Cuối cùng thì Giọng hát Việt nhí (GHVN) mùa hai cũng đã kết thúc. Năm nay GHVN không gây ồn ào như mùa đầu, tuy vậy, vẫn có thể thấy GHVN tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng khi tiếp tục thu hút đông đảo công chúng theo dõi, bình phẩm và bỏ phiếu.
GHVN đang chứng tỏ là nhân tố sống còn của làn sóng truyền hình thực tế đang đến hồi bão hòa hiện nay. Khi tất cả những chương trình truyền hình có người lớn tham gia đang đuối sức thì những thí sinh măng non đang là những niềm hy vọng lớn lao để khỏa lấp thị trường, và mang về những lợi ích thiết thực cho nhà sản xuất.
Hát bài lố tuổi? Bé cứ hát!
Trong tổng số khoảng hơn 130 bài mà các thí sinh thể hiện tại GHVNmùa này thì có khoảng 40 bài là nhạc ngoại và có hơn 50 bài là không đúng với lứa tuổi của những thí sinh từ 9 đến 15. Con số này còn cao hơn mùa đầu khi năm ngoái, nhạc ngoại chiếm khoảng 50 bài, còn nhạc người lớn chỉ hơn 40 bài.
Nhiều người ta thán chuyện này đã nhàm tai. Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại. Nước ngoài cũng thế. Ngay chính chương trình The Vocie Kids gốc của Hà Lan cũng đầy rẫy chuyện tương tự. Bọn trẻ hát thậm chí còn shock hơn nhiều, từ I will Always Love You cho đến You And I, Bleeding Love…, toàn những bản nhạc tình nẫu tâm can.
|
Thiện Nhân ôm chiếc úp quán quân cùng HLV của mình, ca sĩ Cẩm Ly.
|
Nhưng ai quan tâm? Nó rất khác với những chương trình dành cho trẻ nhỏ nhưng móc túi người lớn theo kiểu Disney. The Voice Kids hay những chương trình truyền hình thực tế trẻ em khác cần phải nói là dành cho người lớn. Ai cũng bàn về việc thiếu thốn ca khúc thiếu nhi. Điều này đã nói mãi, nhưng có một điều chẳng thấy ai bàn, nếu không đủ bài thì tổ chức tìm kiếm tài năng nhí làm gì?
Nhưng những chương trình như GHVN cuối cùng vẫn phải được tổ chức vì thật ra đó là sân chơi… người lớn. Sự mâu thuẫn ấy không khó lý giải. Trẻ con hát nhạc của người lớn đã là một sự tò mò đầu tiên. Bên cạnh đó, những bài hát của người lớn luôn có một sự bùng nổ, cao trào gây hấp dẫn cho người nghe. Người lớn nghe, người lớn thích và người lớn bầu chọn.
Thống kê của công ty khảo sát thị trường Datasection Việt Nam cho thấy lượng công chúng chỉ tính riêng trên facebook (và gói gọn trong facebook chính thức của GHVN chứ chưa tính bên ngoài) đã lên đến vài trăm ngàn người “like” (thích), chưa kể hàng chục ngàn bình luận và chia sẻ xung quanh. Trong số vài trăm nghìn người đó, có bao nhiêu đứa trẻ tuổi từ 9-15 được phép dùng facebook? Đó là còn chưa kể đến YouTube (con số hàng triệu), Google search và những mạng xã hội khác.
Vậy tóm lại, “nhí” là cái cớ cho người lớn giải khuây khi mà những chương trình truyền hình thực tế mà người trưởng thành tham gia, ngày càng bé dần. Người lớn thích, nhà sản xuất hài lòng, nhà tài trợ mỉm cười, rating tăng chóng mặt. Ai cũng muốn trẻ em được hát đúng tuổi nhưng những cuộc thi truyền hình vốn cần công chúng chứ không quá quan trọng tài năng, lại không chấp nhận. Cuối cùng thì ai cấm được trẻ con được tiếp tục hát nhạc người lớn? Và GHVN tiếp tục thắng mùa 2, là điều dễ hiểu.
Nước mắt rơi trên sân khấu
Mùa thứ hai tiếp tục mang lại những lợi nhuận kếch xù cho nhà sản xuất và càng đẩy mức độ thắng thua lên thang cao nhất. Tiếc thay, nạn nhân của sự thắng thua ấy lại là bọn trẻ. Bởi nếu không thắng thua, sao những giọt nước mắt rơi trên sân khấu lại nhiều đến thế?
Lần nữa cũng phải nhấn mạnh, chuyện này không hiếm ở những chương trình như The Voice Kids khắp nơi. Đơn cử như mùa 2 của The Voice Kids tại Australia, cô bé 13 tuổi Remy đã khóc nức nở khi không được 4 HLV chọn ở vòng giấu mặt. Ngay lập tức một cuộc bút chiến ầm ĩ trên tất cả các báo rằng tại sao nhà đài (mà lại là đài truyền hình quốc gia) không cắt phần ấy đi mà lại để cho một đứa bé tuổi khóc lóc đau đớn trên sân khấu như thế.
Những nhà đạo đức học, xã hội học thậm chí cả tâm lý học nhảy vào mổ xẻ vấn đề và đều nói rằng cho bọn trẻ áp lực dưới ánh đèn sân khấu quá sớm là một việc làm câu khách quá trớn.
|
Ba gương mặt của đêm chung kết (từ trái qua): Hoàng Anh, Thiện Nhân và Thiên Nhâm.
|
Đáp lại Đài NINE nói rằng họ đã tham khảo ý kiến phụ huynh của Remy và nhận được sự đồng ý mới cho phát sóng. Bên cạnh đó, phụ huynh Remy cũng nói rằng họ muốn con cái mình nhận ra rằng cuộc sống đầy rẫy khó khăn, quan trọng là con phải biết vượt qua nó. Nhưng nhiều khán giả đáp lại rằng họ sẽ tắt ti vi nếu chuyện này còn xảy ra, họ không muốn con cái mình bị tác động tâm lý thắng thua như thế. Và sau đó, nước mắt rơi ít hẳn trên sân khấu Voice Kids của Australia.
Cuộc chơi nào cũng có giá của riêng mình. Bọn trẻ trên con đường trưởng thành cần phải nghe nhiều lần chữ “không” cho những cố gắng của chúng. Chúng phải nghe để cố gắng hơn. Nhưng chúng cũng phải hiểu, sự cố gắng ấy là tốt cho chính bản thân mình, chứ không phải để làm lấy lòng người lớn và nhận về sự bình chọn khả quan.
Đó là một sự khác biệt rất lớn dù câu chuyện của bọn trẻ ở nơi nào cũng gần như giống nhau. Nhưng ở nước ngoài trẻ em được bảo vệ tuyệt đối.
Còn ở Việt Nam, rating mới là thứ cần được bảo vệ tối đa.
GHVN mùa thứ hai khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về cô bé Nguyễn Thiện Nhân của đội HLV Cẩm Ly với tổng lượng bình chọn là 49,47%. Hai thí sinh còn lại là Nguyễn Hoàng Anh và Trần Kayon Thiên Nhân đạt vị trí Á quân. Kết thúc cuộc thi, BTC cũng công bố bắt đầu nhận đơn dự tuyển mùa thứ ba.
Theo TTVH