Nhìn cách chăm con để biết người đàn ông tốt
Đặt một giả thuyết nếu bạn là chàng trai mới vừa đôi mươi, sống xa quê để tu thân lập nghiệp, tiền nong chỉ đủ ăn từng ngày, nhưng rồi đột nhiên có con với một người phụ nữ mà bạn biết chắc sẽ không kết hôn - trong trường hợp ấy, bạn sẽ làm gì? Anh Quân đã từng trải qua những ngày trẻ như thế.
Năm 1994, Anna - đứa con của Anh Quân và một y tá người Đức - ra đời lúc cuộc sống của Anh Quân đang cực kỳ bấp bênh. Trước đó, Anh Quân được chọn đi du học Nga (Liên Xô cũ) từ năm 14 tuổi rồi sau đó sang Ba Lan và Đức để tiếp tục sự nghiệp âm nhạc. Gần 10 năm lưu lạc xứ người và cuộc tình chóng vánh với một phụ nữ Đức hơn tuổi để lại kết quả là một đứa con gái xinh như búp bê. Chính từ bước ngoặt này đã đưa chàng trai trẻ đào hoa và tâm huyết với âm nhạc dần trở thành ông bố đầy trách nhiệm.
Nếu trước đó, Anh Quân chỉ cần lo cho bản thân, thì lúc này anh phải lựa chọn giữa đam mê và việc kiếm tiền nuôi con. Nhạc sĩ chia sẻ, thời gian sống tại Đức, để nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc, anh phải đi làm “tất cả những nghề trên đời như dọn dẹp, cọ rửa toilet...”. Khi đó, anh mới 23 tuổi, mỗi ngày làm bồi bàn từ 9 giờ sáng tới 12 giờ đêm, đi hái thuê quả anh đào để có thêm chi phí chu cấp cho con. Đến lúc quyết định sẽ rời khỏi Đức để hồi hương, anh cũng đã định sẵn trong tâm trí rằng nhất định phải mang Anna cùng về.
Ý định không phải là một điều đơn giản bởi mẹ của Anna yêu cô bé đến mức cho con bú tới gần 3 tuổi - điều mà ít phụ nữ làm được. Anh phải chứng minh cho mẹ Anna thấy tình yêu thương của mình dành cho con và nếu về Việt Nam, ở đó sẽ có cả họ hàng nhà nội đều yêu thương cô bé. Mẹ của Anna hiểu được điều đó nên đành chấp nhận để con gái đi theo bố. Đó là thời điểm năm 1997, khi vị nhạc sĩ này vẫn chưa gặp được người phụ nữ của đời mình, chưa có cuộc hôn nhân duy nhất với ca sĩ Mỹ Linh.
Mỹ Linh có duyên với gia đình của Anh Quân như một định mệnh. Cô kể lại khi mình mới 5 tuổi, có lần nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (bố đẻ của Anh Quân) đi ngang qua nhà, mẹ cô đã nhờ ông thẩm định giọng hát của cô con gái. Nhiều năm sau này, cô lại có cơ hội làm việc với vị nhạc sĩ này và thể hiện rất thành công các ca khúc của “bố chồng tương lai”. Có điều, cô chẳng bao giờ ngờ được mình sẽ trở thành con dâu của ông. Cô cũng tâm sự lúc ấy, Anh Quân không ở trong “tầm ngắm” của cô, vì cô cho rằng anh đã có gia đình.
Thế mà hai người lại yêu nhau và quyết định cưới nhau. Cũng chính cô là người theo Anh Quân sang Đức thuyết phục mẹ của Anna cho phép hai người cùng nuôi bé ở Việt Nam. Nhiều người đặt ra câu hỏi cho Mỹ Linh rằng liệu việc kết hôn với một nhạc sĩ, mà nhạc sĩ ấy lại đang có đứa con riêng 3 tuổi, có phải là lựa chọn tốt nhất của cô không?
Sau này, NSƯT Thu Hiền, mẹ của Anh Quân, còn kể lại bà rất lo ngại khi biết con trai định kết hôn với một cô ca sĩ nổi tiếng, bởi theo bà, gia đình đã có đủ những người theo đuổi nghệ thuật rồi. Mà nghệ thuật thường rất bấp bênh. Bà nói với Mỹ Linh: “Cô là người đi trước. Mọi người nhìn vào thấy gia đình cô hạnh phúc nhưng thực chất có nhiều sóng gió. Cô và chú yêu nhau khi tuổi trẻ phơi phới chưa có vướng bận gì mà bây giờ còn gặp phải rất nhiều khó khăn, trong khi việc của cháu và Quân lại phức tạp hơn nên cháu phải suy nghĩ. Hơn nữa, nhà cô rất yêu Anna. Cháu phải xác định đó là khó khăn rất lớn và cần phải vị tha. Cháu còn ít tuổi, lại là nghệ sĩ, nghệ sĩ có cái tôi rất lớn, liệu cháu có làm được không? Nếu là cô, chắc cô không dũng cảm được như thế”.
Những lời nói của “mẹ chồng tương lai” chia sẻ với Mỹ Linh khi chị mới 23 tuổi. Cô gái trẻ (mà sau này trở thành diva nhạc Việt) lúc ấy đứng trước một tình yêu lớn nên đã bất chấp việc anh có con riêng và chuyện hai gia đình lo lắng để đến với người đàn ông cô tin tưởng. Làm sao lại không tin tưởng một người đã nhất quyết mang con mình từ nước Đức xa xôi về Việt Nam để chăm sóc? Mẹ đẻ của Mỹ Linh còn nói với cô:
“Nhìn cách thằng Quân chăm con, có thể thấy nó là người đàn ông tốt. Người đàn ông tốt thì phụ nữ có thể dựa vào”.
Không ra khỏi nhà sau 6 giờ tối
Chẳng bao lâu sau, ngày 10.1.1998, Anh Quân và Mỹ Linh tổ chức đám cưới. Đó là một đám cưới được tổ chức giản dị tại khách sạn Bảo Sơn. Cô dâu tự mặc váy, trang điểm nhẹ nhàng như lúc đứng trên sân khấu, chỉ có khác là tay cô nắm tay chú rể thay vì cầm micro. Cuộc hôn nhân ấy kéo dài tới hơn 15 năm và vẫn đang trong ấm ngoài êm.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, bố chồng của Mỹ Linh, rất nhiều lần đứng trên sân khấu nói một hai câu xong lại quay sang cảm ơn con dâu. Gần đây nhất, trong buổi họp báo ra mắt album Một nửa yêu thương của cháu gái Anna Trương, ông có phát biểu: “Tôi có vào đọc trên Facebook của con tôi và thấy một người mẹ đếm từng phút, từng giây thời gian ra đĩa của con gái khiến tôi muốn cảm ơn Mỹ Linh không phải là khách sáo. Tôi cảm ơn Mỹ Linh đã nuôi cháu trưởng thành như thế này”.
Người ta thường nói sau lưng người đàn ông thành công có bóng dáng một người phụ nữ” nhưng công chúng đều biết, sau lưng sự thành công của Mỹ Linh có nhạc sĩ Anh Quân. Thậm chí, phía sau hạnh phúc của một gia đình nghệ sĩ hạng A như vợ chồng Quân - Linh thì công sức của Anh Quân là rất lớn.
Nhạc sĩ Huy Tuấn có lần nói về người anh em không cùng huyết thống nhưng thân nhau chí cốt: “Linh thay mặt Quân làm người giới thiệu sản phẩm, để cùng kiếm tiền về nuôi gia đình, nuôi âm nhạc. Hay nói cách khác, nếu như Linh là tiền đạo, ghi bàn, thì Quân chính là hậu vệ, trấn gôn”. Với Huy Tuấn, để làm được những điều đó, người ta cần phải có nghị lực phi thường. Mang những lời đó nói lại với Anh Quân, ông bố của ba đứa con chỉ trả lời đơn giản: “Ô, Tuấn nói thế à?”. Với Anh Quân, mọi việc mình đã làm, chẳng có gì đáng kể.
Còn Mỹ Linh cũng dành nhiều lời ca ngợi cho đức lang quân, cũng là nhà sản xuất và nhạc sĩ “ruột” của mình. Không quá lời khi nói nhờ có Anh Quân và sự viên mãn trong tình yêu, giọng hát của Mỹ Linh mới có sức bền bỉ và vang xa tới vậy. Cô đã không lầm khi chọn người đàn ông có trách nhiệm này, bởi anh sẵn sàng gạt cả sự nghiệp để lo cho gia đình. Thậm chí, nếu Mỹ Linh đi vắng thì không ai có thể kéo Anh Quân ra khỏi nhà sau 6 giờ tối, vì anh cần ở nhà với các con. Mỹ Linh có lần kể mẹ chồng cô từng bảo: “Mẹ rất tức khi nấu ăn xong rồi bảo nó ở lại ăn chung vì mẹ chỉ có một mình thì nó nói phải về xem bọn trẻ thế nào vì Linh đi vắng”.
Mỗi ngày của Anh Quân có thể khác nhau, khi thì đi tập với ban nhạc, khi thì dọn dẹp phòng ốc, sửa chữa hay tưới cây cho vườn tược... nhưng ngày nào cũng đều bắt đầu từ việc gọi các con dậy. Đến giờ, anh lên phòng gọi “dậy đi” để bọn trẻ lè nhè: “Bố cho con ngủ đến chuông lần thứ hai”. Nếu chiều con thì anh để chúng ngủ thêm một chút, hôm nào không chiều, anh bảo: “Chuông thứ hai rồi đấy”, thế là lũ trẻ dậy, ăn sáng rồi bố mẹ đưa đến trường.
Anh từng chia sẻ: “
Tôi luôn cố gắng dành thời gian cho các con vì với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất, nghề nghiệp chỉ đứng thứ hai. Tôi sẵn sàng bỏ việc này, việc kia nếu lúc đó con tôi cần sự có mặt của bố. Từ những gì mà ông bà tôi làm cho bố mẹ, rồi bố mẹ tôi làm cho tôi, tôi đã bắt tay vào làm cho các con mình, chứ không chỉ nói suông”.
Anna là một đứa trẻ rất đặc biệt
Người ngoài nhìn vào thấy anh ít cởi mở, có vẻ nghiêm khắc với bản thân và nhất là với đám trẻ trong nhà?
Không phải lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, cười cợt với con thì được gọi là dễ tính. Tôi nghĩ sự dễ tính của mình nằm ở việc chia sẻ, thấu hiểu con. Mình biết nhu cầu của từng lứa tuổi để hiểu chúng đang cần gì.
Tôi luôn muốn bọn trẻ lúc nào cũng bé tí để mình có thể đùa giỡn, hôn hít, như tôi hay đùa với Mỹ Anh bây giờ, nhưng rất tiếc chúng rồi sẽ lớn.
Nhiều ông bố bà mẹ “sốc” khi con cái đã lớn và bày tỏ quan điểm và cái tôi mạnh mẽ. Anh thích nghi như thế nào với việc con trẻ trưởng thành?
Tôi chứng kiến ngày qua ngày, thích nghi dần với việc con lớn, nên tôi không nhận ra chuyện thay đổi. Tôi rất thích nghiên cứu về tâm sinh lý trẻ em nên rất rõ tuổi thơ quyết định tính cách sau này của con người ta thế nào. Tất cả những hành vi trưởng thành đều bắt nguồn từ tuổi thơ. Chứng kiến con lớn lên từng ngày, tôi ngộ ra rất nhiều điều, rằng tại sao con trẻ lại hành xử thế này mà không phải thế kia. Tôi thấy mình thật may mắn vì tìm hiểu về tâm lý học từ khi các con còn nhỏ để tránh làm những điều gây rối nhiễu cho con sau này.
Anh có bao giờ mắng nhiếc hay dùng đòn roi với con?
Trong nhà tôi chưa bao giờ xảy ra chuyện roi vọt, thỉnh thoảng có mắng nhưng chưa bao giờ khiến bọn trẻ cảm thấy tủi thân. Tôi chỉ khiển trách để con nhận ra trách nhiệm của mình trong sai phạm. Tôi cũng chưa bao giờ “mày - tao” với con, khi nào nóng lắm thì buột miệng nói một, hai từ không hay, sau đó tự kiểm điểm ngay. Tôi từng xin lỗi con nhiều lần vì những lúc nóng mình đã làm sai.
Ví dụ trong ba đứa, Anna hầu như không làm cho bố mẹ nóng giận như hai đứa kia. Anna là một đứa biết kiềm chế. Với hai đứa nhỏ, những lúc tôi nóng khiến con sợ thì cũng là lỗi của mình. Sự khó tính hay dễ tính của tôi nằm ở những điều như vậy chứ không phải việc lúc nào cũng cười tươi, hôn hít, cưng nựng con.
Những lúc nào anh trở nên khó tính với chúng?
Khi thấy con mình bừa bãi, để đâu quên đấy, giờ giấc không chuẩn... thỉnh thoảng hay cáu nhẹ (cười).
Anh chị hướng con mình trở thành người như thế nào?
Gia đình thống nhất dạy các con thành những người tử tế. Đó là điều tối quan trọng trong quan điểm dạy con của chúng tôi. Người tử tế là gì? Có rất nhiều yếu tố để trở thành người tử tế, đầu tiên là phải biết coi trọng danh dự. Điều này vô cùng lớn và trừu tượng, vì phải biết danh dự là gì. Từ này xuất hiện rất nhiều hiện nay nhưng lại bị coi rẻ đặc biệt ở xã hội mình.
Ngoài chuyện trở thành một người tử tế thì tôi còn dạy chúng phải là người được người ta tôn trọng. Con có thể làm công nhân nhưng trong nhóm công nhân đó người ta phải tôn trọng con. Trên hết, phải cho bọn nhỏ hiểu được trong gia đình, chúng luôn là người đặc biệt nhưng ra xã hội chỉ là người bình thường. Ở nhà con luôn được mọi người yêu quý và bỏ qua mọi thứ dù có tội lỗi đến đâu nhưng ra ngoài mà có suy nghĩ đó sẽ bị ngã ngay. Đó là sự khác biệt giữa cách sống trong gia đình và ngoài xã hội.
Nhưng ở lứa tuổi “nổi loạn” như Anna, trẻ rất dễ phủ nhận những gì bố mẹ nói?
Anna là một đứa rất đặc biệt, từ bé đến tuổi dậy thì, con bé hay đến mức mình không nhận ra lứa tuổi nổi loạn đó ở con. Anna cũng rất tự hào về điều đấy với bố mẹ, nó bảo: “Bố mẹ may vì con không hâm đấy nhé, nhưng bố mẹ sẽ được chứng kiến với Mỹ Anh” (cười). Duy bây giờ bắt đầu tuổi “hâm hâm” rồi, chẳng hạn nó muốn tách khỏi bố mẹ, chỉ nghe những ý kiến từ bạn bè. Khi đó, vai trò của chị gái rất quan trọng, nhiều lúc muốn nói với Duy cái gì đều phải thông qua Anna. Mỹ Anh rồi cũng sẽ “hâm hâm” như thế, sẽ muốn tách ra khỏi bố mẹ và chỉ nghe anh chị thôi.
Có vẻ Anna là thần tượng của hai đứa em?
Hai đứa đặc biệt yêu chị nên tôi thấy Linh rất sáng suốt khi muốn mọi thứ đều dành cho Anna, vì nếu con bé lớn lên thành người tử tế thì hai đứa em cũng học được ở chị nhiều điều tốt đẹp. Như bản thân tôi lại bị ảnh hưởng từ mẹ nhiều hơn bố vì thời đó đàn ông ít để ý đến con cái như phụ nữ. Bố rất yêu tôi nhưng sự gần gũi với tôi lại không bằng mẹ vì ông là nhạc sĩ hay đi công tác, sáng tác cho đoàn nọ đoàn kia. Tôi giống tính lạc quan của bố và tính cáu vặt từ mẹ, do đó muốn con mình thừa hưởng tính lạc quan từ ông nội.
Vợ chồng chúng tôi cũng ảnh hưởng nhau nhiều, Linh là một người lạc quan còn tôi hay lo xa mọi việc. Vậy nên hai đứa lớn Anna và Duy ảnh hưởng Linh nhiều, còn Mỹ Anh hơi lo... giống tôi (cười).
Anh có lo lắng khi cô con gái lớn đã có bạn trai?
Ít người thấy con gái có người yêu lại thích như tôi. Lứa tuổi ấy Anna có quyền, tôi không được phép cấm. Tôi cố gắng để các con luôn cảm thấy có sự cảm thông từ bố. Có thể trong những việc lặt vặt nó cảm thấy mình rất khó tính nhưng trong những việc trọng đại, con luôn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của tôi.
Tôi đi nước ngoài học từ năm 14 tuổi, nên toàn bộ quá trình dậy thì và trưởng thành đều ở bên Nga, bố mẹ không được chứng kiến điều gì thay đổi ở tôi. Hồi đó ở Việt Nam khó khăn chuyện yêu nhau lắm, 16 - 17 tuổi có bạn gái là bị mắng liền. Tôi nhớ lại thời đó để áp dụng cho con mình, cảm thông với con nhiều hơn. Đó là tình cảm rất tích cực nên mình không nên cấm đoán.
Nhưng đúng là thấy con đã lớn, có bạn trai là thấy mình già, mấy năm nữa lỡ tụi nó lấy nhau mình lại thành ông (cười). Tôi nghĩ cuộc sống của con phụ thuộc rất nhiều vào bạn trai rồi mới đến chồng.
Thật vậy sao?
Đó là chuyện đương nhiên! Khi chơi với bạn, mình còn bị ảnh hưởng huống chi là bạn trai. Tôi biết điều này rất quan trọng. Vậy làm sao để chọn được một người tử tế, biết điều, biết coi trọng phụ nữ?
Khi Anna quen một anh chàng trong trường, hai đứa mới đầu chỉ làm bạn, về sau lại báo cáo: “Bố ơi, con yêu anh này rồi”. Ngay lập tức tôi mời cậu đó đến nhà chơi, để cho con biết mình không cấm đoán và cũng để xem người ta thế nào.
Qua đó, tôi thấy cậu ấy là một người mà mình muốn con gái quen. Dần dà, nhờ hai cháu mà hai bên bố mẹ lại quen biết nhau, kể cả những lúc hai đứa tranh cãi gì đó thì hai gia đình vẫn chơi với nhau.
Có phải nghĩ vậy nên anh đã trở thành một ông bố lãng mạn đến mức... tặng hẳn một album đầu tay cho cô con gái cùng cậu bạn trai của con mình?
Tôi không nghĩ đó là lãng mạn, chỉ là tình yêu của mình với con. Có những ông bố khi thấy con gái quen bạn trai thì cảm thấy bị xúc phạm vì bỗng dưng có đứa đến “cướp” con gái mình. Tôi chưa bao giờ có những suy nghĩ như vậy, hoàn toàn bình thản. Tình cảm của tôi dành cho con quá lớn, đến mức thấy con hạnh phúc mình còn sướng gấp mười.
Còn album nhạc dành cho hai đứa, tôi cũng nghĩ rất đơn giản, cả hai đứa đều là mối tình đầu của nhau mà mối tình đầu rất thiêng liêng, đó như một kỷ niệm đẹp để nhớ về.
Cảm anh anh đã chia sẻ!
Theo Từ Nữ Triệu Vương (Mốt & Cuộc sống)