|
Tàu ngầm 039A của Trung Quốc. (Ảnh: X)
|
Năm 2017, công ty đóng tàu China Shipbuilding & Offshore International của Trung Quốc ký thỏa thuận với Hải quân Thái Lan để bán 1 tàu ngầm lớp Yuan S26T trị giá 13,5 tỷ baht (373 triệu USD).
Dự án gặp khó khăn về tiến độ sau khi nhà sản xuất không mua được động cơ diesel do hãng MTU của Đức sản xuất như đã nhất trí trong hợp đồng.
Berlin cho biết, việc xuất khẩu động cơ bị từ chối vì thiết bị này được sử dụng cho hàng quân sự của Trung Quốc. Hãng Trung Quốc đề xuất với Thái Lan rằng họ sẽ sử dụng động cơ do Trung Quốc sản xuất để lắp vào tàu.
Thái Lan không đồng ý với phương án đó dù hai bên đã trải qua nhiều vòng đàm phán.
Thủ tướng Srettha, sau khi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tuần trước, cho biết việc điều chỉnh thỏa thuận là “lựa chọn tốt nhất” hiện nay.
Ông cho biết, lựa chọn này có lợi cho Thái Lan, dù chi phí cao hơn 1 tỷ baht so với mua tàu ngầm. Ông cho biết tiến trình đàm phán của Bộ Quốc phòng với phía Trung Quốc đang tiến triển.
Bộ trưởng Quốc phòng Sutin Klungsang nhắc lại quan điểm của Srettha, cho biết tất cả khía cạnh của hợp đồng, bao gồm cả vấn đề pháp lý, đều được xem xét trước khi Thái Lan chuyển sang tàu khu trục.
“Tôi nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất trong hoàn cảnh này”, ông Sutin nói.
Một số ý kiến chỉ trích Bộ trưởng Sutin đơn phương quyết định, cho rằng chính phủ nên phạt công ty Trung Quốc và yêu cầu hoàn lại tiền.
Ông Sutin nói rằng ông không coi việc sửa đổi là vi phạm hợp đồng. Ông cho biết, người đứng đầu hải quân và các quan chức khác liên quan đến dự án đã được tham vấn và đồng ý rằng việc sửa đổi là cần thiết để tăng cường quan hệ giữa Thái Lan với Trung Quốc.
Ủy ban An ninh quốc gia của Hạ viện do đảng Tiến bước đứng đầu cho biết sẽ mở một cuộc điều tra về thỏa thuận này.
Bangkok Post đưa tin, nghị sĩ Rangsiman Rome đặt câu hỏi rằng tại sao hải quân muốn bổ sung một tàu khu trục nữa vào hạm đội hiện có của mình vì trước đó họ khẳng định rằng tàu ngầm đóng vai trò rất quan trọng để duy trì an ninh hàng hải của Thái Lan.
“Họ không thể tuyên bố họ rất cần một tàu ngầm, rồi đột nhiên họ không muốn nó nữa”, ông Rangsiman nói.
Chính quyền Prayuth Chan-ocha tiền nhiệm ban đầu dự định mua 3 tàu ngầm Trung Quốc trị giá hơn 1 tỷ USD. Kế hoạch đó không thành hiện thực sau khi vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận và hạn chế về ngân sách do đại dịch COVID-19.
Theo báo chí trong nước, Thủ tướng Srettha đã nêu vấn đề tàu khu trục với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường trong cuộc hội đàm nhân dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường tuần trước, nơi nhà lãnh đạo Thái Lan gọi Bắc Kinh là “anh trai” của đất nước ông.
Ông Srettha cũng cam kết tăng cường quan hệ thương mại và giao lưu văn hóa với Trung Quốc, đồng thời mời ông Tập thăm Thái Lan.
Theo Ủy ban Đầu tư Thái Lan, năm ngoái Trung Quốc đầu tư 2,3 tỷ USD vào các lĩnh vực như điện tử và ô tô của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo Bangkok Post, SCMP
Theo Bình Giang/Tiền Phong