Các hình ảnh được chụp bởi một nhiếp ảnh gia cho thấy sự xuất hiện của xe tăng hạng trung T-34 và cả pháo tự hành chống tăng SU-100 trên đường phố Yemen. Hai vũ khí này đều đo Liên Xô sản xuất từ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Yenmen là quốc gia sử dụng khá nhiều vũ khí do Liên Xô sản xuất, vì vậy không lạ khi họ có sở hữu T-34 hay SU-100.
|
Xe tăng T-34-85M xuất hiện trên đường phố Yemen. |
Dẫu vậy, việc phải sử dụng đến 2 thứ vũ khí được xếp hàng “cụ kỵ” này khiến người ta đặt dấu hỏi lớn về tình trạng vũ khí Quân đội Yemen.
Theo một số tài liệu thống kê, Lục quân Yemen được trang bị khoảng 700 xe tăng gồm các loại T-54/55, T-62, T-72 và M60 Patton; 200 xe chiến đấu bộ binh BMP-1/2; 200-300 xe thiết giáp chở quân; 300-400 lựu pháo tự hành, pháo kéo, pháo phản lực. Thậm chí, Quân đội Yemen cũng sở hữu các tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Touchka, Scud.
Mẫu xe tăng T-34 mà Quân đội Yemen sử dụng được xác định là biến thể T-34-85M được nâng cấp năm 1969 với trang bị trinh sát đêm, bổ sung thêm thùng nhiên liệu, có chút thay đổi ở bộ phận bánh xích.
Hỏa lực của T-34-85M là một pháo 85mm ZiS có khả năng xuyên giáp tăng hạng nặng Tiger I của Đức cách 500m. Dẫu vậy, ở thời hiện đại thì 85mm khó mà xuyên thủng được các loại tăng chiến đấu chủ lực. Tuy nhiên, đối đầu với lực lượng phiến quân vốn trang bị thua kém thì T-34-85M vẫn rất hữu ích khi chi viện bộ binh, hay tấn công phá hủy các công sự phòng ngự, phương tiện chiến đấu hạng nhẹ của đối phương.
Nhưng điều đáng lo là, với lớp giáp mỏng manh (dày 80mm ở mặt trước, 51mm ở hông), xe tăng T-34-85M của Quân đội Yemen khó mà sống sót trước vũ khí chống tăng hiện đại.
|
Pháo tự hành chống tăng SU-100 trang bị pháo rãnh xoắn 100mm D-10S. |
Bạo lực bắt đầu bùng phát ở Yemen từ vài tháng qua, nghiêm trọng tới mức Tổng thống Hadi phải rời thủ đô Sanaa hồi tháng 2. Cuộc xung đột chính hiện tại diễn ra giữa hai phe, đó là lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen Abdrabbuh Mansour Hadi, và quân nổi dậy thuộc dòng Hồi giáo Shia được biết lên với tên gọi là Houthi.
Hoàng Lê