Thứ trưởng Bộ GTVT: Vẫn không có dấu hiệu tích cực trong cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia
Có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương - Trung tâm kiểm soát không lưu Phú Quốc, trả lời báo giới sau chuyến thị sát trên thủy phi cơ DHC6 ra khu vực tìm kiếm máy bay Malaysia, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết: Đến giờ vẫn không có một dấu hiệu tích cực!
Với câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc hiện nay Việt Nam đã cấp phép cho những nước nào vào tham gia tìm kiếm cứu nạn, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết đã cấp phép cho 4 nước bao gồm: Malaisia, Singapore, Mỹ và Trung Quốc. Tổng cộng có 34 máy bay và 40 tàu biển các loại tham gia tìm kiếm trong những ngày qua.
Cũng liên quan câu hỏi của báo giới về 2 tàu Trung Quốc được chấp thuận vào vùng biển Việt Nam tham gia tìm kiếm, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói: “Cả hai tàu này rất hiện đại nên khi vào sẽ phải phối hợp với Việt Nam tìm kiếm và cùng đi với nhau. Theo đó, tàu của Trung Quốc sẽ hoạt động theo sự hướng dẫn của Việt Nam khi tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Ngày mai (11/3), phạm vi tìm kiếm mở rộng của các quốc gia lên đến 126.000km2 (rộng hơn 26.000km2 so với 2 ngày trước đó), trong bán kính cách đảo Thổ Chu (Phú Quốc) từ 150-300km.
Các đội bay sẽ tập hợp ở Cà Mau và bắt đầu ra biển lúc 6-7h nếu nhận được tọa độ nghi vấn.
Từ 10h30 đến 11h30 ngày mai (11/3), vệ tinh VINASAT-1 sẽ bay qua khu vực đảo Thổ Chu, Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ sẽ chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực này. Tầm bao quát của ảnh chụp từ vệ tinh có khả năng chụp tới 400km chiều dài, chiều rộng tối đa khoảng 17m, độ phân giải lên tới 2,5m.
19h - Tàu hải quân lại phát hiện một vật thể lạ, cách đảo Thổ Chu 80 km về phía Tây Nam.
Liên quan mảnh vỡ kim loại được máy bay thương mại Hong Kong phát hiện trên vùng biển cách Vũng Tàu 60 km, tin từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, tàu hải quân và lực lượng ngư dân địa phương đã được huy động xác minh mảnh vỡ kim loại. Thậm chí, một container của Thái Lan đang hành trình từ phía Nam lên phía Bắc qua khu vực này, cũng được đề nghị dừng lại tìm kiếm. Tuy nhiên, không hề phát hiện ra vật lạ.
"Trong thời gian tìm từ 17h30 đến 19h không phát hiện có mảnh kim loại như Trung tâm kiểm soát không lưu Hồng Kông thông báo", ông Lê Văn Chiến, Giám đốc cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết.
Kết thúc ngày tìm kiếm thứ 3: Thu được gì?
Đánh giá về công tác tìm kiếm ngày thứ 3 vụ máy bay Malaysia mất tích, ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, các nước và Việt Nam rất tích cực và trách nhiệm trong tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có kết quả khả quan.
Theo ông Gia, hôm nay (10/3), các nước tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích đã huy động đến 9 máy bay “truy quét” các điểm nghi vấn. Cụ thể: Việt Nam đã huy động 6 máy bay (2 AN 26, 2 Mi 171, 1 DHC6, 1 CASA 212), Singapore có 1 máy bay, Malaysia có 2 máy bay. (>> Điểm danh “quân tăng viện” tìm kiếm máy bay Malaysia)
Việt Nam cũng đã điều 8 tàu các loại: SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888.
Vật thể lạ được phát hiện - nghi vấn gồm áo phao cứu sinh, xuồng cứu sinh trên vùng biển tìm kiếm máy bay mất tích và nhiều mảnh kim loại vỡ trên khu vực cách biển Vũng Tàu 60km.
Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm, tàu HQ 637 đã vớt được vật thể là nắp cuộn cáp đã đóng rêu.
Phóng viên quốc tế đổ về Phú Quốc
Sự kiện máy bay Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích đang được sự quan tâm của người dân Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Hiện nay, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nơi thành lập Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, có khá đông các phóng viên trong nước và quốc tế đến để đưa tin về vụ việc này.
18h - Máy bay Việt Nam đã trở về đất liền, kết thúc ngày thứ 3 tìm kiếm Boeing B777-200. Đại tá Trần Văn Lâm, phó sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 370, cho biết: Sáng mai (11/3), các đội bay sẽ tập hợp ở Cà Mau và bắt đầu ra biển lúc 6-7h nếu nhận được tọa độ nghi vấn.
Hiện, vùng biển tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích được xác định trong bán kính cách đảo Thổ Chu (Phú Quốc) từ 150-300km.
Thủy phi cơ DHC6 chở đoàn thị sát do Thứ trưởng Bộ GT-VT Phạm Qúy Tiêu dẫn đầu, vẫn chưa quay trở lại.
Nhóm "Lữ đoàn Tử vì đạo Trung Quốc" (chưa từng được biết đến trước đó) gửi thư tới nhiều nhà báo khác nhau ở Trung Quốc tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ máy bay Malaysia mất tích. Họ tuyên bố: “Các người giết một người của chúng ta. Chúng ta sẽ trả thù bằng cách giết 100 người của các người”.
Thông điệp trên được gửi thông qua các địa chỉ mail vô danh được mã hóa không thể trả lời và cũng không thể truy tìm dễ dàng. Theo các nhà phân tích, độ tin cậy của tuyên bố trên không cao và cho rằng đây chỉ là một trò lừa đảo nhằm mục đích kích động căng thẳng sắc tộc sau một loạt các cuộc tấn công do nhóm chiến binh đòi ly khái ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc gây ra.
*** Tờ
Wall Street Journal hôm nay dẫn lời Giám đốc Cục An ninh Quốc gia của Đài Loan Tsai Der–sheng cho biết,
Chính phủ Đài Loan đã nhận được cuộc gọi nặc danh cảnh báo về âm mưu khủng bố nhắm mục tiêu sân bay Bắc Kinh ngày 4/3 trước khi máy bay Malaysia mất tích. Người gọi cuộc điện thoại cảnh báo tự xưng là thành viên của nhóm chống khủng bố của Pháp.
(>> Có âm mưu khủng bố sân bay Bắc Kinh trước vụ máy bay Malaysia?)
16h30 - Sở chỉ huy tìm kiếm hàng hải nhận được thông tin chính thức từ Cơ quan Kiểm soát không lưu Hong Kong cho biết, một máy bay thương mại nước này phát hiện nhiều mảnh vỡ chưa xác định, tại tọa độ 09043’N-107025’E, cách vùng biển Vũng Tàu khoảng 60 km về phía Đông Nam, cách vị trí máy bay Malaysia được cho là mất tích hơn 500 km.
Hiện tại, Việt Nam đã điều phương tiện ở gần khu vực nêu trên tiếp cận để xác minh thông tin .