Trong tiết trời rất đẹp và quang mây buổi sáng, những phi công trong bộ đồ bay đặc trưng của Không quân nhân dân Việt Nam bước lên buồng lái, điều khiển những chiếc Su-30MK2 lao vút lên bầu trời. Đường băng sân bay Kép nóng ran bởi hàng chục lượt cất, hạ cánh của những chiếc tiêm cường kích đa năng được ví như “Hổ mang chúa”. Những tiếng rít như xé toạc không gian mỗi khi chiến đấu cơ chuẩn bị rời mặt đất khiến tai tôi ù đi.
|
Một chiếc Su-30MK2 của Trung đoàn 927 cất cánh làm nhiệm vụ Ảnh: NGUYỄN MINH. |
Phải đợi tới tận chiều muộn, vì cả trung đoàn đều tập trung huấn luyện bay thông trưa, khi cả hai phi đội đã hoàn thành các bài bay theo khoa mục huấn luyện đề ra, chúng tôi mới có cơ hội tranh thủ ngồi trò chuyện với các phi công.
Chinh phục bầu trời
Mê chinh phục bầu trời từ thời niên thiếu, đang học cấp 3 tại Hòa Bình, Đồng Đại Dương (SN 1989) biết tin Viện Y học hàng không, Quân chủng Phòng không - Không quân có đợt khám tuyển phi công. Vượt qua các vòng kiểm tra sức khoẻ ngặt nghèo, anh trúng tuyển và theo học tại Trường Sĩ quan Không quân. 5 năm miệt mài học tập, rèn luyện, khoảnh khắc hạnh phúc nhất của anh là khi lần đầu tiên được bay thả đơn, rồi được đào tạo chuyển loại trên loại máy bay hiện đại nhất Su-30 cùng giáo viên bay trên vùng trời Biên Hòa. Hiện nay, anh là biên đội trưởng thuộc phi đội 1 của trung đoàn.
“Tôi đã có gần 600 giờ bay với các loại máy bay Yak-52, L-39 và Su-30MK2. Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy lý thuyết trên ghế nhà trường là cơ sở quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình bay phải kết hợp vận dụng kinh nghiệm thực tiễn linh hoạt mới có thể làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trong mỗi tình huống, mỗi điều kiện cụ thể, sẽ đòi hỏi một cách xử lý khác nhau, nên phi công chúng tôi vẫn phải luôn kiên trì tập luyện thành thục các bài tập bay, các bài tập chiến đấu trên sa bàn trước khi thực hành bay. Trong các khoa mục huấn luyện, với tôi, bài bay cơ động công kích mục tiêu trên mặt đất là khó nhất”, đại uý Dương nói.
Biên đội trưởng thuộc phi đội 1, đại úy Bùi Văn Lập (SN 1991) chia sẻ bài tập bay anh cảm thấy khó nhất là nhào lộn độ cao thấp. Trong khoa mục này có nhiều động tác khó, yêu cầu phi công điều khiển máy bay quay vòng, thắt nút, thay đổi đột ngột ở độ cao thấp.
Chàng phi công quê lúa Thái Bình có khuôn mặt chữ điền và luôn toát lên nét cương nghị kể: Hằng ngày, công việc của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng. Hôm thì học lý thuyết, luyện tập thể thao, hôm thì luyện tập các bài tập trên không, sau đó về giảng bình rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho các chuyến bay tiếp theo. Nếu thời tiết tốt, một ngày cánh phi công chúng tôi có thể thực hiện hàng chục chuyến bay liên tục được triển khai từ sáng cho đến khi hoàn thành các bài tập. Có khi các bài tập bay dài thực hiện đến 11-12 giờ đêm mới xong, khi trở về đơn vị lại tiếp tục chuẩn bị cho các chuyến bay tiếp theo…
“Chuyến bay đơn đầu tiên của tôi là với máy bay huấn luyện Yak-52 trên bầu trời thành phố Nha Trang trong thời gian 6 phút. Cảm giác khi đó rất khó tả bởi đây là dấu mốc đầu tiên của tôi trong nghề bay. Chuyến bay dài nhất mà tôi lái chính trên một chiếc Su-30 là lần bay trên biển phía Nam với bài bay công kích mục tiêu”, đại úy Lập nói.
Gác niềm riêng giữ chủ quyền
Những người lính ở Trung đoàn 927 tâm sự, nhiều người cho rằng thời bình thì cánh phi công chiến đấu chắc sẽ nhàn rỗi, nhưng hằng ngày phi công vẫn phải miệt mài học tập, thao luyện để luôn trong tâm thế sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.
Thế nên, mỗi chuyến được về phép, tranh thủ, luôn khiến những người lính bay trẻ tuổi trân quý từng phút ngắn ngủi bên hậu phương. Tự nhận mình may mắn hơn nhiều đồng đội cùng đơn vị, cả đại úy Đồng Đại Dương và đại úy Bùi Văn Lập đều chia sẻ là khi vợ sinh con đã được tạo điều kiện về chăm lo gia đình ít ngày rồi vội về đơn vị trực chiến, dù sau đó chưa một lần được cùng con đón sinh nhật…
Nhắc đến hậu phương, đại úy Đồng Đại Dương tâm sự, từ ngày vào bộ đội, anh mới về quê ăn tết tại Hòa Bình với người thân 3 lần. Anh nói: “Vợ tôi cũng là một quân nhân, cô ấy là điểm tựa tinh thần rất lớn để tôi yên tâm công tác. Cha mẹ tôi và 2 con nhỏ đều nhờ cô ấy chăm lo”.
Trung tá Ngô Quang Huy (SN 1978), trung đoàn trưởng, gắn bó với đơn vị từ ngày mới ra trường. Anh là một phi công dạn dày kinh nghiệm, với gần 1.000 giờ bay trên nhiều loại máy bay, trong đó có MiG-21 và Su-30MK2.
|
Chỉ huy Trung đoàn 927 và các phi công trao đổi sau ban bay huấn luyện chiến đấu. Ảnh: NGUYỄN MINH.
|
Nói về kinh nghiệm “chế ngự Hổ mang chúa”, trung tá Huy cho biết, đây là loại tiêm kích hiện đại nhất trong số những máy bay anh đã từng bay: “Lái Su-30 đòi hỏi phải có trình độ cao, bởi trang thiết bị rất hiện đại, với nhiều hệ thống tự động, thiết bị ngắm mục tiêu gắn trên mũ bay, các hệ thống radar, dẫn đường đều rất tân tiến. Vì vậy, để thực sự làm chủ loại phương tiện chiến đấu này, phi công cần bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các thiết bị, chức năng trên máy bay”.
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Việt Phương, chính ủy Trung đoàn 927 cho biết, đơn vị thành lập cuối năm 1971. Ngày 10/5/1972, trung đoàn xuất kích đánh thắng trận đầu, bắn rơi 2 “con ma” F-4 Phantom II của Mỹ, bắt sống 2 giặc lái. Kể từ ngày thành lập đến khi kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ (tháng 1/1973), trung đoàn đã xuất kích hơn 200 lần, đánh 63 trận, bắn rơi 43 máy bay các loại, trong đó có 1 pháo đài bay B-52, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.
Trải qua hơn 46 năm, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đoàn Không quân Lam Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo đảm an toàn bay, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, trung đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năm 2014, trung đoàn kết thúc thực hiện nhiệm vụ trên máy bay MiG-21, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ chuyển loại và huấn luyện chiến đấu trên máy bay Su-30MK2. Ngày 11/11/2016, chiếc máy bay Su30-MK2 đầu tiên mang số hiệu 8586 đã hạ cánh tại sân bay Kép, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của trung đoàn.
“Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời phía Bắc của đất nước.Những năm qua, tham gia hội thi, hội thao, diễn tập có bắn, ném bom đạn thật, trung đoàn đều đạt kết quả cao. Đến nay, 100% phi công của trung đoàn đã được phê chuẩn trực ban sẵn sàng chiến đấu”, thượng tá Phương nói.
Nhờ làm tốt công tác huấn luyện và bảo đảm về mọi mặt, những năm qua, Trung đoàn 927 đã tổ chức huấn luyện bảo đảm an toàn bay và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ động bay bắn, ném bom đạn thật tại trường bắn TB-3, TB-5, cũng như tổ chức bay huấn luyện, hợp luyện và bay thực binh bắn, ném bom, đạn thật tại Trường bắn TB-1 đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn. Năm 2018, trung đoàn đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm và các nhiệm vụ đột xuất, tính đến ngày 30/10/2018, trung đoàn tổ chức huấn luyện bay đạt 115% kế hoạch.
Theo Nguyễn Sơn-Thanh Huyền/Báo Tiền Phong