng các biện pháp hòa bình và thông qua các kênh đối thoại”.
Cũng trong cuộc điện đàm với ông Kerry, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời hứa trong tương lai sẽ thúc đẩy mối quan hệ này. Việt Nam cũng vừa tham gia vào Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Điều đó sẽ khiến Mỹ có cơ hội giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực giám sát hàng hải.
Về phía mình, Mỹ thông qua những tuyên bố gần đây cho thấy nước này ủng hộ Việt Nam trên Biển Đông. Khi được hỏi lập trường của Mỹ về căng thẳng Việt – Trung hiện nay, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định rằng: “Những hành động khiêu khích chủ yếu xuất phát từ phía Trung Quốc”.
Trước đó, bà Jen Psaki với tư cách người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động “gây hấn”, “khiêu khích” của Trung Quốc.
Gần đây nhất, Tổng thống Obama đã phát biểu tại Học viện quân sự West Point ở New York: Mỹ sẵn sàng phản ứng với các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và sẽ khiến Bắc Kinh phải có trách nhiệm trước quốc tế.
Mối quan hệ Mỹ - Việt được thắt chặt không chỉ bắt nguồn từ vụ việc giàn khoan trên Biển Đông hiện nay. Ngay từ khi chính quyền Obama bắt đầu chiến lược “Trục châu Á” – hay còn gọi là tái cân bằng ở châu Á, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế then chốt có thể giúp Mỹ hiện thực hóa chiến lược này. Như vậy, mối quan hệ Việt Nam và Mỹ vốn đã ấm dần kể từ sau bình thường hóa quan hệ, càng trở nên gần gũi sau hàng loạt các hành động đơn phương khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc hiếu chiến khiến ASEAN xích lại gần nhau hơn
Điều sợ thứ hai của Trung Quốc là ASEAN xích lại gần nhau, cùng chống lại dã tâm thâu tóm Biển Đông của nước này nói riêng, "cô lập" Bắc Kinh nói chung. Minh chứng là trước hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, lần đầu tiên các ngoại trưởng ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại về các diễn biến ở Biển Đông và kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN.
Đây được coi là một bước tiến lớn của các nước ASEAN vì trước đó, năm 2012, các ngoại trưởng ASEAN đã không thể đưa ra tuyên bố chung về căng thẳng ở Biển Đông khi Campuchia là chủ tịch luân phiên của ASEAN đã bất ngờ từ chối đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc vào tuyên bố chung.
|
Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN là tín hiệu cho thấy các nước ASEAN đang xích lại gần nhau trước mối đe dọa mang tên Trung Quốc. |
Có một số chuyên gia cho rằng, nhiều nước ASEAN không muốn thách thức Trung Quốc vì nước này là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao lại cho rằng, các nước ASEAN đã nhận ra được các hành động khiêu khích của Trung Quốc là “vấn đề chung của ASEAN”, chứ không còn là vấn đề của từng nước với thông báo riêng của các ngoại trưởng.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn phát biểu ở hội thảo "Quan hệ Australia - ASEAN trong sự chuyển đổi của châu Á” ngày 30/5 diễn ra tại Hà Nội cho biết: “ASEAN khác với NATO, cách phản ứng của ASEAN sẽ không ngay lập tức đưa ra những phản ứng cứng rắn, nhưng điều đó không có nghĩa là ASEAN không nhận ra chiến lược từng chiếc đũa của Trung Quốc”.
Trung Quốc đã có hàng loạt hành động khiêu khích với các nước ASEAN kể từ đầu năm 2014 bao gồm: hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam; tuần tra tại Bãi ngầm James của Malaysia hồi đầu năm và nỗ lực ngăn cản Philippines cung cấp hậu cần cho các binh sĩ trên rạn san hô Cỏ Mây (Second Thomas Shoal – theo cách gọi quốc tế) vào tháng 3.
Một điều chắc chắn là hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc xung quanh giàn khoan HD-981 sẽ khiến các nước ASEAN nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc và đưa họ lại gần nhau cũng như hướng tới Nhật Bản và Mỹ, ông Ernest Bower và ông Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington nhận xét.
Leo thang giàn khoan là cơ hội cho kinh tế Việt Nam bứt phá
Nỗi sợ và cũng là sai lầm thứ 3 của Trung Quốc là quan hệ Việt - Trung nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Với hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, một số tờ báo quốc tế cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng hy sinh mối quan hệ với Việt Nam vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhận định này không đúng với Việt Nam. Câu chuyện thực tế là Trung Quốc rất sợ mất đi mối quan hệ láng giềng hữu hão tốt đẹp với Việt Nam khi quan hệ với các nước ASEAN đang ngày một xấu đi.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước báo giới quốc tế khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ 21 đến 22/5 tại Philippines.
Bình luận về 16 chữ vàng của Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, ông Trần Duy Hải cũng khẳng định trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao về tình hình Biển Đông: "Vàng cũng quý nhưng độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ còn quý hơn".
Nếu như Trung Quốc tiếp tục các biện pháp gây sức ép với Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có thể xấu đi trong ngắn hạn nhưng về dài hạn đây là cơ hội để Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế độc lập và cân bằng với Trung Quốc. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
Nói về các giải pháp để giảm thiểu lớn nhất những tác động của Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam, bên lề Hội nghị về thu hút vốn đầu tư trong nông nghiệp diễn ra sáng 19/5, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cả nước cần chung tay đồng lòng và có những hành động thiết thực. Về phía Chính phủ cần chủ động cải cách, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm đầu tư lãng phí, tham ô, lễ hội rườm rà. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng việc hợp tác với một số nhà cung cấp của các nước khác. Việt Nam đang có quan hệ thương mại với 243 nước trên thế giới nên chúng ta có thể tìm được nguồn nguyên liệu thay thế. Nhưng quan trọng phải chủ động thay thế, tích cực thay thế. Các quan hệ thương mại này cũng giúp Việt Nam có các thị trường xuất khẩu khác thay cho Trung Quốc.
Còn về phía người tiêu dùng Việt Nam, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần được nhân rộng và tích cực hơn nữa. Các tỉnh biên giới cần phát động phong trào không buôn lậu, tẩy chay hàng lậu và những hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc.
"Mọi người dân Việt Nam cần chung tay xây dựng phát triển nền kinh tế nước nhà bền vững", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Lê Trang