Tờ Eurasiantimes cho biết, việc Mỹ "bật đèn xanh" viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine là điều đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên, các chiến đấu cơ F-16 với tiêu chuẩn hoạt động cực kỳ khắt khe, đòi hỏi hệ thống hậu cần và đường băng theo tiêu chuẩn NATO, dường như không phù hợp với điều kiện của Ukraine ở điều kiện hiện tại.
Các chuyên gia của tờ Eurasiantimes cho rằng, chiến đấu cơ JAS 39 mới thực sự phù hợp với điều kiện hoạt động của Ukraine. Với những đặc tính kỹ thuật cực kỳ "dễ tính", loại chiến đấu cơ từ Thụy Điển này tỏ ra phù hợp với lực lượng không quân của các nước đang phát triển, với yêu cầu về kỹ thuật không quá cao và nổi bật hơn nhiều so với F-16 ở một vài điểm cực kỳ "đắt giá".
|
Tiêm kích JAS 39 được Thụy Điển sản xuất từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Ảnh: Aviation. |
Thứ nhất, hai loại máy bay này là những tiêm kích nhẹ hàng đầu của phương tây vì thế vũ khí trang bị, và các trang thiết bị điện tử có thể nói là gần như tương đương, và là những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Thứ hai, mặc dù F-16 mang được nhiều vũ khí hơn JAS 39 (7,7 tấn so với 6 tấn), nhưng JAS 39 nhỏ gọn hơn, sải cánh 8m so với 10m của F-16, thân ngắn gọn hơn (12m so với 14,8m). Điều đó khiến JAS 39 nhẹ hơn, có chi phí vận hành thấp hơn (4.700 USD/giờ so với 22.500 USD/giờ của F-16).
|
Tiêm kích JAS 39 hiện đang phục vụ cho không quân Thụy Điển, Brazil, Cộng hòa Séc, Anh, Hungary, Thái Lan,... Ảnh: Aviation. |
Thứ ba, JAS 39 có tính năng tuỳ biến, nâng cấp rộng, phiên bản mới mang động cơ F414 loại dùng cho máy bay F/A-18 của Mỹ. Với động cơ mới, Gripen có thể tăng bán kính tác chiến lên 1.300km, tầm bay 2.500km, các thiết bị điện tử và vũ khí có khả năng nâng cấp đảm bảo không bị lạc hậu.
Thứ tư, máy bay JAS 39 có khả năng cất cánh, hạ cánh trên đường băng ngắn (dưới 600m), trên đường quốc lộ, có thể tiếp vũ khí nhiên liệu trong vòng 10 phút và tiếp tục chiến đấu được, phù hợp với điều kiện khó khăn trong thời chiến. Đặc biệt, khi bị đối phương áp chế mạnh trên không và cơ sở hạ tầng bị hủy hoại nghiêm trọng.
|
JAS 39 của Thụy Điển cực kỳ phù hợp cho việc hoạt động trong điều kiện khó khăn của thời chiến, do nó không đòi hỏi quá nhiều về đường băng cũng như hậu cần. Ảnh: Aviation. |
JAS 39 cũng phù hợp với lối đánh du kính,bất ngờ. Nó phù hợp với chiến thuật phân tán binh lực khi bị địch tấn công ồ ạt bằng đường không.
JAS 39 Gripen loại máy bay chiến đấu mạnh mẽ được trang bị tên lửa không đối đất Taurus KEPD tầm bắn 350km, tên lửa chống hạm RBS-15F tầm bắn 250km được đánh giá tương đương Harpoon của Mỹ.
Về khả năng đảm bảo nguồn cung cấp, Ukraine có thể học cách Brazil đã làm, mua trước một số lượng hạn chế và đàm phán để phía bạn chuyển giao công nghệ, từng bước lắp ráp trong nước. Kinh nghiệm và năng lực sẽ phát triển theo thời gian, đảm bảo nguồn cung khi xung đột leo thang và đặc biệt là từng bước nâng cao được tiềm lực KHCN và năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng.
Tất cả các đặc điểm kể trên đều cho thấy, JAS 39 tỏ ra là một ứng cử viên cực kỳ nặng ký, rất phù hợp với điều kiện tác chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, một điểm trừ rất lớn của loại tiêm kích này, đó là chúng có nguồn cung cực kỳ hạn chế.
Khác với chiến đấu cơ F-16 - loại tiêm kích một động cơ được cho là phổ biến nhất thế giới hiện nay, JAS 39 do Thụy Điển sản xuất và hiện đang phục vụ trong biên chế không quân của khoảng hơn 10 quốc gia trên thế giới. Một vài thành viên NATO đang sở hữu loại tiêm kích này có thể kể đến như Cộng hòa Séc, Hungary và Anh (chỉ phục vụ huấn luyện).
Việc chỉ có mặt trong biên chế một vài lực lượng không quân của NATO, khiến việc viện trợ loại tiêm kích này cho Ukraine trong thời gian ngắn là điều hết sức khó khăn, chưa kể tới việc, JAS 39 hiện đang được coi là "xương sống" của không quân Cộng hòa Séc và Hungary.
|
Nguồn cung của chiến đấu cơ JAS 39 rất hạn chế do nhu cầu của loại chiến đấu cơ này trên thế giới là không quá cao. Ảnh: Aviation. |
Điều này có nghĩa, Ukraine phải đứng giữa lựa chọn, hoặc chọn tiêm kích F-16 với nguồn cung dồi dào nhưng lại không quá phù hợp với điều kiện hiện tại ở chiến trường Ukraine, hoặc lựa chọn tiêm kích JAS 39 phù hợp hơn, nhưng lại có nguồn cung rất hạn chế, việc đặt hàng từ Thụy Điển có thể tốn tới nhiều năm trước khi đơn hàng được hoàn thành.
Có vẻ như, Ukraine đã buộc phải lựa chọn tiêm kích F-16 từ Mỹ và NATO, để củng cố lực lượng không quân trong bối cảnh xung đột với Nga đang tỏ ra cực kỳ căng thẳng. Tuy nhiên không loại trừ khả năng, trong tương lai Ukraine sẽ mua thêm các chiến đấu cơ JAS 39, để đặt nền móng cho lực lượng không quân theo tiêu chuẩn NATO của nước này về lâu về dài.
Trần Trân (theo Eurasiantimes)