Ukraine và Liên minh châu Âu đã ký chương trình thứ tư về hỗ trợ tài chính vĩ mô cho đất nước với số tiền 1 tỷ euro, các kênh truyền hình Ukraine phát sóng sự kiện ký kết bản ghi nhớ.
"Chúng tôi vừa ký một biên bản ghi nhớ và Hiệp định vay nợ giữa Ukraine và Liên minh châu Âu, liên quan đến chương trình thứ tư về hỗ trợ tài chính vĩ mô của EU đối với Ukraine” - Tổng thống Ukraine Piotr Poroshenko cho biết là ông đã tham dự lễ ký kết thỏa thuận.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, Hiệp định vay này là điểm mấu chốt của các thỏa thuận chính trị trước đây của ông với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phía Đông"; trong đó, EU cung cấp hỗ trợ tài chính vĩ mô cho Ukraine từ năm 2014.
|
Quân đội Ukraine đang thiếu thốn trang bị vũ khí trầm trọng |
Các chương trình tương tự trước đây với tổng số tiền tài trợ 1,8 tỷ euro đã được phê duyệt theo hình thức viện trợ không hoàn lại (có điều kiện) cho Ukraine vào năm 2015.
Trong các đợt viện trợ này, Ukraine đã được trao 1,2 tỷ euro để đổi lấy việc thực hiện cải cách. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu với tư cách quản lý chương trình đã đình chỉ đợt chuyển tiền cuối cùng cho chính quyền Kiev, bởi vì chính quyền Poroshenko đã không thực hiện một số điều kiện, kể cả trong lĩnh vực cải cách trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Do đó, những thành tựu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một trong các điều kiện cần thiết để chuyển giao cho Ukraine gói cứu trợ mới từ EU, như Ủy ban châu Âu đã thông báo trước đó. Và gói cho vay lần này có lẽ cũng sẽ kèm theo những điều kiện như vậy.
Bên cạnh các khoản vay phát triển kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ukraine cũng cần tăng cường thêm một số vũ khí, trang bị sát thương nhưng mới đây Mỹ đã tuyên bố là sẽ không viện trợ mà Ukraine sẽ phải chi tiền mua.
Ngày 15/9, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Ukraine là Kurt Volker tuyên bố trong hội nghị YES rằng, Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận với Ukraine về nhu cầu tăng cường khả năng phòng thủ và giải quyết vấn đề này theo cách kinh doanh.
Hãng tin Ukraine Ukrinform dẫn lời Kurt Volker cho biết, Mỹ sẵn sàng cải thiện khả năng phòng thủ của Ukraine. Tất nhiên, khả năng đó đã được tăng lên trong thời gian qua nhưng vẫn có một số lỗ hổng. Washington và Kiev có thể bàn bạc kỹ xem lỗ hổng đó ở chỗ nào.
Theo ông, trước đây, Tổng thống Barack Obama đã ban hành sắc luật cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, thì bây giờ Mỹ sẽ sử dụng hình thức chuyển giao. Washington đã sẵn sàng thảo luận xem Ukraine cần những gì và có thể phê duyệt cho Kiev mua những thứ nhất định.
Năm 2018, chính quyền Kiev đã nhận được từ Hoa Kỳ, Litva, Anh và Canada số vũ khí sát thương và các phương tiện quân sự khác trị giá hơn 40 triệu USD. Chính quyền Hoa Kỳ vào năm 2017 cũng đã phê chuẩn việc cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm cả hệ thống tên lửa cơ động chống xe tăng Javelin (đã được nhận vào cuối tháng 4 vừa qua)
Tuy nhiên, số lượng này vẫn là quá nhỏ nhoi so với nhu cầu nâng cấp lực lượng vũ trang đã quá rệu rã của Ukraine; khiến quân đội nước này đã phải huy động các thiết bị quân sự cũ đã bị loại bỏ khỏi danh sách hàng bảo quản trong kho, thì mới đảm bảo số lượng quân trang cần thiết để tái trang bị cho các đơn vị chiến đấu của quân đội nước này.
Theo giới truyền thông Ukraine, trong tháng này, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, ông Muzhenko đã quyết định trang bị cho lữ đoàn tấn công sơn cước 128 xe bọc thép cũ kỹ đã bị loại bỏ khỏi danh sách hàng bảo quản trong kho số 1658 ở Trung tâm cung cấp thiết bị bọc thép tại Kharkov.
Không những vậy, ngay cả những đơn vị được coi là "ưu tú nhất" của quân đội Ukraine cũng thiếu thiết bị quân sự trầm trọng. Vấn đề này cũng đã được các quan chức quốc phòng nước này nhắc tới không chỉ một lần, nhưng tình trạng đó vẫn chưa được cải thiện.
Theo Nhật Nam/Báo Đất Việt