Tác chiến điện tử hiện nay đang được nâng lên thành thuật ngữ "Chiến tranh phi tiếp xúc". Khái niệm này được hiểu như một cuộc chiến tranh không tuyên bố, một lực lượng tác chiến có thể tấn công nhiều đối phương trong cùng một thời điểm.
Hoặc nhiều đối tượng cùng tấn công một đối phương trong nhiều tầng không gian chiến tranh, gây tổn thất nặng nề cho đối phương trước khi cuộc xung đột xảy ra cụ thể.
Tác chiến điện tử trong phạm vi quân sự thực chất là làm chủ, khống chế làn sóng điện từ, gây nhiễu loạn toàn bộ hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc (TTLL), quan sát của địch, qua đó làm cho vũ khí công nghệ cao (VKCNC) của đối phương trở thành vô dụng, bảo vệ được ta.
|
Khí tài tối tân của Việt Nam. |
Tác chiến điện tử với 3 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Trinh sát điện tử, bảo vệ hệ thống điện tử và chế áp hệ thống điện tử.
Trinh sát điện tử: Dùng các phương tiện điện tử để trinh sát quân sự với 6 hình thức, đó là: trinh sát vô tuyến điện; trinh sát vô tuyến truyền hình; trinh sát ảnh nhiệt - hồng ngoại; trinh sát radar; trinh sát âm thanh; trinh sát thủy âm, được tiến hành từ trên không bằng máy bay, trên vũ trụ bằng vệ tinh, trên mặt đất, trên biển bằng hệ thống radar, quan trắc, tàu thuyền và trong lòng biển bằng các phao thủy âm, radar sonar...
Bảo vệ hệ thống điện tử: Là toàn bộ các hoạt động làm cho các phương tiện điện tử của ta làm việc an toàn, ổn định, trước sự gây nhiễu và đánh phá của địch, chống trinh sát điện tử của địch.
Chế áp điện tử: Là toàn bộ các biện pháp và hoạt động làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương. Gồm 2 hình thức tiến hành là chế áp cứng và chế áp mềm. Chế áp cứng là phá huỷ một phần hoặc hoàn toàn phương tiện điện tử bằng hỏa lực, bằng xung lực hoặc các năng lượng khác.
Chế áp mềm là sử dụng năng lượng điện từ trường phát xạ hoặc phản xạ lại, đánh lừa điện tử để ngăn cản, loại trừ hoặc làm giảm hiệu quả hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương với các biện pháp như gây nhiễu, tao mục tiêu giả…
Với Việt Nam thì chúng ta chưa đủ sức để phản công điện tử, chống tác chiến điện tử với hình thức chế áp cứng với đối phương là Mỹ, nhưng bảo vệ hệ thống điện tử, chế áp mềm thì Việt Nam có đủ tự tin, bản lĩnh và kinh nghiệm phong phú.
Thông thường, chiến tranh ngày thường diễn ra với kịch bản: Đầu tiên, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình từ các tàu ngầm, tàu nổi mở màn, tấn công vào lãnh thổ nhằm làm cho hệ thống radar phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy liên lạc tê liệt hoặc thiệt hại nặng khiến đối phương như tê liệt.
Tiếp theo, không quân xuất kích chiếm lĩnh, thống trị bầu trời săn diệt những mục tiêu quân sự còn lại...
Nếu không phá hủy được hệ thống radar và các hệ thống tác chiến điện tử khác, nghĩa là khả năng phòng không, phát hiện mục tiêu, sự thông tin liên lạc chỉ huy của đối phương chưa bị đánh quỵ thì giá phải trả của không quân, chiến hạm khi bị giáng trả là không tránh khỏi.
Điều rút ra quan trọng ở VKCNC luôn phát huy tác dụng khi tồn tại trong môi trường điện tử thuận lợi. Tuy nhiên, dù cho có một hệ thống trinh sát điện tử hiện đại thì kết quả tín hiệu, thông tin thu được sẽ vô dụng khi thiếu đi yếu tố con người.
Vì vậy, sự ra đời của Lữ đoàn tác chiến điện tử 87 trực thuộc Cục tác chiến điện tử là một sự thay đổi về lượng để chuyển biến về chất, đưa hoạt động tác chiến điện tử của quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, tinh nhuệ.
Theo Ngọc Hòa/Báo Đất Việt