Việc Quân đội Nga bất ngờ tuyên bố rút khỏi Đảo Rắn (còn gọi là đảo Zmiinyi) trên Biển Đen vào ngày 30/6, với lý do là “vì thiện chí” và không cản trở Liên Hợp Quốc thiết lập kênh vận chuyển nông sản ra khỏi Ukraina.
Còn Ukraine thì cho rằng, họ đã đánh đuổi Quân đội Nga khỏi Đảo Rắn. Vậy sự thật là gì? nó có nghĩa gì? tương lai Đảo Rắn sẽ như thế nào?
|
Ảnh: Đảo Rắn của Ukraine chụp từ vệ tinh ngày 12/5/2022. Nguồn Reuters |
Nga và Ukraine đã tuyên bố những gì?
Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/6 tuyên bố rút quân khỏi Đảo Rắn, vì lý do “thiện chí”; một động thái cho thấy, Nga sẽ không cản trở việc Liên hợp quốc thiết lập kênh vận chuyển nông sản ra khỏi Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng, động thái này sẽ ngăn chính phủ Ukraine sử dụng cuộc khủng hoảng lương thực, để thổi phồng cuộc khủng hoảng và quy cuộc khủng hoảng lương thực, là do Quân đội Nga từ chối cho phép vận chuyển lương thực ra ngoài.
Phía Nga cũng “đá quả bóng” cho phía Ukraine. Bây giờ để khôi phục nguồn cung, phía Ukraine phải rà phá các loại thủy lôi thả trên bờ Biển Đen, bao gồm cả vùng nước cảng.
|
Đồ họa vị trí đảo Zmiinyi. Nguồn Washington Post. |
Tuy nhiên, tường thuật của Ukraine về sự việc Đảo Rắn lại hoàn toàn khác.
Quân đội Ukraine hôm 30/6 cho biết, việc rút quân của Nga là do một chiến dịch quân sự "thành công" của Kiev?
Ngày 27/6, Quân đội Ukraine cho biết, họ đã phá hủy hệ thống phòng không thứ hai trên đảo, tiêu diệt nhiều binh sĩ Nga. Từ đêm thứ 26 đến rạng sáng ngày 27/6, Quân đội Ukraine lại tiếp tục các cuộc pháo kích vào Đảo Rắn.
Trước đó, Quân đội Ukraine cho biết, họ đang đánh giá kết quả của chiến dịch ban đêm, có thể coi là một "thành công", và rằng "kẻ thù đã vội vàng sử dụng hai tàu cao tốc để sơ tán các đơn vị đồn trú còn lại, có thể rời khỏi hòn đảo".
Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny cho biết, "những kẻ chiếm đóng" đã rút lui, sau khi "không thể chống lại hỏa lực pháo binh, tên lửa và các cuộc không kích của chúng tôi" và cảm ơn Quân đội Ukraine, từ khu vực Odessa đã sử dụng những "biện pháp lớn nhất có thể", để giải toả một phần lãnh thổ chiến lược quan trọng của Ukraine".
|
Ảnh: Những đám cháy xuất hiện trên Đảo Rắn khi quân Nga rút khỏi đây. Nguồn Sina |
Có thực quân Nga tại Đảo Rắn rút lui vì “thiện chí”?
Bài phân tích trên tờ Pikabu của Nga cho biết: “Đảo Rắn mà Quân đội Nga kiểm soát từ tháng 2, giờ đột ngột rời đi; rõ ràng không phải hoàn toàn vì “thiện chí”, mà là do các cuộc pháo kích của Ukraine vào Đảo Rắn ngày càng gia tăng kể từ tháng 6.
Một thông tin ngày 27/6 từ Bộ chỉ huy phía Nam của Ukraine cho biết, họ đã bắn rocket và đạn pháo vào Đảo Rắn và ghi nhận hơn 10 lần trúng mục tiêu. Các tuyên bố tương tự cũng được phía Ukraine đưa ra vào các ngày 17, 21, 22 và 25/6.
Ngoài ra, một số chuyên gia còn phân tích chiến thuật của Quân đội Ukraine, nhằm tiêu hao lực lượng đồn trú của Nga trên Đảo Rắn, bằng cách tăng số lượng pháo kích:
"Trong bóng tối, mục tiêu được UAV đánh dấu, sau đó lựu pháo tiến hành tấn công bằng hỏa lực gián tiếp, nhiệm vụ của nó không phải là bắn trúng mục tiêu của Nga, mà là tiêu hao cơ số đạn của hệ thống phòng không của quân Nga trên Đảo Rắn.
Sau một đêm chống trả, vào buổi sáng, pháo binh Ukraine bắt đầu hoạt động chính xác hơn và đợt pháo kích này có thể kéo dài trong vài giờ. Ngoài ra, cường độ các cuộc tấn công đã tăng lên trong tháng 6.
|
Ảnh: Đảo Rắn được chụp từ trên không bằng UAV của Ukraine. Nguồn Sina |
Dân cư vùng Odessa trước đó từng nghe thấy âm thanh pháo kích 30 phút một lần, sau đó cứ 5 phút một lần”.
Một chuyên gia Nga cho biết: "Chiến thuật của Quân đội Ukraine đang phát huy hiệu quả. Giờ đây, việc kiểm soát thực tế hòn đảo này tương đương với hành động tự sát".
Tại sao Ukraine pháo kích ngày càng nhiều vào Đảo Rắn? Đó chính là sự xuất hiện liên tiếp của vũ khí tầm xa của phương Tây viện trợ cho Ukraine; đây là một yếu tố quan trọng.
Bài phân tích của tờ "Tầm nhìn" của Nga ngày 30/6 dẫn ý kiến của các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, từ những thông tin tình báo, phía Nga biết rằng, Quân đội Ukraine đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Đảo Rắn. Với lực lượng hiện có trên Đảo Rắn, quân Nga khó có thể đẩy lùi được các cuộc phản công.
Quân đội Ukraine cũng thay đổi chiến thuật, khi họ sử dụng pháo tự hành bánh hơi Caesar của Pháp viện trợ, được bố trí trên đảo Kubansky, thuộc vùng Odessa gần cửa sông Danube, cách Đảo Rắn 36 km. Những trận pháo kích này đe dọa sự an toàn của binh lính trên Đảo Rắn, nên Quân đội Nga đã đưa ra quyết định rút lui.
|
Ảnh: Ông Yuri Knutov, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga. Nguồn Sina |
Quân đội Nga có bỏ đổ bộ vào Odessa từ hướng biển?
"Khi chúng tôi chiếm được Đảo Rắn, chúng tôi không biết rằng nó sẽ bị tấn công bởi hỏa lực pháo binh của Ukraine?"; đây cũng là sự nghi ngờ trong suy nghĩ của nhiều người Nga.
Trang web Ukraina.ru của Nga đã phỏng vấn Yuri Knutov, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga, để trả lời một loạt câu hỏi.
Ban đầu, Quân đội Nga dự định sử dụng Đảo Rắn để đổ bộ ở Odessa, Knutov nói. Nhưng Quân đội Ukraine đã bố trí một bãi mìn lớn ở đó, khiến tàu đổ bộ khó tiếp cận bờ biển.
Ngoài ra, hiện nay có thông tin cho rằng, Ukraine đã nhận được tên lửa chống hạm từ phương Tây. Đây là những tên lửa hành trình, mà không phải tàu chiến nào của Nga cũng có thể đánh chặn.
Chính phủ Pháp cũng cho biết, họ sẽ cung cấp tên lửa chống hạm Cá bay cho Kiev, thường bay ở độ cao 1-2 mét so với mặt biển.
Phân tích của các chuyên gia Nga thực tế thừa nhận rằng, mục tiêu ban đầu của Quân đội Nga là quá cao, không thể đạt được và Đảo Rắn đã trở thành một “cái bẫy”.
Như vậy theo suy luận logic, thì cuộc rút quân ở Đảo Rắn có phần giống với cuộc di tản ở Kiev. Lúc đầu, các mục tiêu đặt ra quá cao, và sau đó phải bỏ dở.
|
Ảnh: Soái hạm Matxcơva của Hạm đội Biển Đen bị tên lửa chống hạm của Ukraine đánh chìm. Nguồn Sina |
Vài tháng trước, vụ chìm soái hạm Matxcơva của Hạm đội Biển Đen, phản ánh thực tế là tàu chiến Nga gặp bất lợi trong tác chiến trên biển.
Phía Ukraine chưa tìm ra phương án để đảo ngược bất lợi của mình ở chiến trường phía Đông, mà chuyển hướng tấn công sang mặt trận phía Nam và Đảo Rắn luôn là mục tiêu tấn công chủ yếu.
Liên tục có tin tàu chiến Nga bị bắn chìm, và thậm chí cả dàn khoan dầu đã bị tấn công. Với việc triển khai thêm vũ khí của phương Tây, nhược điểm của tàu chiến Nga ngày càng lộ rõ, lúc này việc quân Nga bám vào Đảo Rắn chẳng có ý nghĩa gì cả về chiến lược và chính trị.
|
Ảnh vệ tinh cột khói bốc lên từ đảo Rắn ngày 6/5. Nguồn Reuters. |
Việc rút lui khỏi Đảo Rắn, cũng đánh dấu việc Quân đội Nga về cơ bản từ bỏ chiến lược đánh chiếm Odessa, thông qua các hoạt động đổ bộ từ hướng biển.
Ông Knutov nói rằng, việc Hải quân Nga tiến hành các hoạt động đổ bộ từ hướng biển, có nguy cơ mất tàu và lực lượng là quá mạo hiểm. Sau khi cuộc đổ bộ ở Odessa bị đình chỉ, chúng tôi quyết định không để binh lính liều mạng, đóng trên hòn đảo đang bị pháo kích liên tục.
Hiện Quân đội Ukraine có tên lửa chiến thuật cơ động cao M142 HIMARS, có độ chính xác khoảng 7-10 mét, đủ phá hủy các mục tiêu trên đảo. Với tất cả những điều này, chúng tôi rời khỏi hòn đảo.
Ông Knutov cũng tin rằng, Odessa sẽ bị phía Nga chiếm giữ, nhưng không nhanh như nhiều người hy vọng.
Sau khi Quân đội Nga chiếm Lisichansk, có thể phía Nga sẽ triển khai cuộc tấn công vào tuyến phòng thủ tiếp theo Slavyansk / Kramatorsk, và Quân đội Nga cần tập trung lực lượng. Bởi vì để loại bỏ 30.000 quân Ukraine đang phòng thủ ở đó, phía Nga cần 100.000 quân.
|
Ảnh: Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật M142 HIMARS mà Ukraine vừa nhận của Mỹ, có thể tấn công chính xác từ xa vào Đảo Rắn. Nguồn Sina |
Ai sẽ giành quyền kiểm soát Đảo Rắn trong tương lai?
Đảo Rắn có kích thước nhỏ, bằng phẳng, dễ tấn công và khó phòng thủ; ai bảo vệ hòn đảo này, sẽ đều cảm thấy bất lợi.
Do đó, sau khi Quân đội Nga rút đi, Quân đội Ukraine có thể không nhất thiết phải đưa quân đến bảo vệ Đảo Rắn, và dù có đưa quân đi chăng nữa, thì cũng khó có thể phòng thủ được.
Nhưng trong mọi trường hợp, việc Quân đội Nga rút lui đã làm suy yếu rất nhiều quyền kiểm soát của họ đối với khu vực phía tây của Biển Đen, để cho Ukraine mở lối đi trên Biển Đen. Thông qua đó, Quân đội Ukraine có thể nhận nhiều viện trợ khác nhau, bao gồm cả viện trợ quân sự qua hướng biển.
Đương nhiên, Quân đội Nga sẽ không cho phép Quân đội Ukraine tự do di chuyển, và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng.
"Giai đoạn tiếp theo của giai đoạn phong tỏa đường biển, là tiêu diệt khả năng tấn công của hải quân và không quân của Quân đội Ukraine ở khu vực gần đảo Rắn", một nguồn tin trên kênh điện tín Nga Rybar cho biết.
Alexander Bartosh thuộc Học viện Khoa học Quân sự Nga cũng viết trên tờ Rybar: "Tôi nghĩ bước tiếp theo có thể là tuyên bố của Nga về việc phi quân sự hóa hoàn toàn Đảo Rắn.
Trong tương lai, cần ngăn chặn việc triển khai quân đồn trú của các lực lượng vũ trang Ukraine ở đó và khi cần thiết, có thể tổ chức tái chiếm Đảo Rắn với tổn thất tối thiểu".
Quan điểm của Knutov về điều này đó là, nếu cần thiết, Quân đội Nga sẽ sử dụng vũ khí chính xác cao để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào hòn đảo, và sau đó tổ chức các hoạt động đổ bộ.
Nhưng cho đến nay, điều này vẫn chưa có nhiều ý nghĩa, vì Nga cần phải giải quyết cuộc giao tranh ở khu vực Donbass trước đã.
Tiến Minh