Tại sao Anh, Mỹ trì hoãn mở Mặt trận thứ hai chống phát xít?

Google News

Anh và Mỹ trì hoãn việc mở Mặt trận thứ hai để "giành giật" những miếng ngon nhất từ "con gấu Đức" đang "rỉ máu" và ngăn chặn Liên Xô mở rộng sự thống trị sau Thế chiến II.

Vấn đề mở Mặt trận thứ hai

Tai sao Anh, My tri hoan mo Mat tran thu hai chong phat xit?
Ảnh: Cuộc đổ bộ của các đơn vị Đại đội E thuộc Trung đoàn bộ binh 16 thuộc Sư đoàn bộ binh số 1 của Quân đội Mỹ lên bãi biển Omaha ngày 6/6/1944. (Nguồn: Topwar).

Lần đầu tiên, việc mở Mặt trận thứ hai chính thức được nêu ra trong một thông điệp cá nhân từ Joseph Stalin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ tháng 7/1941, gửi đến Thủ tướng Anh Winston Churchill. Stalin hoan nghênh việc thiết lập quan hệ đồng minh giữa Liên Xô và Anh, cũng như bày tỏ sự tin tưởng vào chiến thắng trước kẻ thù chung. Theo người đứng đầu Chính phủ Liên Xô, thế trận quân sự của Anh và Liên Xô sẽ được cải thiện nếu có thể thành lập một Mặt trận chống Đức phía Tây (miền Bắc nước Pháp) và ở phía Bắc (Bắc Cực). Điều này có thể thu hút lực lượng lớn quân Đức ra khỏi mặt trận phía Đông, đồng thời làm thất bại cuộc xâm lược Anh của Hitler.

Tuy nhiên, Thủ tướng Churchill ngay lập tức bác bỏ đề nghị này, viện dẫn lý do thiếu lực lượng và nguy cơ “thất bại đẫm máu” nếu tiến hành cuộc đổ bộ. Thực tế, người Anh lúc đó đang cân nhắc khả năng đổ bộ vào Na Uy để ngăn chặn Đức chiếm đóng Thuỵ Điển bằng các nguồn lực chiến lược của mình.

Tháng 9/1941, khi các mặt trận đang bị tổn thất nghiêm trọng, Stalin một lần nữa đã nhắc lại vấn đề này. Trong các thông điệp gửi Churchill vào ngày 3 và 13/9/1941, Stalin viết: “… Đức đã chuyển hơn 30 sư đoàn bộ binh mới, một lượng lớn máy bay và xe tăng tới Mặt trận phía Đông và tăng cường hành động của các đồng minh…”. Theo Stalin, bộ chỉ huy Đức coi “mối nguy hiểm ở phương Tây là một trò lừa bịp” và đang chuyển toàn bộ lực lượng sang Nga.

Đức có cơ hội đánh bại trước tiên là Liên Xô, sau đó là Anh. Đây là thời điểm tốt cho Anh mở Mặt trận thứ hai. Churchill cũng phải thừa nhận Liên Xô đang gánh chịu thiệt hại khủng khiếp, nhưng việc mở Mặt trận thứ hai là “không thể”.

Những thắng lợi của Hồng quân trong mùa đông 1941-1942 lại tiếp tục mở ra những cơ hội mới cho việc mở Mặt trận thứ hai. Người Nga đã giữ được Leningrad và Moscow, cũng như phản công thành công vào các điểm nhạy cảm của quân Đức. Bộ trưởng Bộ Cung ứng, Lord Beaverbrook, đã báo cáo với Nội các Anh rằng tình hình thực tế đang mang lại cho Anh những cơ hội mới. Cuộc phản công của Nga đã tạo ra một thế trận mới, gần như mang tính cách mạng ở tất cả những quốc gia bị chiếm đóng, đồng thời mở ra 2.000 dặm bờ biển cho cuộc đổ bộ của quân Anh. Mặc dù vậy, giới lãnh đạo Anh vẫn coi châu Âu là “vùng cấm” với quân đội của mình, nội các Anh và Bộ tham mưu không thống nhất với quan điểm của Beaverbrook.

Ngày 7/12/1941, Mỹ chính thức tham chiến. Quân Mỹ đã khéo léo khiêu khích Nhật Bản tấn công, biến Mỹ thành “nạn nhân của một cuộc tấn công bất ngờ”. Dư luận Mỹ, vốn có khuynh hướng giữ thái độ trung lập, đã nhanh chóng quên đi các nguyên tắc trung lập và chủ nghĩa biệt lập.

Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ khi đó đã bắt đầu phát triển một kế hoạch chiến lược bao gồm việc tập trung năng lực quân sự để đối phó với Đức. Nước Anh đã trở thành bàn đạp cho cuộc xâm lược miền Bắc nước Pháp. Kế hoạch này được thảo luận vào ngày 1/4/1942 tại một cuộc họp ở Nhà Trắng và được Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt chấp thuận.

Mỹ muốn sử dụng Liên Xô trong cuộc chiến với Nhật Bản

Tổng thống Roosevelt rất coi trọng kế hoạch này, cả về mặt chính trị lẫn chiến lược quân sự. Ông tin rằng cần phải nhanh chóng đảm bảo với Moscow về việc mở Mặt trận thứ hai. Điều này không chỉ củng cố liên minh với Liên Xô mà còn mang lại sự ủng hộ rộng rãi từ các cử tri Mỹ, những người đồng cảm với cuộc đấu tranh của Liên Xô chống lại quân xâm lược Đức Quốc xã. Sự ủng hộ này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm 1942.

Từ quan điểm chiến lược- quân sự, Washington muốn tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Xô trong việc đánh bại Đế quốc Nhật Bản tại chiến trường Thái Bình Dương. Với Tổng thống Roosevelt và các tướng Mỹ, sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến với Nhật Bản là cực kỳ quan trọng.

Roosevelt đã cử trợ lý thân cận nhất của mình, Harry Hopkins, và Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ, Tướng George Marshall, tới London để trình bày kế hoạch này với giới lãnh đạo Anh. Về nguyên tắc, lãnh đạo Anh đã đồng ý với việc thực hiện một cuộc đổ bộ hạn chế của quân Đồng minh phương Tây vào năm 1942 và mở Mặt trận thứ hai vào năm 1943.

Ngày 11/4/1942, Tổng thống Roosevelt đã mời Cố vấn Đại sứ quán Liên Xô, Andrei Gromyko, để chuyển thông điệp cá nhân tới người đứng đầu Chính phủ Liên Xô. Roosevelt đề xuất cử một phái đoàn Liên Xô tới Washington để đàm phán về việc mở Mặt trận thứ hai. Ngày 20/4, Stalin đồng ý và tuyên bố sẽ cử Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov gặp Tổng thống Mỹ để thảo luận về vấn đề này. London cũng được dự kiến sẽ tham gia. Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, đại diện các bên quyết định thành lập Mặt trận thứ hai ở châu Âu. Ngày 12/6, có thông tin cho rằng thoả thuận đã được thông qua.

Tai sao Anh, My tri hoan mo Mat tran thu hai chong phat xit?-Hinh-2
Ảnh: Một đơn vị biệt kích Anh trước cuộc đổ bộ vào Normandy, tháng 6/1944 (Nguồn: Topwar).

Mỹ và Anh cố tình trì hoãn

Cả năm 1942 và 1943, việc mở Mặt trận thứ hai không diễn ra. Cuộc đổ bộ của quân đội châu Âu vào năm 1942 đã bị hoãn lại vì cuộc tấn công của quân Anh - Mỹ ở Bắc Phi. Roosevelt và Churchill đã thoả thuận với nhau, mà không có sự tham gia của đại diện Liên Xô. Từ góc độ quân sự, các hoạt động của quân Đồng minh ở Bắc Phi là không đáng kể, và cũng không có khả năng làm suy yếu sức mạnh quân sự của Đức. Tuy nhiên, những hoạt động ở Bắc Phi, bắt đầu từ tháng 11/1942, đã khiến việc tổ chức mặt trận thứ hai ở châu Âu vào năm 1943 trở nên không khả thi.

Moscow đã được thông báo về quyết định này. Tháng 8/1942, Thủ tướng Anh Churchill đến Liên Xô để đàm phán, đại diện Tổng thống Mỹ, Harryman, cũng có mặt. Ngày 13/8/1942, Stalin trao cho Churchill và Harryman một bản ghi nhớ, trong đó khẳng định  năm 1942 là thời điểm tốt nhất để mở Mặt trận thứ hai. Ông lập luận rằng các lực lượng thiện chiến nhất của Đức đã bị đánh bại trên chiến trường Nga.

Tuy nhiên, Churchill lại thông báo về việc Mỹ và Anh đã thống nhất không mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu vào năm 1942, mà thay vào đó, mùa xuân năm 1943 sẽ là thời điểm thích hợp. Moscow quyết định không làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Bộ chỉ huy Đức, lợi dụng sự trì hoãn này của Anh và Mỹ, đã mở cuộc tấn công mạnh mẽ vào sườn phía Nam của mặt trận Xô - Đức vào mùa hè thu năm 1942. Quân đội Đức Quốc xã đã tiến về sông Volga, và cố gắng chiếm Caucasus, nhằm giáng một đòn chí mạng vào Liên Xô. Nếu cuộc tấn công của Đức thành công, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản có thể sẽ tham chiến chống Liên Xô.

Anh và Mỹ, với cái giá phải trả là sự hy sinh của Liên Xô, đã bảo toàn lực lượng và tài nguyên của mình.

 Sau đó, họ sử dụng những lực lượng và tài nguyên này khi cuộc chiến gần kết thúc để áp đặt các điều kiện lên những nước thua cuộc, từ đó thiết lập trật tự thế giới theo ý muốn của họ.

Về bản chất, việc giới cầm quyền Mỹ và Anh liên tục trì hoãn mở Mặt trận thứ hai ở châu Âu đã mang lại cho “Đế chế thứ ba” (Đức Quốc xã, còn gọi là Đệ Tam Đế chế) sự hỗ trợ mà Đức không thể có được từ bất kỳ đồng minh nào của mình. Đức đã có thể duy trì sự thống trị trên gần khắp châu Âu bằng các nguồn lực con người, vật chất và kinh thế, đồng thời cũng gửi phần lớn lực lượng tới mặt trận phía Đông.

Năm 1943 được đánh dấu bằng một bước ngoặt căn bản trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Nga và Thế chiến thứ hai nói chung. Quân Liên Xô đã thắng lợi rực rỡ trong trận đánh kéo dài 200 ngày đêm trên sông Volga. Đức cũng thua trận thảm hại ở vùng Caucasus. Tháng 5/1943, quân Đồng minh đánh bại một nhóm quân Ý-Đức ở Bắc Phi. Tình hình cũng ổn định hơn ở Thái Bình Dương, quân Đồng minh đã được nắm thế chủ động chiến lược sau trận Guadalcanal. Tưởng chừng các nước Đồng minh đã có thể tập trung nỗ lực vào châu Âu và mở Mặt trận thứ hai.

Sau trận Stalingrad và sự tiến công liên tục của Hồng quân, các cường quốc phương Tây đã có cái nhìn khác về Liên Xô. Họ bắt đầu lo sợ rằng quân Đức sẽ sớm thất bại trên chiến trường, và mục tiêu làm suy yếu Liên Xô trong chiến tranh một cách tối đa sẽ chưa thể thực hiện. London và Washington hiểu rằng, Liên Xô không chỉ có thể tồn tại, mà còn có thể giành chiến thắng vang dội, từ đó củng cố được vị thế và ảnh hưởng trên toàn thế giới. Vì lẽ đó, họ sẽ phải trì hoãn việc mở Mặt trận thứ hai, để Đức chưa thể bại trận ngay.

Tai sao Anh, My tri hoan mo Mat tran thu hai chong phat xit?-Hinh-3
Ảnh: Các đội xe tăng Anh từ Phi đội C, 13/18 Royal Hussars, chuẩn bị xe tăng M4 Sherman cho cuộc đổ bộ lên Normandy, tháng 5/1944 (Nguồn: Topwar).

Chính sách trì hoãn Mặt trận thứ hai và làm Liên Xô kiệt sức có tầm quan trọng quyết định trong hành động của các cường quốc phương Tây

Đại sứ Liên Xô Maxim Litvinov tại Mỹ tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì nữa, các tính toán quân sự của cả Mỹ và Anh đều xuất phát từ ý định muốn làm quân đội Liên Xô cạn kiệt và hao mòn tối đa, để Liên Xô phải giảm bớt vai trò trong việc giải quyết các vấn đề hậu chiến. Hai nước này sẽ chỉ ngồi chờ tin về hoạt động quân sự của chúng tôi trên mặt trận”.

Hội nghị Anh - Mỹ được tổ chức tại Casablanca vào tháng 1 năm 1943 cho thấy, quân Đồng minh sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công lớn nào ở châu Âu vào năm 1943. Churchill và Roosevelt đã gửi một thông điệp tới Moscow sau hội nghị, trong đó không nêu rõ khung thời gian hoặc thông tin về các hoạt động cụ thể về hy vọng rằng Đức sẽ bị đánh bại vào năm 1943 (Trên thực tế, dù không tuyên bố trực tiếp, nhưng việc mở mặt trận thứ hai đã bị trì hoãn cho đến tận năm 1944).

Ngày 30/1/1943, Moscow yêu cầu báo cáo về các hoạt động và thời gian tiến hành cụ thể. Sau khi tham vấn với Roosevelt, Churchill đã gửi thư khích lệ tới Moscow, và thông báo rằng đang chuẩn bị tích cực cho việc “vượt Eo biển Manche” vào tháng 8. Trong điều kiện thời tiết xấu, hoặc vì những lý do khác, việc này có thể sẽ bị hoãn lại đến tháng 9, khi đó, quân đồng minh sẽ cử một lực lượng lớn đi.

Đó thực sự là một lời nói dối có chủ đích. Khi thông báo về dự kiến thực hiện một chiến dịch đổ bộ vào miền Bắc nước Pháp, London và Washington thực chất đang chuẩn bị cho một chiến dịch tại mặt trận Địa Trung Hải. Sự thật cuối cùng cũng được tiết lộ, vào tháng 5, Roosevelt đã thông báo với Moscow rằng hoạt động này sẽ được dời sang năm 1944.

Ngày 30/3, quân Đồng minh đã một lần nữa công bố ngừng cấp vật tư quân sự cho các cảng biển phía Bắc của Liên Xô với lý do cần chuyển toàn bộ phương tiện sang Biển Địa Trung Hải. Vào những thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến, vào năm 1942 và 1943, quân đồng minh đều có những lý do chính đáng cho việc ngừng cấp vũ khí, vật liệu cho Liên Xô.

Ngày 11/6, Moscow gửi thông điệp đến cả Washington và London, trong đó nhấn mạnh rằng việc mở Mặt trận thứ hai bị trì hoãn đã “tạo ra nhiều khó khăn thực sự” cho Liên Xô, khi phải chiến đấu với Đức và lực lượng đồng minh trong suốt hai năm qua.

Một cuộc trao đổi quan điểm càng làm tình hình thêm nóng, các cường quốc phương Tây không có lý lẽ thuyết phục nào để biện minh cho sự chậm trễ trong việc mở Mặt trận thứ hai. Trong thông điệp gửi đến Churchill ngày 24/6, Stalin nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc này có thể cứu sống hàng triệu người ở các khu vực bị chiếm đóng tại Nga và châu Âu, đồng thời nhắc đến những hy sinh to lớn của Hồng quân.

Tai sao Anh, My tri hoan mo Mat tran thu hai chong phat xit?-Hinh-4
Ảnh: Lính dù Anh thuộc Sư đoàn Dù số 6 lên máy bay trước khi hạ cánh xuống Normandy, ngày 6/6/1944. (Nguồn: Topwar).

Anh và Mỹ hiểu rằng, có thể mất toàn bộ châu Âu

Chiến thắng trong trận Vòng cung Kursk và trận sông Dnepr của quân đội Liên Xô đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Nga. Quân Đức và đồng minh sau đó đã buộc phải chuyển sang phòng thủ chiến lược. Toàn bộ tình hình chính trị - quân sự ở châu Âu và thế giới cũng nhờ đó mà thay đổi mạnh mẽ.

Liên Xô đã chứng tỏ được khả năng đánh bại Đức một cách độc lập, việc giải phóng hoàn toàn châu Âu khỏi Đức Quốc xã không còn xa nữa. Với lo ngại quân đội Liên Xô tiến vào Trung và Tây Âu trước quân Đồng minh, Anh và Mỹ đã thúc đẩy nhanh quá trình mở Mặt trận thứ hai. Họ sợ bỏ lỡ thời điểm quan trọng để chiếm được các trung tâm chính trị, kinh tế của châu Âu hay nhiều khu vực chiến lược quan trọng. Ngoài ra, Washington, nơi vốn không đổ máu vì chiến tranh, còn lo sợ rằng sẽ không thể đưa ra các điều khoản hoà bình cho châu Âu thời kỳ hậu chiến.

Tháng 8/1943, Hội nghị giữa những người đứng đầu chính phủ và đại diện Bộ chỉ huy Mỹ và Anh được tổ chức tại Quebec, Canada. Trong báo cáo kết luận của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nêu rõ, Chiến dịch Normandy sẽ là cuộc tấn công quan trọng của lực lượng Anh - Mỹ trong năm 1944. Các hoạt động chuẩn bị cho kế hoạch này được tiến hành từ ngày 1/5/1944. Quyết định này đã cải thiện mối quan hệ giữa Liên Xô và các cường quốc phương Tây.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Mỹ và Anh ở Moscow vào tháng 10/1943, do muốn giữ quyền tự do hành động, quân Đồng minh vẫn không cung cấp các thông tin cụ thể. Họ chỉ khẳng định kế hoạch mở một chiến dịch ở miền Bắc nước Pháp vào mùa xuân năm 1944, nếu điều kiện thời tiết ở khu vực Eo biển Manche, Anh thuận lợi, và lực lượng Không quân Đức ở Tây Bắc Âu phải cắt giảm đáng kể.

Ngày 19/11/1943, trên tàu chiến Iowa trên đường đi Cairo để tham dự hội nghị Anh-Mỹ-Trung (trước khi diễn ra hội nghị ở Tehran), Tổng thống Mỹ, trong bài phát biểu về sự cần thiết của việc mở Mặt trận thứ hai, đã nhấn mạnh rằng quân đội Liên Xô đã tiến gần tới Ba Lan và Bessarabia.

Roosevelt nhấn mạnh, quân đội Anh-Mỹ phải chiếm càng nhiều lãnh thổ châu Âu càng tốt. Roosevelt sẽ trao Pháp, Bỉ, Luxembourg và Nam Đức cho Anh quản lý. Người Mỹ muốn nắm lấy Tây Bắc nước Đức và các cảng của Đan Mạch và Na Uy. Berlin cũng nằm trong kế hoạch chiếm đóng của Mỹ và Anh.

Churchill cũng không muốn sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở Tây Âu và đề xuất “phương án Balkan” - sự hiện diện của lực lượng Đồng minh ở vùng Balkan, nhằm tách quân đội Liên Xô khỏi Trung Âu. Ở các quốc gia Đông Nam Âu, họ sẽ thiết lập các chế độ theo định hướng Anh-Mỹ.

Người Mỹ vốn ủng hộ chiến lược Địa Trung Hải của Churchill cho đến giữa năm 1943 tin rằng những kế hoạch này đã quá muộn. Quân đội Đồng minh có thể mắc kẹt ở vùng Balkan, và lúc này quân Nga sẽ chiếm được các trung tâm quan trọng nhất của châu Âu. Mặt trận thứ hai ở Pháp đã ngăn chặn được quân Nga tiến vào các khu vực quan trọng là Ruhr và Rhine.

Phái đoàn Liên Xô tại Tehran đã tìm cách đạt được cam kết chắc chắn từ Anh và Mỹ về việc mở Mặt trận thứ hai. Kết quả, Stalin đã đạt được mục tiêu của mình. Hội nghị Tehran đã quyết định khởi động chiến dịch đổ bộ ở miền Bắc nước Pháp vào tháng 5 năm 1944.

Đồng thời, quân Đồng minh lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch ở miền nam nước Pháp. Vào thời điểm này, Liên Xô cam kết sẽ mở một cuộc tấn công quyết định nhằm ngăn chặn việc chuyển quân Đức từ mặt trận phía Đông sang mặt trận phía Tây. Các thỏa thuận được thông qua ở Tehran đã ra quyết định chính trị để bắt đầu chiến dịch Normandy.

Tai sao Anh, My tri hoan mo Mat tran thu hai chong phat xit?-Hinh-5
Ảnh: Lính Anh bơi qua sông để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ Normandy, tháng 5/1944 (Nguồn: Topwar).
 

Chiến dịch chiến lược của quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy (Pháp), hay còn gọi là chiến dịch “Overlord” được coi là ngày mở Mặt trận phía Tây (thứ hai) trong Thế chiến thứ hai. Chiến dịch Normandy là chiến dịch đổ bộ lớn nhất trong lịch sử nhân loại với hơn 3 triệu binh lính, vượt qua Eo biển Manche từ Anh đến Normandy. Vào ngày đầu tiên của chiến dịch, khoảng 100.000 lính thuộc 5 sư đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn thiết giáp và một số nhóm quân khác đã đổ bộ lên bờ biển Normandy.

Tính đến thời điểm đó, cả hành động của lực lượng Đồng minh ở Bắc Phi hay cuộc đổ bộ vào Sicily và Ý chưa thể coi là “mặt trận thứ hai”. Phải đến khi quân Đồng minh tiến hành cuộc đổ bộ lớn vào miền Bắc nước Pháp và giải phóng Paris, họ mới thiết lập được một đầu cầu quan trọng cho cuộc tấn công diện rộng. Người Đức chỉ có thể thành lập một mặt trận mới vào tháng 9/1944, tại biên giới Tây Đức.

Việc mở Mặt trận phía Tây đã dẫn tới chiến thắng trước “Đế chế thứ ba”

Berlin phải huy động lực lượng lớn bộ binh và xe tăng vào cuộc chiến với lực lượng Đồng minh (chủ yếu là quân đội Mỹ, Anh, Canada và một phần của phong trào Kháng chiến Pháp). Mặc dù cuộc chiến ở Mặt trận phía Tây hầu như không diễn ra khốc liệt và giằng co như ở Mặt trận phía Đông, Đức vẫn không thể chuyển những lực lượng này sang Mặt trận Nga.

Kết quả là quân đội Liên Xô đã chiếm Berlin vào tháng 5/1945, thay vì vào cuối năm 1945 hoặc đầu năm 1946. Hồng quân lẽ ra đã có thể tự mình đánh bại Đức Quốc xã và cứu sống hàng trăm nghìn người sớm hơn, nhưng điều này lại không xảy ra và gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và vật chất.

Một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử nhân loại - “Chiến dịch Bagration” bắt đầu vào ngày 23/6/1944. Thành công của chiến dịch tại Belarus vượt xa mong đợi của Liên Xô. Nó đã dẫn đến sự thất bại của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, giải phóng hoàn toàn Belarus, và quân đội Liên Xô chiếm lại một phần các nước Baltic cùng các khu vực phía đông của Ba Lan từ tay quân Đức.

Trên mặt trận dài 1.100 km, Hồng quân đã tiến sâu vào 600 km. Cuộc tấn công thành công này đã đặt Cụm Tập đoàn quân Bắc ở vùng Baltic vào tình thế nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Baltic sau đó. Ngoài ra, Hồng quân còn chiếm được hai đầu cầu lớn ở phía bên kia sông Vistula, giúp cho Chiến dịch Vistula-Oder dễ dàng hơn.  

Theo nhiều nhà sử học quân sự, cuộc tấn công của Mặt trận Liên Xô đã gặp nhiều thuận lợi nhờ Mặt trận phía Tây. Bộ chỉ huy Đức không thể điều chuyển quân dự bị từ Pháp, bao gồm cả các đơn vị xe tăng lớn. Sự thiếu hụt lực lượng đã làm khả năng phòng thủ của Đức trong Chiến dịch Belarus bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặt khác, một phần đáng kể của pháo binh và không quân Đức đang ở phía Tây. Điều này cho phép không quân Liên Xô nhanh chóng giành được ưu thế trên không và tiêu diệt các nhóm quân Đức đang rút lui mà không gặp nhiều trở ngại từ Luftwaffe.

Cuộc tấn công mạnh mẽ của Liên Xô tại Belarus đã ngăn Bộ chỉ huy Đức tập trung lực lượng để loại bỏ đầu cầu Đồng minh ở Normandy. Ngày 10/6, Hồng quân đã phát động tấn công vào phía bắc của mặt trận, ngày 23/6, Chiến dịch Bagration bắt đầu.

Quân Đồng minh đổ bộ vào Pháp muộn nhiều hơn so với những gì họ đã hứa và dự kiến. Trên thực tế, giới lãnh đạo chính trị-quân sự hàng đầu của Anh và Mỹ đã chờ đến tận phút chót. Ban đầu, họ tin rằng, Hitler sẽ nhanh chóng đè bẹp Liên Xô, với sự cho phép của London và Washington để thôn tính phần lớn châu Âu, rồi huy động các nguồn lực kinh tế và nhân lực từ đó. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng quân Đức sẽ gặp khó khăn khi phải đối phó với chiến tranh du kích và việc kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga.

Sau đó, họ có thể thực hiện kịch bản thoả thuận với Hitler về việc chia sẻ thế giới này. Hoặc các tướng lĩnh Đức sẽ thủ tiêu vị Quốc trưởng khó tính, người sẽ phải “chóng mặt vì thành công”. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi hầu hết giới lãnh đạo Đức trước Thế chiến thứ hai, và ngay cả trong giai đoạn đầu của chiến tranh, đều mơ ước liên minh với Anh. Trong khi Đế quốc Anh là hình mẫu của “Đế chế vĩnh cửu” của Đức khi đã từng xây dựng hệ thống chủng tộc trên khắp hành tinh, các trại tập trung đầu tiên.

Trên thực tế, người Anh - Mỹ ban đầu là những người sáng tạo và tài trợ cho dự án “Đế chế thứ ba”. Đức đã không thể đè bẹp Liên Xô chỉ bằng một đòn duy nhất, mà thay vào đó là cuộc chiến tranh tiêu hao và kéo dài, trong khi dân tộc Nga lại dũng cảm không ai sánh bằng. Anh và Mỹ đã bắt đầu đợi cho đến khi cả Đức và Liên Xô suy yếu để nhận về mọi chiến thắng, cũng như có quyền kiểm soát hoàn toàn thế giới.

Nhưng họ đã nhầm, Liên Xô, mặc dù chịu nhiều tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với những đối thủ khổng lồ này, vẫn có thể củng cố sức mạnh của mình, và bắt đầu quá trình giải phóng Liên Xô, rồi sau đó là châu Âu. Nguy cơ nảy sinh khi Liên Xô có thể nắm quyền kiểm soát không chỉ một phần Đông và Đông Nam Âu, mà cả Trung và Tây Âu. Anh và Mỹ nhận thấy cần phải đổ quân vào Tây Âu để không chậm chân trong việc phân chia miếng bánh “Đức”.

Bởi vậy, chiến dịch Normandy không gắn liền với mong muốn việc giúp đỡ một đồng minh đang trong cuộc chiến khó khăn chống lại Đức và giải phóng châu Âu khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, mà chỉ với mong muốn của Anh - Mỹ là thiết lập một chế độ chiếm đóng mới ở các nước châu Âu, cũng như ngăn chặn Liên Xô chiếm vị trí thống trị ở Thế giới cũ. Anh và Mỹ đã vội vàng giành giật những miếng ngon nhất từ con gấu “Đức” đang rỉ máu.

 

Dương Ngân (Theo Topwar)