Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một số quan điểm sai lầm về tiêm chủng. Có nhiều nguyên nhân khiến một số người ngại tiêm chủng như: Sống thuận tự nhiên để cơ thể tự chữa bệnh, thiếu niềm tin về sự an toàn của vắc xin, xuất phát từ niềm tin tôn giáo…
Từ khi bệnh dịch Covid-19 bùng phát, nhất là khi các loại vắc xin được nghiên cứu thành công, câu chuyện tiêm chủng hay không trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Rất nhiều thông tin chính thống khẳng định tiêm chủng là đúng đắn và cần thiết.
|
Sách Vắc xin: Những điều cần biết về tiêm chủng do NXB Thế giới và Medinsight thực hiện, dự kiến phát hành trong tháng 7. Ảnh: M. I. |
Cuốn Vắc xin: Những điều cần biết về tiêm chủng của bác sĩ Robert W. Sears cung cấp kiến thức về dịch bệnh và các loại vắc xin. Từ đó, mỗi người đọc dựa trên hiểu biết khoa học để có thể đưa ra lựa chọn đúng bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cuốn sách có 19 chương, trong đó, 12 chương đầu nói về các loại bệnh và vaccine phòng bệnh như: Bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà; bệnh do virus rota; bệnh bại liệt; bệnh sởi, quai bị, rubella; bệnh thủy đậu; bệnh viêm gan A…
Mỗi chương viết về một loại bệnh và vắc xin, tác giả đều đưa thông tin về các loại bệnh như: Phương thức lây truyền, mức độ nguy hiểm và sự phổ biến của bệnh. Tác giả sẽ nói về đặc điểm vắc xin phòng bệnh ấy: Cách thức sản xuất, thành phần, tác dụng phụ và quan điểm của tác giả.
Các chương sau của sách bàn luận về các vấn đề liên quan đến vắc xin như: vắc xin và tự kỷ, các tác dụng phụ của vắc xin, vắc xin cho người lớn...
Mục đích của bác sĩ Robert W. Sears khi viết cuốn sách là muốn người nhận dịch vụ y tế có hiểu biết và được cung cấp thông tin về các lựa chọn mà họ phải quyết định.
Cuốn sách hướng đến các bậc cha mẹ, với mong muốn cung cấp hiểu biết cho phụ huynh về tác dụng của vaccine, lịch tiêm vắc xin, quyết định tiêm chủng cho con.
Tác giả Robert W. Sears là một bác sĩ nhi khoa làm việc tại California, Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành y tại Đại học Georgetown vào năm 1995 và hoàn thành chương trình đào tạo nội trú nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles vào năm 1998.
Theo Y Nguyên/Zing