1. Áp giải học sinh tại sân trường ở Đắk Lắk
Ngày 20/9/2013, em Đỗ Quang Thiện (SN 1995, học sinh lớp 12A2 trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong lúc đang điều khiển xe máy dưới 50 phân khối từ trường về nhà, đến ngã tư đường Trường Chinh và Trần Hưng Đạo (TP Buôn Ma Thuột) thì xảy ra va chạm cùng ông Lê Phước Thọ (SN 1945, ngụ TP Buôn Ma Thuột). Thiện đã đưa ông Thọ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị và báo cho gia đình.
Ngày 20/5/2014, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên em Thiện 6 tháng tù treo. Ngày 8/8/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên em Thiện 9 tháng tù giam vì tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và buộc gia đình Thiện phải bồi thường các khoản chi phí cho ông L.P.T số tiền trên 56 triệu đồng. Gia đình em Thiện không đồng ý với mức án này và đã làm đơn gửi TAND tối cao để kháng cáo.
Ngày 2/4/2015, trong lúc Thiện đang học tại trường, Công an TP Buôn Ma Thuột đã đưa xe đặc chủng vào sân trường áp giải Thiện thi hành án, trước sự chứng kiến của bạn bè, thầy cô, gây nên sự bất bình trong dư luận.
|
Thiện trở về trong sự vui mừng của gia đình, thầy cô, bạn bè |
Sau 52 ngày thi hành án tù trong trại giam tỉnh Đắk Lắk, 10h sáng ngày 24/5, em Thiện chính thức được tạm đình chỉ thi hành án theo quyết định của Tòa án Nhân dân Tối cao và ra khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh sau gần 2 tháng bị giam giữ trở về nhà và chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhắc lại về sự cố xảy ra gần 3 năm trước, theo như mô tả của Thiện và kết luận của bệnh viện cùng các bác sĩ từng điều trị cho ông Lê Phước Thọ 67 tuổi, thì ông Thọ đã thình lình bị đột quỵ trong lúc lái xe, cú ngã không tạo ra thương tích nào. Điều không may, là 2 xe lại va vào nhau trong lúc Thiện vượt qua giao lộ, dẫn đến vụ án tới nay còn ẩn chứa nhiều điều khuất tất.
2. Oan sai 10 năm Nguyễn Thanh Chấn
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) bị ngồi tù oan được dư luận đặc biệt quan tâm bởi chặng đường tìm lại tự do của ông Chấn là một hành trình kéo dài đến 10 năm.
|
Chặng đường tìm lại tự do của ông Chấn là một hành trình kéo dài đến 10 năm |
Cụ thể, tối ngày 15/8/2003, Lý Nguyễn Chung (Lạng Sơn) đến quán chị Nguyễn Thị Hoan mua dầu gội đầu. Nhìn thấy tiền trong tủ kính, Chung dùng dao bấm, vỏ chai bia sát hại chị Hoan một cách dã man rồi lấy 59.000 đồng và hai chiếc nhẫn bằng vàng. Gây án xong, Chung trốn vào Đắk Lắk. Tuy nhiên, công an Bắc Giang lại cáo buộc ông Nguyễn Thanh Chấn là thủ phạm.
Ngày 27/7/2004, trong bản án phúc thẩm, ông Chấn bị tuyên y án sơ thẩm với tội danh Giết người với mức án tù chung thân, buộc bồi thường cho gia đình bị hại 20 triệu đồng chi phí mai táng, tổn thất tinh thần. Ngày 30/9/2004, phiên tòa dân sự sơ thẩm xem xét trách nhiệm của bị cáo Chấn với con chị Hoan tuyên ông này phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho đến khi đứa trẻ mất mẹ tròn 18 tuổi.
Ông Chấn kháng cáo cho rằng không giết người nên không có trách nhiệm cấp dưỡng. Phiên phúc thẩm ngày 2/3/2005 đã bác kháng cáo này.
Sau 10 năm bị bắt, ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú ông Chấn được công nhận vô tội, hủy bỏ thân phận của người mang tội giết người.
3. Vụ Huỳnh Văn Nén – án oan vườn điều
Đây được xem là vụ án oan, sai lớn nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam, nghiêm trọng hơn vụ án Nguyễn Thanh Chấn bởi có đến 9 người trong một gia đình rơi vào vòng lao lý.
Theo cáo trạng, giữa tháng 5/1993, thi thể nạn nhân Dương Thị Mỹ được phát hiện trong vườn điều của ông Hai Hoàng (tỉnh Bình Thuận) trong tình trạng đa chấn thương. Vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc thì năm 1998, nghi phạm Huỳnh Văn Nén đã khai mình là thủ phạm vụ trọng án.
|
Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa xét xử |
Theo lời khai của Nén, do nghi ngờ bà Mỹ quan hệ bất chính với anh em đồng hao tên Nhung nên một số người trong gia đình vợ Nén đã dùng dao chém nạn nhân đến chết. Từ lời khai này, 9 người trong gia đình vợ của Nén bị bắt giữ.
Vụ án sau đó được đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng đều bị hủy án do có nhiều tình tiết chưa rõ ràng. Việc điều tra xét xử vụ án kéo dài 12 năm, nhưng vẫn không tìm ra hung thủ.
Năm 2006, cơ quan điều tra xác định các bị cáo vô tội và trả tự do tại tòa. Đồng thời, cơ quan công tố phải công khai xin lỗi và bồi thường oan sai với tổng số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.
4. Hồ Duy Hải và kỳ án Bưu điện Cầu Voi
Sáng 14/1/2008, người dân đã phát hiện hai nữ nhân viên Bưu Điện Cầu Voi (nằm trên mặt tiền Quốc Lộ 1 A, địa phận huyện Thủ Thừa, Long An) bị cắt cổ chết ngay tại cơ sở bưu điện này. Cơ quan điều tra vào cuộc khám nghiệm hiện trường, khởi tố vụ án và đã mời nhiều nhân chứng, người có liên quan lấy lời khai nhưng sau hai tháng vẫn không tìm ra hung thủ.
Hơn hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị công an triệu tập lấy lời khai trong vụ án cá độ bóng đá và đánh đề. Chỉ hai ngày sau, Hải khai nhận giết hai cô gái và bị bắt tạm giam ngày 31/3/2008 tới nay.
|
Hồ Duy Hải trước vành móng ngựa |
Tuy nhiên, điều “kỳ lạ” nhất trong vụ án này là việc kết tội, qui kết hung thủ dùng 3 loại hung khí là dao, thớt và ghế giết người, để lại hàng loạt dấu vết, máu me … nhưng tại hiện trường khi cơ quan điều tra khám nghiệm lại không phát hiện bất kỳ vật nào có dấu vết phạm tội.
Hơn nữa, theo kết quả giám định (Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11-4-2008) thì các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải.
Việc lấy chiếc ghế khác để làm "vật chứng" thay cho chiếc ghế phản ánh trong Biên bản khám nghiệm hiện trường là ấu trĩ không đáng có dẫn đến hoài nghi về tính khách quan của kết quả điều tra. Không xác định thời gian chết của hai nạn nhân, kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án còn đơn giản thiếu chặt chẽ.
Có nhân chứng nhìn thấy một thanh niên ngồi trong phòng nạn nhân Hồng có đặc điểm (mặt tròn, da sáng, tóc cắt ngắn) tương đồng với đặc điểm của Hồ Duy Hải nhưng không được tổ chức nhận dạng.
Theo kết luận giám sát, đây là những thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng mà gia đình Hải và luật sư dựa vào đó để kêu oan cho Hải.
5. Vừa mang án oan giết con vừa mất trắng cả trăm cây vàng
Ông Phạm Văn Thành bị bắt ngày 17/9/1989 vì cán bộ xã Hòa Tịnh nói ông giết con rồi giấu xác.
Trong khi vụ án đang được điều tra, thì cán bộ UBND xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang) vào lập biên nhận thu giữ toàn bộ tài sản của ông Phạm Văn Thành, dù không liên quan đến tình tiết vụ án.
|
Ông Phạm Văn Thành bị bắt vì nghi giết con rồi giấu xác |
Văn bản của xã Hòa Tịnh ký ngày 17/8/1989 nêu rõ, thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Lê Văn Trung, vì nghi ông Thành giết con nên phải thu giữ 200 con dê nái, mỗi con trị giá 5 chỉ vàng, 40 con dê cái con trị giá 1 chỉ vàng/con, một máy cole trị giá 5 chỉ vàng, 1 bình xịt trị giá 1 chỉ vàng. Tính sơ bộ, tổng số tài sản đó lên đến hàng trăm lượng vàng.
Với cam kết khi nào ông Thành tìm thấy con thì sẽ trả lại số tài sản đã kê biên. Không tìm được con, ông Thành bị bắt bởi tội vu khống cán bộ, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân.
Trong suốt quá trình bị tạm giam và điều tra, ông lại bị hỏi về việc con trai mình bỗng nhiên mất tích, cơ quan điều tra đã đào hàng trăm hố trong vườn nhà ông để tìm thi thể đứa con trai nhưng không thấy.
Ngày 25/8/1990 vụ án được đình chỉ nhưng đến năm 1995 ông Thành lại bị bắt tạm giam thêm 5 tháng, cải tạo lao động cho ba tội danh trên.
Ngày 7/6/2004 ông Thành được công nhận oan sai theo quyết định số 622/QD-GQKN (7/6/2004) của giám đốc Công an Tiền Giang. Ngày 26/7/2004, lãnh đạo Công an Tiền Giang công khai xin lỗi ông, trước sự chứng kiến của hơn 200 người dân địa phương.
6. Án oan tù chung thân vì chiếc đồng hồ đánh rơi
Cuối năm 1997, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nạn nhân Nguyễn Thị Kim Hồng (13 tuổi) đi ra ruộng đã bị hiếp, giết và cướp đôi bông tai.
Cùng ngày, có người cho biết khoảng 6h thấy Bùi Minh Hải (43 tuổi, ở xã Long Tân, nhân viên bảo vệ) đến tìm chiếc đồng hồ bị mất tại khu vực hiện trường. Một số thông tin cho thấy Bùi Minh Hải còn có những "triệu chứng bất ổn" như chưa đến tết đã đưa tiền lì xì... Hải bị cơ quan điều tra bắt ngay sau đó.
|
Ông Bùi Minh Hải bị hàm oan tội danh giết người, hiếp dâm và cướp tài sản |
Bùi Minh Hải kêu oan, nhưng cơ quan điều tra cho rằng có cơ sở xác định Hải là hung thủ gây án. Tháng 7/1998, Viện KSND tỉnh Đồng Nai có cáo trạng truy tố Bùi Minh Hải tội danh giết người, hiếp dâm và cướp tài sản. Bốn tháng sau, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xét xử sơ thẩm. Đại diện VKS đề nghị mức án tử hình, nhưng HĐXX chỉ phạt Hải tù chung thân.
Tháng 2/1999, khi TAND Tối cao tại TPHCM chưa kịp đưa vụ án của Hải ra xét phúc thẩm thì xảy ra vụ án giết, hiếp một học sinh khác. Và từ dấu vết của vụ án này, tòa án đã tìm ra được hung thủ thật sự. Một thời gian sau, cơ quan tố tụng của tỉnh Đồng Nai xác định Bùi Minh Hải vô tội, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai người bị hàm oan.
7. Sóc Trăng: 7 thanh niên bị bắt oan vì tội giết người
Vụ án xuất phát từ vụ án mạng xảy ra vào đêm 6/7/2013 khi anh Lý Văn Dũng (ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) bị sát hại.
Ngày 21/7/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 7 bị can gồm: Nguyễn Thị Bé Diễm, Trần Hol, Trần Cua, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Thạch Sô Phách và Trần Văn Đỡ về tội “giết người” và “không tố giác tội phạm”.
|
Anh Trần Văn Đỡ (áo trắng) - người đã bị công an tỉnh Sóc Trăng dùng nhục hình và anh Thạch Mươl. |
Trong suốt quá trình điều tra, 7 thanh niên trên đã bị một số điều tra viên dùng nhục hình, ép cung, do quá đau đớn mà phải nhận tội “giết người”.
Tuy nhiên, khi vụ án sắp đưa ra tòa xét xử, bất ngờ Lê Thị Mỹ Duyên và Phạm Thị Kim Xuyến (ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi giết anh Lý Văn Dũng để cướp tài sản. Sau khi xác minh điều tra hành vi phạm tội của Duyên và Xuyến, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam Duyên và Xuyến.
Đồng thời, ngày 25/1/2014, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ điều tra với 7 bị can bị bắt trước đó. Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã bồi thường cho 7 người bị oan sai với số tiền gần 500 triệu đồng.
8. Cô giáo bị bắt oan trong vụ “nữ sinh 13 tuổi bị hiếp dâm”
Ngày 27/82010, nữ sinh B.H.V bị đối tượng Nguyễn Văn Hưởng (quê TP Lào Cai) thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau khi bị gia đình V phát hiện, Hiển đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình và muốn được thỏa thuận bồi thường về vật chất cho gia đình V.
Được cô giáo Bùi Thị Đức là mẹ V đồng ý, trước mắt gia đình Hưởng đã bồi thường cho gia đình V số tiền là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi 2 gia đình đang trong quá trình thỏa thuận bồi thường, được sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp, ngày 1/9/2010, cơ quan CSĐT đã bất ngờ ra quyết định khởi tố bị can bắt tạm giam cô giáo Đức về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
|
Cơ quan CSĐT gửi thông báo "bắt oan" cô giáo Đức tới nhà trường nơi cô giáo Đức đang công tác |
Quyết định bắt người bất bình thường này khiến cho dư luận tỏ ra bức xúc và đặt nhiều câu hỏi xung quanh chuyện tiêu cực.
Và sau hành trình đi đòi công lí để minh oan cho mẹ của cô con gái Bùi Thị Hương, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Luật Hà Nội, ngày 22/9/2010, các cơ quan tố tụng TP Sơn La đã thừa nhận việc bắt tạm giam cô giáo Đức là oan sai và xin lỗi công khai, bồi thường oan sai cho cô giáo Đức theo nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
9. 16 năm 3 tháng ở tù oan vì bị buộc tội giết trưởng công an xã
Ngày 19/5/1979, Trưởng Công an xã Tân Điền bị giết. Lúc này ông Trần Văn Chiến (SN 1960, ở ấp Nam, Tân Điền, Gò Công Đông, Tiền Giang) đang ở cùng với những người thân của mình. Nghe tiếng kêu thất thanh, ông chạy ra ngoài thì thấy Trần Văn U chạy qua nói: “Tao vừa giết thằng Sên!” rồi chạy đi mất.
Gia đình bị hại báo Công an huyện, ngày 21/5/1979 ông Trần Văn Chiến bị bắt tạm giam với tội danh giết người.
Ngày 20/3/1980, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, ông Trần Văn Chiến không nhận tội và khẳng định hung thủ thật sự là Trần Văn U. Tuy nhiên, tên này bỏ đi biệt tích và không có cách nào chứng minh mình bị oan nên ông Chiến vẫn bị tòa tuyên mức án chung thân.
|
Ông Trần Văn Chiến được giải oan sau hơn 16 năm ngồi tù oan |
Do thời gian chấp hành hình phạt tù ông Chiến cải tạo tốt nên được thả tự do ngày 21/8/1995 sau hơn 16 năm ngồi tù oan.
Năm 1997, Trần Văn U - kẻ sát hại vị công an xã của gần 20 năm trước mới xuất hiện và bị bắt.Ngày 5/7/2001, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án giết người với bị cáo Trần Văn U.
Tại tòa, Trần Văn U khai chỉ một mình thực hiện vụ án mà không liên quan gì đến ông Trần Văn Chiến nên tòa tuyên ông Chiến không phạm tội giết người. Tại bản án phúc thẩm số 424 ngày 12/4/2002, TAND Tối cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm: Ông Chiến vô tội.
Ngày 23/12/2004, ông Chiến được TAND tỉnh Tiền Giang giải oan, công khai xin lỗi và đền bù oan sai.
10. Án oan, hai lần bị tuyên tử hình
Ngày 18/6/2004, án sơ thẩm lần thứ nhất của TAND tỉnh Tây Ninh tuyên Nguyễn Minh Hùng (quê Tây Ninh) tử hình. Tháng 7/2004, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại do Hùng kháng cáo kêu oan đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của TAND tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình. Nhưng Tòa phúc thẩm TAND Tối cao lại tiếp tục hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.
|
Anh Nguyễn Minh Hùng - người hai lần bị tuyên tử hình được giải oan |
Trước đó, năm 2003, công an truy quét một đường dây mua bán, vận chuyển 300 bánh heroin xuyên quốc gia tại tỉnh Tây Ninh. Anh Hùng bị bắt giam và quy kết là mắt xích trong đường dây này. Theo sổ giao hàng và lời khai của bà “trùm” cầm đầu đường dây, anh Hùng bị buộc tội về hành vi vận chuyển 25 bánh heroin.
Từ đó, anh bị cấp sơ thẩm 2 lần xét xử và tuyên tử hình cùng với 5 người khác. Phải đến phiên phúc thẩm lần 2 vào tháng 4/2007 thì con đường sống của anh mới thực sự hé mở. Tòa phát hiện các chứng cứ buộc tội anh có nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt, khi đó kẻ đứng đầu đường dây, người từng kéo anh vào vòng lao lý mới phản cung. Bà ta một mực xin tòa minh oan cho Hùng với lý do trước đó khai không đúng sự thật và "không muốn phạm thêm tội ác nữa".
Cuối cùng, sau khi điều tra lại đến lần 3, công an tỉnh Tây Ninh vẫn không có đủ chứng cứ buộc tội đối với Hùng, ngày 11/6/2008 Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã đình chỉ điều tra. Ngày 13/6/2008 Viện KSND tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng.
Anh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19/11/2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.
Hồng Liên (Tổng hợp)