|
NSND Lan Hương. |
Thương yêu lắm nghề diễn
Yêu nghề - đó là tất cả những gì bạn bè đồng nghiệp đã nói về NSND Lan Hương và bản thân chị cũng tự nhận thấy mình như thế. Chị bảo nghề gì cũng vậy, muốn tốt, trước hết mình phải yêu nghề. "Thực ra, khi mới vào nghề, tôi cũng chỉ biết học rồi ra diễn, cứ cần mẫn thế thôi. Nhà xa, lại không có ai theo nghề, mình phải cố gắng hơn rất nhiều bạn cùng trang lứa. Ngày nào cũng đạp xe 6 vòng từ gò Đống Đa lên Nhà hát. Thời gian làm việc, tôi đã nghiệm ra một điều, năng khiếu chỉ là một phần nhỏ, sự kiên trì tập luyện, học hỏi mới mang lại hiệu quả cao. Nhiều bạn thi đỗ vì có năng khiếu nhưng ra trường không diễn được bởi tự tin quá vào năng khiếu đó. Vậy nên tôi không đánh giá người có năng khiếu cao, tôi lại đánh giá người có quyết tâm và trái tim với nghề", NSND Lan Hương chia sẻ.
Hỏi NSND Lan Hương, sau bao năm theo nghiệp diễn, đến lúc về hưu rồi, chị còn điều gì tiếc nuối? Lan Hương cười nói: "Nói không tiếc nuối là không đúng bởi bây giờ Bộ VHTT&DL lại muốn đưa nghệ thuật sân khấu về đúng vị trí của nó, điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị nghệ thuật sẽ mạnh dạn dựng các vở thật chuyên nghiệp. Diễn viên cũng sẽ thăng hoa hơn chứ không diễn theo kiểu "công chức" nữa bởi lối diễn đó sẽ không thể tồn tại lâu.
Nhưng mà tiếc cũng không được, phải dành chỗ cho các bạn trẻ. "Dao năng mài sẽ sắc", các bạn trẻ có cơ hội cọ sát, chịu khó học hỏi thì sẽ thành công", NSND Lan Hương tâm sự.
Điều tiếc nữa của NSND Lan Hương là không truyền nghề cho các nghệ sĩ trẻ một cách chính thống nhất theo kiểu vào trường dạy vì quy định phải có bằng đạo diễn. Trước chị cũng rất muốn học đạo diễn nhưng vì chồng chị - nghệ sĩ Đỗ Kỷ đã học để làm quản lý thì chị thôi. Bù lại anh lại để chị toàn tâm toàn ý phát triển nghề diễn.
"2 vợ chồng làm nghệ thuật, đôi khi tôi phải chọn lựa và vợ chồng tôi đã chọn cách như vậy. Tuy nhiên dù không được đi học nhưng tôi vẫn được mọi người đánh giá là có phương pháp sư phạm. Nên bằng cách này hay cách khác, khi có cơ hội, tôi đều tranh thủ nói với bạn trẻ về nghề. Khi xem các bạn trẻ diễn, từ kỹ thuật đơn giản nhất mà chưa đạt là tôi sẽ góp ý để các bạn tốt hơn. Được cái nhiều bạn tin tưởng, có lần còn thoại ngay trên điện thoại để tôi chỉnh, rất mừng và hạnh khi bạn đó đã sửa được gần hết lỗi và diễn cứng cáp hơn. Khát vọng của tôị là các bạn ấy thành một diễn viên giỏi, yêu nghề", Lan Hương tâm sự.
Chính vì lẽ đó mà NSND Lan Hương bảo, kể cả đi lồng tiếng, diễn viên đã thuộc đoàn nghệ thuật nào rồi, chị sẽ có yêu cầu khắt khe hơn diễn viên tự do. "Bạn nào mà là diễn viên chuyên nghiệp, lồng tiếng chưa được chị có thể hò hét, chỉnh sửa các bạn ấy cho bằng thích bởi muốn các bạn ấy phải thực sự chuyên nghiệp, vững nghề, không thể lơ mơ, nói năng thiếu cảm xúc, không nhập tâm vào nhân vật của mình được", NSND Lan Hương giãi bày.
Không những tiếc, NSND Lan Hương còn thương diễn viên, thương cho cả nền sân khấu nước nhà bởi theo chị, bây giờ đời sống con người cải thiện, nhu cầu thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật ngoài việc nó cuốn hút, hấp dẫn thì cũng phải có chất lượng nghệ thuật cao. Nhưng sân khấu nước nhà bao năm vẫn vậy, vẫn chỉ là một mặt phẳng với bằng ấy cái đèn, không thay đổi là mấy, anh em nghệ sĩ phải "nát óc" suy nghĩ để biến hoá sân khấu, để níu chân khán giả xem vở mà không nhàm chán. Trong khi đó, sân khấu nước ngoài đã hiện đại rất nhiều khiến nghệ sĩ, đạo diễn thoả sức sáng tạo.
Nghèo thanh thản, không bị dằn vặt
NSND Lan Hương tâm sự rằng "không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ", đã diễn là phải diễn hết mình. Điều quan trọng không trong nghệ thuật là không nên tự bằng lòng với mình. "Thực sự, cho tới giờ này tôi vẫn thấy mình cần học hỏi nữa. Nhớ lại lần quay phim 'Mùa ổi'. Cả quá trình quay tôi không dám nói chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh mà chỉ cố làm theo những gì đạo diễn yêu cầu. Đến buổi phim chiếu nháp, tôị không dám đến sớm mà đến thật muộn để ngồi hàng nghế cuối cùng. Xem xong tôi chạy vút ra về nhà luôn bởi xấu hổ vì nhiều chỗ mình chưa ưng. Nếu có thời gian, cho mình làm lại, tôi sẽ làm tốt hơn”.
Thế cho nên, NSND Lan Hương rất sợ PR bản thân và cả vở kịch hay bộ phim của mình trước. "Tác phẩm tốt là tác phẩm tồn tại lâu trong lòng khán giả, chứ PR mà không tốt thì cũng buồn", NSND Lan Hương nói.
Chính vì thế, dù có nhiều lời mời quảng cáo với mức thù lao gấp nhiều lần thù lao của diễn viên nhưng chị từ chối hết vì sợ. "Chưa được dùng sản phẩm mà cứ nói hay, nhỡ người ta dùng không tốt lại mang tiếng. Nhiều bạn bè nói, nghệ sĩ nước ngoài họ làm thế, có sao đâu nhưng bản tính tôi thế, tôi ngại. Mặc dù biết như vậy là mình sẽ nghèo, có thể cổ, cầu toàn quá,... nhưng tôi vẫn muốn giá trị thật. Nghèo thanh thản, không bị dằn vặt. Vợ chồng chị vẫn nói với nhau rằng cố gắng làm cái gì để sau này không bao giờ phải ân hận", Lan Hương trút bầu tâm sự.
Ngần ấy năm kinh nghiệm trong nghề diễn, chị có hiến kế gì để sân khấu để nó thay đổi hơn? "Hiến kế thì to tát quá, tôi chỉ muốn nói những suy nghĩ của mình. Không dám nói là diễn viên bây giờ diễn hời hợt, nhưng mà tôi vẫn luôn nói là diễn viên miền Bắc diễn theo kiểu "công chức" quá. Cùng vở diễn, nếu miền Bắc, diễn viên đã phân vai thì cứ diễn thôi, ốm nghỉ mới thay người khác. Không có sự cạnh tranh, diễn viên không cháy hết mình. Trong khi đó, nếu miền Nam, diễn không tốt, khán giả phản ứng, họ thay diễn viên ngay. Nhưng diễn viên miền Nam đôi lúc, trên sân khấu họ thăng hoa quá, không kìm lại được đôi khi bị cho là rườm rà.
|
NSND Lan Hương trong đêm diễn chia tay trước khi nghỉ hưu. Ảnh: Zing |
Các bộ phim trước khi bấm máy, họ có casting diễn viên khắp cả nước. Nhà hát Kịch Việt Nam mà làm được thế thì quá tốt. Để việc chọn diễn viên cho những vở lớn không phải "so bó đũa, chọn cột cờ". Cả nước sẽ chọn được nàng Kiều ra nàng Kiều. Như vậy cho cạnh tranh lành mạnh, khiến diễn viên phải phấn đấu, vở kịch lại có nhiều gương mặt mới phù hợp. Dung hòa và phát huy được lợi thế của diễn viên 2 miền Nam – Bắc", NSND Lan Hương chia sẻ.