Xe tăng T-34 được trang bị với khẩu pháo 76mm hay còn gọi là T-34/76 là loại xe tăng đầu tiên của Liên Xô đối đầu với lực lượng thiết giáp hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ của phát xít Đức trên Mặt trận phía Đông. Chính chiếc T-34/76 này dù thiết kế chưa được hoàn thiện nhưng cũng đã khiến quân Đức đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Đầu tiên là về giáp của T-34. Mặt trước của T-34 được trang bị giáp dày 45mm nhưng đặt nghiêng tới 60 độ. Lớp giáp nghiêng này của T-34 khiến cho khẩu pháo 50mm được trang bị trên xe tăng Panzer III – loại xe tăng phổ biến nhất mà Đức sử dụng trong chiến dịch tấn công Liên Xô bất lực không thể xuyên thủng được. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với khẩu Pak 38 – khẩu pháo chống tăng cỡ nòng 50mm phổ biến nhất của Đức thời điểm này.
|
Tháp pháo của T-34 bị Đức mang ra bắn thử nghiệm bằng pháo 50mm và kết quả khiến người Đức bất ngờ. Ảnh: Warhistoryonline. |
Các báo cáo chiến trường của Đức gửi về tổng hành dinh mô tả xe tăng T-34 là loại xe tăng có thiết kế đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả trên chiến trường. Tốc độ di chuyển của T-34 khá nhanh và thiết kế xích của nó giúp xe tăng có thể di chuyển hiệu quả trong bùn lầy – điều mà xe tăng Đức gần như bó tay khi tham chiến ở Mặt trận phía Đông.
Nhiều sử gia đồng ý rằng, T-34 cũng góp phần không nhỏ vào việc làm chậm bước tiến của quân Đức trên Mặt trận phía Đông vào mùa thu năm 1941.
Điểm “chết người” nhất của T-34 đó là thiết kế đơn giản của nó. Thiết kế này không những cho phép T-34 dễ sửa chữa, dễ sử dụng mà còn giúp nó dễ sản xuất với số lượng lớn, thậm chí là với công nhân không tay nghề. Tính đến cuối năm 1942, thời gian để một chiếc T-34 ra đời được rút ngắn xuống một nửa so với một năm trước đó.
|
Dây chuyền lắp ráp T-34 có thể sử dụng phụ nữ, nông dân hay thậm chí cả trẻ em mà vẫn vận hành tốt do việc lắp ráp nó cực kỳ đơn giản. Ảnh: Pinterest. |
Năm 1943, dây chuyền sản xuất xe tăng của Liên Xô đạt công suất 1300 xe tăng T-34 mỗi tháng, tương đương với khoảng… 43 chiếc mỗi ngày. Tổng cộng trong khoảng ba năm, đã có 35.000 chiếc T-34/76 được ra đời.
Mặc dù vậy, nếu đánh giá một cách khách quan T-34/76 không phải là không có nhược điểm, thậm chí là nhược điểm chí tử.
Đầu tiên là việc trong tháp pháo của T-34 có hai người bao gồm chỉ huy và xạ thủ - nghĩa là một không gian cực kỳ chật hẹp so với thể hình của người Liên Xô thời bấy giờ. Tuy nhiên phía sau khẩu pháo của T-34 lại không có lồng bảo vệ - một cơ cấu giúp thành viên kíp lái không ở trong phạm vi ảnh hưởng khi pháo giật ngược lại sau mỗi phát bắn.
|
Tháp pháo của T-34 hoàn toàn không có lồng chắn pháo giật ngược. Ảnh: Warhistoryonline. |
Điều này là thiếu sót cực kỳ lớn và với lực giật của khẩu pháo 76mm, chỉ huy hoặc xạ thủ hoặc… cả hai có thể bị thương nặng, bị loại khỏi vòng chiến đấu ngay lập tức nếu không may bị cả khẩu pháo thúc ngược lại trúng người.
|
Bên trong tháp pháo của xe tăng Sherman có một chiếc lồng đặt ngay sau khẩu pháo. Miễn là không có ai thò tay vào bên trong chiếc lồng này, kíp lái sẽ an toàn sau mỗi phát bắn. Ảnh: Shadock. |
Cửa nóc của T-34 cũng không có hệ thống kính nhìn ra ngoài – nghĩa là trưởng xa sẽ phải mở cửa nóc và thò đầu ra ngoài để có tầm nhìn tốt hơn khi vào trận. Không cần phải giải thích cũng biết điều này nguy hiểm thế nào khi một chiếc xe tăng có thể ngay lập tức trở nên kém hiệu quả khi người chỉ huy bị bắn hạ - và thường là chết ngay lập tức do chỉ thò mỗi đầu ra khỏi xe tăng.
Phải tới Model 1943, cửa nóc của xe tăng T-34 mới được trang bị kính nhìn ra ngoài giống với thiết kế trên xe tăng Đức đã được trang bị từ trước chiến tranh.
Thêm vào đó, giáp của T-34 dù hiệu quả nhưng sự hiệu quả này cũng không kéo dài được lâu nhất là khi Đức đưa các loại vũ khí chống tăng hiệu quả hơn vào sử dụng. Chưa kể, thép làm xe tăng T-34 rất cứng và dù khi vũ khí chống tăng của Đức không xuyên được vào trong nó cũng có thể làm phần thép của T-34 bị vỡ, nứt, văng mảnh vào phía trong xe làm kíp lái bị thương.
|
Xe tăng T-34 bị mang ra thử nghiệm pháo chống tăng. Ảnh: Pinterest. |
Thiết kế vỏ ngoài nghiêng tới 60 độ của T-34 cũng khiến không gian bên trong của xe tăng chật chội hơn nhiều – một điều cực kỳ khó chịu cho kíp vận hành khi họ phải coi chiếc xe tăng này như ngôi nhà di động của mình.
Một thử nghiệm vào năm 1942 của công binh Mỹ đã cho thấy, việc nhồi nhét 4 người đàn ông trưởng thành có khổ người trung bình vào bên trong chiếc T-34 là điều quá khó khăn và cực kỳ thiếu thoải mái. Hiểu được điều này, quân đội Liên Xô đã có những tiêu chuẩn giới hạn về chiều cao, cân nặng đặc biệt cho lính lái xe tăng, ưu tiên tuyển người gốc Á sinh sống ở vùng Viễn Đông do những người gốc Á có thể hình nhỏ hơn người gốc Slav.
Để giảm giá thành và thời gian sản xuất xuống mức thấp nhất, phần lớn xe tăng hạng trung T-34 không có radio hoặc bộ đàm. Chỉ duy nhất xe của chỉ huy trung đội xe tăng được trang bị bộ đàm – nghĩa là cứ năm chiếc T-34 thì chỉ có một chiếc có radio để liên lạc với sở chỉ huy.
|
Những chiếc T-34 của Liên Xô bị Đức chiếm làm chiến lợi phẩm đều được lắp radio vì lính Đức không thể chiến đấu được nếu thiếu thiết bị liên lạc. Ảnh: Warhistoryonline. |
Khi muốn liên lạc giữa các xe tăng với nhau, các trưởng xa phải dùng cách “cổ điển” đó là dùng cờ hiệu. Việc này làm giảm hiệu quả trong các cuộc chiến mang tính “bầy đàn” khi một lượng lớn xe tăng của Liên Xô không thể gắn kết và hiểu được hoàn toàn ý đồ chiến thuật của nhau.
Thậm chí tới tận năm 1943, vẫn có rất nhiều T-34 không có bộ đàm.
Hệ thống hộp số của T-34 cũng là một thảm hoạ. Đầu tiên là chân côn không có trợ lực và lái xe cần ấn một lực khoảng 40kg lên chân côn mỗi khi muốn sang số. Cần số của T-34 cũng rất “ọp ẹp” và nhiều khi dù đã nhấn chân côn “lút cán”, người lính vẫn không thể sang số được.
Thậm chí lính lái xe tăng Hồng quân đã rỉ tai nhau về một mẹo sang số khá “thô bạo” đó là để sẵn một… chiếc búa bên cạnh, khi cần số không thể kéo được bằng tay hãy dùng búa để sang số dễ dàng hơn. Suy cho cùng dù thiết kế kém, đây vẫn là xe tăng của Liên Xô và ít ra nó vẫn… rất bền.
Trong những tài liệu được giải mã sau khi Liên Xô xụp đổ, hình tượng về loại xe tăng hạng trung T-34 gần như cũng “tan nát” theo Liên Xô. Cụ thể các tài liệu được giải mã ghi nhận trong trận phản công của Liên Xô ở Stalingrad vào mùa Đông năm 1942-1943 cho thấy, 326 chiếc trên tổng số 400 xe tăng T-34 của Liên Xô tung vào trận đã bị hỏng hoàn toàn. Đặc biệt ở chỗ chỉ 66 trong số đó tham chiến trực tiếp, số còn lại là tự hỏng, không thể sửa chữa trong điều kiện chiến đấu buộc kíp lái phải tự phá huỷ xe để rút lui.
|
Thời gian đầu chiến tranh, quân Đức thu được rất nhiều xe tăng T-34 bị Hồng quân bỏ lại trên đường rút lui do hỏng hóc. Ảnh: Warhistoryonline. |
Các thử nghiệm được Liên Xô tiến hành vào năm 1942 cho thấy chỉ 7% xe tăng T-34 được xuất xưởng trong điều kiện “hoàn hảo”, 93% còn lại được xuất xưởng trong điều kiện có trục trặc kỹ thuật chưa được khắc phục. Trong số 93% này, phần lớn sẽ hỏng sau 300km hoạt động và buộc phải sửa chữa lại, chỉ 8% vượt qua được con số 300km hành quân đường bộ mà không bị trục trặc gì.
Các tài liệu của Liên Xô cũng chỉ rõ, mỗi lữ đoàn xe tăng của Liên Xô sẽ mất từ 30% tới 50% xe tăng T-34 của mình trên đường hành quân ra chiến trường.
Các báo cáo của Tổng cục Thiết giáp Hồng quân cho biết, xe tăng T-34 của quân đội nước này có thời gian hoạt động trung bình chỉ 200 km trước khi cần sửa chữa hoặc thậm chí là… đại tu. Điều này đồng nghĩa với việc các xe tăng T-34 sẽ cần đại tu trước khi kịp… chạy hết bình dầu đầu tiên.
Điều này cho thấy dường như hình tượng T-34 của Liên Xô mang tính tuyên truyền nhiều hơn so với thực tế.
Điểm vượt trội nhất của T-34 có lẽ nằm ở thiết kế quá đơn giản của nó, khiến cho việc sản xuất trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, mọi công nhân không qua đào tạo đều có thể làm việc được trong dây chuyền lắp ráp T-34. Điều này khiến dù số lượng tự hỏng là quá nhiều, lực lượng thiết giáp Liên Xô vẫn còn đủ số lượng T-34 hoạt động được để áp đảo đối phương.
|
Chủ yếu trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô dùng T-34/76. Phiên bản T-34/85 tới mãi năm 1944 mới ra đời và có đóng góp không đáng kể. |
Trong thời gian từ năm 1941 tới năm 1943, các nhà máy của Liên Xô sản xuất được 30.000 xe tăng T-34 tổng cộng. Để dễ so sánh, trong cùng thời gian đó Đức chỉ sản xuất được 5.000 xe tăng Panzer IV. Để sử dụng tốt quân số áp đảo này, học thuyết chiến tranh của Liên Xô cũng chủ yếu thiên về số lượng để áp đảo đối phương. Bản thân lãnh đạo tối cao Liên Xô - Joseph Stalin cũng từng khẳng định rằng “Quantity has a quality all its own” – nghĩa là “Bản thân số lượng cũng là một dạng chất lượng”.
|
Năm nào T-34 cũng dẫn đầu cuộc duyệt binh mừng Chiến tranh Vệ quốc. Ảnh: Warhistoryonline. |
Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng các kíp chiến đấu điều khiển T-34 là một phần cực kỳ quan trọng, chính bản thân kíp này đã bù lấp được các sai sót về thiết kế của T-34 để sử dụng được thứ vũ khí “lắm bệnh” này đối đầu lại chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
(còn nữa)
Mời độc giả xem Video: Quá trình lắp ráp xe tăng T-34/85 trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuấn Anh