Theo đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc, Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và tiếp tục phát triển. Trong những năm gần đây, nước này đã khai thác hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, cả hai tàu sân bay này đều mang các máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-15 "Phi Sa" (cá mập bay).
Các tàu sân bay kiểu Liên Xô này có các phi đoàn không quân gồm 20 - 30 máy bay chiến đấu J-15.
Trung Quốc nói J-15 có thể so sánh với F / A-18 của hải quân Mỹ trong một số trường hợp, thậm chí còn sở hữu lợi thế nhất định so với tiêm kích trên hạm chính của hải quân Mỹ. Các chuyên gia nói J-15 có khả năng nhưng nếu chiến đấu cơ trên tàu sân bay Trung Quốc đối đầu với F / A-18, chúng có thể sẽ bị tàn sát.
Máy bay J-15 của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương thiết kế dựa trên một nguyên mẫu chưa hoàn thiện của máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không trên tàu sân bay Sukhoi Su-33 của Nga mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine. Do đó, chúng không phải lúc nào cũng là máy bay đáng tin cậy nhất.
Tiêm kích J-15 Trung Quốc.
J-15 có động cơ kém mạnh mẽ, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có những điểm tích cực.
So với F / A-18 của Mỹ, cả phiên bản Hornet và Super Hornet mới hơn, J-15 là loại máy bay nặng hơn, có thể mang nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn, đồng thời có thể bay cao hơn và nhanh hơn.
"Trong không chiến, đó có thể là những yếu tố thực sự quan trọng", Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của tổ chức tư vấn Rand Corp nói.
Vấn đề là J-15 không thể tận dụng được nhiều lợi thế của nó vì những hạn chế của hàng không mẫu hạm hiện tại của Trung Quốc.
Các chuyên gia về Trung Quốc nói rằng Liêu Ninh, con tàu chị em với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga "không ấn tượng lắm". Con tàu vốn là một tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng chưa hoàn thiện của Liên Xô mà Trung Quốc mua được từ Ukraine và trang bị lại. Tàu Liêu Ninh được biên chế vào Hải quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc vào năm 2012.
Sau đó, Trung Quốc đã chế tạo Sơn Đông, tàu sân bay cây nhà lá vườn đầu tiên. Mặc dù Sơn Đông, được đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, là một cải tiến so với tàu tiền nhiệm, thiết kế này vẫn tương tự như Liêu Ninh. Cả hai tàu sân bay đều sử dụng hệ thống phóng cất cánh ngắn có hỗ trợ dốc “nhảy cầu” thay vì máy phóng.
Ông Heath nói: “Với cấu hình dốc nhảy cầu, trọng lượng trở thành kẻ thù của bạn, và J-15, một chiếc máy bay hạng nặng, trở thành nạn nhân của chính thiết kế của nó”.
J-15 là máy bay chiến đấu trên tàu sân bay nặng nhất đang được sử dụng, và vì máy bay phải cất cánh bằng sức mạnh của chính nó, nó có thể cất cánh chỉ với một phần nhỏ vũ khí và nhiên liệu so với thiết kế, làm giảm tầm bay và khả năng chiến đấu tổng thể.
Mặt khác, F / A-18 của hải quân Mỹ có thể cất cánh từ tàu sân bay với đầy đủ nhiên liệu và vũ khí vì tất cả các tàu sân bay của Mỹ đều có máy phóng hỗ trợ cất cánh.
Sau đó là hệ thống điện tử hàng không. Heath nói: “Máy bay Mỹ có radar vượt trội. Đó là một lợi thế lớn khi có thể bắn từ một khoảng cách rất xa vì bạn có thể nhìn thấy kẻ thù trước tiên. Điều đó mang lại cho F / A-18 một lợi thế lớn, thậm chí so với một máy bay nhanh nhẹn hơn. Nếu bạn đang nói về việc J-15 đối đầu với F / A-18 trên biển, thì F / A-18 sẽ tiêu diệt J-15”.
Kết quả cuối cùng sẽ giống nhau nếu các hàng không mẫu hạm của Mỹ và Trung Quốc tung các phi đoàn không quân tàu sân bay ra đối nhau trong cuộc chiến giữa tàu sân bay với tàu sân bay.
Các tàu sân bay Mỹ có phi đoàn lớn gần gấp đôi, và chúng có thể triển khai máy bay lên không trung nhanh hơn, nhờ bốn máy phóng trên mỗi tàu.
Ông Heath nói: "Có lẽ sẽ là một cuộc tàn sát nếu có một trận chiến không đối không giữa máy bay phóng từ tàu Liêu Ninh và một tàu sân bay lớp Nimitz."
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi: Trung Quốc đang đóng một loại tàu sân bay mới, có thể là loại tàu sân bay hiện đại đầu tiên của nước này, có thể cho phép J-15 phát huy hết tiềm năng của nó. Nhưng Mỹ cũng đâu có ngồi chờ.
Theo Anh Minh/Tiền Phong