Tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62), lớp Arleigh Burke đã va chạm với một tàu container trên biển Philippines. Vụ tai nạn khiến DDG-62 thiệt hại nặng ở mạn phải, 7 thủy thủ thiệt mạng. Tàu khu trục Mỹ suýt chìm nếu không có phản ứng nhanh nhẹn của thủy thủ đoàn trong việc cô lập các khu vực bị ngập nước.
Các tàu kéo đã đưa tàu gặp nạn cập cảng ở căn cứ Yokosuka, Nhật Bản vào ngày 18/6. Đây là một trong những vụ đâm tàu nghiêm trọng nhất đối với Hải quân Mỹ kể từ những năm 1990 đến nay. Lớp Arleigh Burke là loại tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, nòng cốt sức mạnh tấn công của hải quân số 1 thế giới.
Vì sao tàu chiến hiện đại được trang bị những công nghệ chiến tranh tinh vi nhất lại để xảy ra tai nạn nghiêm trọng như thế?
Mỗi tàu chiến của Hải quân Mỹ được trang bị ít nhất 4 loại radar khác nhau cho nhiệm vụ phát hiện mục tiêu trên biển, trên không, điều khiển hỏa lực và điều hướng hàng hải.
Trong đó hệ thống điều hướng hàng hải là thành phần quan trọng giúp tàu di chuyển an toàn và đúng hải trình trên biển. Theo Marineinsight hiện có ít nhất 30 loại thiết bị khác nhau dùng cho nhiệm vụ điều hướng hàng hải, trong đó có những loại vận hành thủ công và tự động hoàn toàn bằng máy tính.
Đối với tàu chiến hiện đại, người ta thường sử dụng song song loại vận hành thủ công và tự động để bổ trợ cho nhau. Loại điều hướng hàng hải tự động gồm: Hệ thống hiển thị thông tin và hải đồ điện tử dùng cho tàu chiến (WECDIS), hệ thống nhận dạng tự động (ASI).
Đặc biệt, các tàu chiến hiện đại của Mỹ cũng như các nước khác đều được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm tự động (ARPA). Cảm biến của hệ thống kết hợp với máy tính sẽ dựa trên tốc độ, hướng đi của tàu so với tàu khác từ đó đưa ra thông tin cảnh báo va chạm.
Tàu được vận hành như thế nào?
|
Hệ thống WECDIS trên một tàu chiến. Ảnh minh họa: Sainsel. |
Tàu chiến là cỗ máy chiến tranh nên mọi hoạt động của tàu trên biển được giám sát 24/24. Ở vị trí cao nhất trên tháp chỉ huy, cũng là nơi người lái tàu và các sĩ quan chỉ huy làm việc. Ở mọi thời điểm, tháp chỉ huy có từ 6-10 sĩ quan và thủy thủ chịu trách nhiệm về điều hướng và đảm bảo an toàn cho hải trình của tàu.
Họ làm việc dưới sự điều kiển của sĩ quan boong, người chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho thuyền trưởng. Bên dưới tháp chỉ huy là trung tâm thông tin chiến đấu (CIC). Ở đây luôn có 6-10 sĩ quan và thủy thủ làm việc.
CIC kiểm soát hoạt động của hệ thống radar, theo dõi các mục tiêu xung quanh tàu, tính toán giải pháp điều khiển hỏa lực và sẵn sàng khai hỏa vũ khí theo lệnh thuyền trưởng. CIC cũng theo dõi hải trình của tàu qua WECDIS, hỗ trợ cho hoạt động điều hướng.
Ngoài ra, trên tàu còn có ít nhất 2-3 thủy thủ chuyên quan sát mặt biển xung quanh tàu bằng ống nhòm để phát hiện những vật thể như tàu thuyền nhỏ di chuyển vào điểm mù của radar. Với hệ thống cảm biến và điều hướng tinh vi như vậy, mọi vật thể xuất hiện gần tàu chắc chắn sẽ bị phát hiện.
Vậy tại sao một tàu container tải trọng tới 29.000 tấn lại đâm vào tàu chiến Mỹ gây thiệt hại nặng?
Yếu tố con người?
Tuy nhiên, ngay cả những hệ thống điều hướng hàng hải tối tân cũng tồn tại nhược điểm. Cảm biến của hệ thống WECDIS, hay ARPA đều có sai số. Chỉ cần một cảm biến trong hệ thống gặp sự cố, thông tin hiển thị có thể sẽ không còn chính xác, khi đó vị trí của tàu hiển thị trên WECDIS có thể không đúng so với vị trí thực tế. Điều này có thể dẫn đến tai nạn nếu thủy thủ đoàn quá phụ thuộc vào WECDIS.
|
Vị trí lái tàu lúc nào cũng có từ 6-10 sĩ quan và thủy thủ trực nhiệm vụ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
John Kirby, nhà phân tích an ninh nói với CNN: “Nhiều khi các bức ảnh từ radar có thể thuyết phục bạn về một điều gì đó mà bạn thấy không phù hợp. Bạn cần một thông tin tham khảo từ nguồn khác mà chỉ có thể nhận được từ những gì bạn quan sát thấy”.
Nhận xét của nhà phân tích kỳ cựu cho thấy vai trò quan trọng của con người đối với hoạt động đảm bảo an toàn trong điều hướng hàng hải cũng như mọi hoạt động khác. Theo quy định của Hải quân Mỹ, thuyền trưởng có toàn quyền trong việc đảm bảo an toàn cho tàu trước các nguy cơ va chạm, hay các tình huống có thể đe dọa sự an toàn của tàu cũng như tính mạng thủy thủ.
“Tất cả thuyền trưởng đều có quyền hạn bảo vệ tàu của mình bằng vũ khí nếu có tàu, hoặc phương tiện khác gây ra mối đe dọa thù địch, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của tàu và thủy thủ đoàn”, nhà phân tích Kirdy nói.
Thông thường, thuyền trưởng sẽ có mặt trên tháp chỉ huy khi tàu ra vào cảng, khu vực có nguy cơ an ninh cao, hoặc những khu vực có mật độ giao thông hàng hải nhộn nhịp. Trong trường hợp có tàu lạ tiếp cận gần chiến hạm Mỹ, thuyền trưởng sẽ được thông báo để lên đài chỉ huy trực tiếp điều khiển mọi hoạt động.
Thuyền trưởng của tàu DDG-62 ở trong buồng riêng khi xảy ra vụ va chạm. Điều đó cho thấy rằng, ê kíp trực hôm đó đã không báo cho thuyền trưởng về tàu lạ đang tiếp cận gần chiến hạm Mỹ. Tai nạn xảy ra vào ban đêm, khi khả năng quan sát bằng mắt thường qua ống nhòm bị hạn chế.
Tàu container được cho là đã thực hiện việc đổi hướng 25 phút trước khi xảy ra tai nạn. Điều đang khiến nhiều người thắc mắc là trong quãng thời gian đó, thủy thủ đoàn trên chiến hạm Mỹ đã làm gì? Hệ thống cảm biến trên tàu có gặp lỗi gì hay không?
Quốc Minh