Cách đây hơn 1 năm, đoàn làm phim Kong: Skull Island đến Việt Nam để quay một số đại cảnh cho bom tấn có kinh phí lên tới 190 triệu USD này. Trong quá trình quay phim ở Việt Nam, đặc biệt là Ninh Bình, đoàn làm phim có nhu cầu tuyển lựa một lượng lớn diễn viên quần chúng vào vai thổ dân của ngôi làng Iwi – được xây dựng tại đầm Vân Long – Gia Viễn – Ninh Bình.
Trước nhu cầu của đoàn phim, hàng trăm người dân, làm đủ mọi nghề, sinh sống xung quanh đầm Vân Long đã hào hứng tham gia thử vai với hi vọng được xuất hiện trong một bom tấn Hollywood.
Trong quá trình thử vai đó, cô Vũ Thị Đào – một người dân làm nghề chèo thuyền tại đầm Vân Long trở nên nổi tiếng nhờ biểu cảm “diễn sâu” với đoàn làm phim. Hình ảnh này đã được giới truyền thông ghi lại và trở thành hiện tượng trên cộng đồng mạng cách đây tròn 1 năm.
|
Cô Đào cho biết, sau khi "nổi tiếng" bất đắc dĩ, cuộc sống của mình không có gì thay đổi. |
Một năm sau ngày bức ảnh của cô Vũ Thị Đào gây bão trên cộng đồng mạng và cũng là những ngày công chiếu Kong: Skull Island trên toàn thế giới, chúng tôi tìm về đầm Vân Long và gặp lại cô Đào trong sự háo hức, chờ mong bom tấn đình đám được ra mắt.
Một năm sau ngày “nổi tiếng” theo kiểu bất đắc dĩ, cô Vũ Thị Đào vẫn làm nghề chèo thuyền tại đầm Vân Long. Nhắc về những ngày tháng nổi đình đám trên cộng đồng mạng, cô Đào bẽn lẽn cho rằng đó những kỉ niệm mà mình thật khó quên.
“Ban đầu, tôi cũng không nghĩ là mình lại được chú ý đến thế, vì thực ra mình có trúng tuyển đâu. Sau đó, con cái tôi nói về việc ảnh mẹ bị chế trên mạng thì tôi mới biết đấy”, cô Đào thật thà.
Cô Đào cho biết, cô cảm thấy việc mình nổi tiếng hay bị chế ảnh cũng không có vấn đề gì. “Tuy nhiên, các con tôi có vẻ không hài lòng lắm. Các con tôi có bảo là không thích mẹ bị chế ảnh và phải “dập” đi”, cô nói.
|
Cô Đào từng trải qua 2 vòng thi tuyển nhưng vẫn không trúng làm diễn viên quần chúng trong phim. |
Tham gia thử vai và không được nhận nhưng cô Đào cũng có khá nhiều kỉ niệm với đoàn làm phim. Cô đào nhớ lại, có đến hơn 300 người thuộc đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi ở xã Gia Vân được huy động để thử vai quần chúng trong Kong: Skull Island.
“Mỗi người được yêu cầu thử một dạng vai khác nhau. Người khóc, người cười, có người làm đi lại mấy chục lần. Có người vừa có người thân bị mất thì khi ra thử vai được đoàn phim yêu cầu thực hiện cảnh giả chết. Người ấy liền vùng vằng nhất định không làm”, cô Đào nhớ lại.
Khi đoàn phim đến với khu vực đầm Vân Long, đời sống người dân ở đây sôi động hơn và có cơ hội phục vụ đoàn phim ăn uống, đi lại trên khu vực đầm. Tuy nhiên, trong thời điểm thực hiện những cảnh quay trong đầm, không người dân nào được tiếp cận vì lí do bảo mật của phim.
Cô Đào cũng cho hay, cô có được tiếp tục và gặp gỡ một vài thành viên trong đoàn làm phim và thấy ai nấy đều làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp. “Tôi có gặp ông đạo diễn râu rậm vài lần nhưng ông ấy rất bận rộn. Ăn xong là lại chui vào xe và ra hiện trường quay phim”.
|
Cô Đào háo hức khi phim được công chiếu. |
Hiện cô Đào và nhiều người dân quanh khu vực đầm Vân Long vẫn tỏ ra rất háo hức khi bộ phim Kong: Skull Island được công chiếu trên toàn thế giới. Dù vậy, cô cũng có băn khoăn rằng không biết bao giờ mới được xem bom tấn này vì tại Ninh Bình không có rạp chiếu phim.
“Tôi và nhiều người dân xung quanh đầm đều háo hức được xem bộ phim này nhưng không biết làm thế nào. Thôi thì đành đợi chiếu trên tivi vậy. Hi vọng là sẽ nhanh được xem”, cô Đào háo hức nói.
|
Cô Đào chèo thuyền tại đầm Vân Long được 21 năm. |
Chia sẻ về cuộc sống riêng của mình, cô Đào cho biết, cô đã làm nghề chèo thuyền tại đầm Vân Long đến nay được 21 năm. “Tôi năm nay 53 tuổi, đã chèo thuyền ở đầm Vân Long được 21 năm. Trong 21 năm đó, chỉ có một năm tôi nghỉ sinh là không làm được”, cô nói.
Công việc chèo thuyền tại đầm Vân Long giúp cô Đào có thu nhập khá. “Mỗi chuyến chở khách, người chèo thuyền được trả 35 nghìn đồng. Mỗi ngày trung bình chèo khoảng 3 chuyến, mỗi tiếng kéo dài khoảng 1,5 tiếng”, cô Đào kể. Tiền công chèo thuyền cùng tiền “bồi dưỡng” của khách du lịch giúp cô Đào có nguồn thu ổn định.
Tuy nhiên, vì có tới 4 người con trai nên cuộc sống của gia đình cô Đào cũng vất vả. “Nếu trông vào mỗi nghề chèo thuyền không thì vất vả lắm. Chồng tôi phải làm thêm nghề đánh cá bắt cua tại đầm nữa. Cũng may nguồn hải sản tại đầm rất phong phú”, cô Đào cho hay.
Theo Kiều Thuận/Dân việt