Ăn sứa có tốt không? Những người nào không nên ăn sứa?

Google News

Sứa chứa nhiều dưỡng chất, mang lại những lợi ích sức khỏe khác nhau cho con người. Tuy nhiên, khi ăn bạn cũng cần lưu ý một số điều.

Sứa là một loại sinh vật biển có thân mềm, nhiều xúc tu dài, với nhiều kích thước và màu sắc khác nhau. Trên thế giới có khoảng hơn 200 loài sứa, một số trong đó có độc và không ăn được nhưng ngược lại cũng có nhiều loại sứa ăn được, điều quan trọng là phải tiêu thụ chúng một cách an toàn.

Có khoảng 11 loại sứa được xác định là an toàn để ăn. Sứa rất nhanh hỏng nên việc chế biến và bảo quản vô cùng quan trọng.

Thành phần dinh dưỡng của sứa

Các loại sứa khác nhau cũng có sự chênh lệch về hàm lượng chất dinh dưỡng nhưng nhìn chung, các loại sứa ăn được đều chứa ít calo, nhiều protein, chất chống oxy hóa và các khoáng chất quan trọng.

 

Trong 58 gam sứa có chứa khoảng:

- Lượng calo: 21

- Chất đạm: 3 gam

- Chất béo: 1 gam

- Selenium: 45% giá trị hàng ngày (DV)

- Choline: 10% DV

- Sắt: 7% DV

- Các khoáng chất khác: Canxi, magie và phốt pho

Mặc dù ít chất béo nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng một nửa chất béo trong sứa là từ các axit béo không bão hòa đa (PUFAs), bao gồm cả axit béo omega-3 và omega-6, những chất rất cần thiết trong chế độ ăn uống.

Axit béo không bão hòa đa (PUFAs) nói chung và axit béo omega-3 nói riêng có nhiều lợi ích liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, tốt cho não bộ và mắt, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa...

Nghiên cứu khoa học chỉ ra một số loại sứa còn chứa hàm lượng polyphenol cao, đây là những hợp chất có trong tự nhiên đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu polyphenol sẽ thúc đẩy chức năng não và bảo vệ chống lại một số bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và ung thư.

Ăn sứa có tốt không?

Ăn sứa có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

1. Nguồn selen tuyệt vời

Sứa là một nguồn cung cấp selen tuyệt vời, một khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng ở một số quá trình trong cơ thể. Selen cũng được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi quá trình căng thẳng oxy hóa.

Cơ thể được cung cấp đầy đủ selen sẽ giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, một số dạng ung thư và bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, selen rất quan trọng đối với sự trao đổi chất và chức năng tuyến giáp.

2. Chứa nhiều choline

Choline là một chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng nhiều người lại không cung cấp đủ cho cơ thể. Trong khi đó, sứa chứa khá nhiều choline. Trong 58 gam sứa chứa tới 10% DV của choline.

Choline có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm tổng hợp ADN, hỗ trợ hệ thần kinh, sản xuất chất béo cho màng tế bào, vận chuyển và chuyển hóa chất béo.

Choline cũng liên quan đến những cải thiện trong hoạt động của não, bao gồm cả bộ nhớ và khả năng xử lý tốt hơn. Chất này thậm chí có thể giúp giảm các triệu chứng lo lắng.

3. Nguồn cung cấp collagen tốt

Collagen là một loại protein đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc của các mô, bao gồm gân, da và xương. Tiêu thụ collagen cũng có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng khác nhau, bao gồm cải thiện độ đàn hồi của da và giảm đau khớp.

Collagen có trong sứa mang lại nhiều lợi ích, trong đó quan trọng nhất là hạ huyết áp. Một nghiên cứu trong ống nghiệm chứng minh collagen từ sứa ribbon cho thấy các peptide collagen của nó có tác dụng chống oxy hóa và giảm huyết áp đáng kể.

Các nghiên cứu bổ sung trên động vật đã ghi nhận rằng collagen của sứa bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, cải thiện quá trình chữa lành vết thương và giúp điều trị viêm khớp. Tuy nhiên, những tác dụng này vẫn chưa được nghiên cứu ở người.

Tác hại của sứa

Không phải loại sứa nào cũng an toàn cho con người. Ngoài ra, một số người vẫn có thể bị dị ứng khi ăn sứa đã nấu chín.

Ngoài ra, quá trình chế biến và bảo quản sứa cũng rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm do vi khuẩn hoặc các mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn khác. Một số phương pháp bảo quản có thể khiến sứa có hàm lượng nhôm cao hơn. Điều này có thể gây ra bệnh viêm ruột và bệnh Alzheimer.

Những người không nên ăn sứa

Những đối tượng dưới đây không nên ăn hoặc hạn chế ăn sứa:

- Trẻ em dưới 8 tuổi không được ăn sứa, kể cả những loại sứa đã được chế biến vì rất dễ bị ngộ độc.

- Người bị dị ứng với hải sản.

- Người mới ốm dậy.

- Người bị suy nhược cơ thể.

- Người từng bị ngộ độc thực phẩm. 

Theo K.H/Gia đình & Xã hội